Ấn Độ: Biến khí thải độc hại thành sơn vẽ
Graviky Labs, một công ty có trụ sở tại Ấn Độ, mới đây đã tạo ra bước đột phá đáng chú ý trong công nghệ làm sạch môi trường ô nhiễm nhờ sáng tạo nên loại mực có tên Air Ink được sản xuất ra từ… không khí bị ô nhiễm.
Thiết bị hình trụ giữ lại bụi carbon để tái chế thành sơn. (Nguồn: CNN).
Các sản phẩm Air Ink - hay mực không khí - đầu tiên của công ty này bao gồm bút, các loại sơn dầu và sơn phun. Mỗi sản phẩm đều có chứa chất tạo màu làm từ bụi carbon. Loại mực này là phát minh của người sáng lập Graviky Labs, ông Anirudh Sharma, người tự mô tả bản thân là nhà sáng chế lỗi lạc.
Trước đây, ông Sharma cũng từng chế tạo ra LeChal, một mẫu giày thông minh có gắn nhiều bộ cảm ứng để giúp người ta đi lại dễ dàng hơn thông qua các nhịp rung đều đặn.
Trong một thỏa thuận mới đây với đối tác Tiger Beer, Graviky Labs đã thử nghiệm sản phẩm của họ ở Hong Kong - nơi có mức độ ô nhiễm nặng nề - và cung cấp sản phẩm này cho giới nghệ sỹ. Có 9 nghệ sỹ đã được mời tới thử nghiệm loại mực mới của họ tại quận Sheung Wan.
Được biết ông Sharma bắt đầu có ý tưởng chế tạo Air Ink sau một cuộc nói chuyện với bạn bè ông ở Ấn Độ, mà trong đó nhiều người phàn nàn về mức độ ô nhiễm môi trường cao đến nỗi khiến quần áo họ bị bẩn. Lần đầu tiên ông thử chế tạo loại mực này là lúc còn đang là nghiên cứu sinh tại một phòng thí nghiệm thuộc ĐH Công nghệ Massachusett (MIT) của Mỹ, và sau đó mới khởi nghiệp ở Graviky Labs, Ấn Độ.
“Tôi đã nghĩ rằng, các nghệ sỹ tạo nên tác phẩm của họ bằng mực, sơn. Vậy làm thế nào để chúng ta giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường một cách sáng tạo, như một nghệ sỹ? Sẽ ra sao nếu chúng ta sử dụng nghệ thuật như một cách để tái sử dụng các loại bụi carbon?” - ông Sharma nói.
Bắt nguồn từ suy nghĩ đó, trong suốt 3 năm qua, đội ngũ của ông Sharma tại Graviky Labs đã bỏ công nghiên cứu ra cách để thu hút, làm sạch và tái sử dụng bụi carbon và biến nó thành sơn sử dụng trong nghệ thuật.
Một tác phẩm nghệ thuật từ loại sơn Air Ink tại Hong Kong.
Vẽ bằng… sự ô nhiễm
Khí thải từ xe hơi là một trong những nhân tố hàng đầu gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Ấn Độ. Không khí ở thủ đô New Delhi, như một ví dụ, được đánh giá là ô nhiễm nhất thế giới, theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới công bố năm 2014.
“Bởi vậy nên chúng tôi muốn tạo ra một công nghệ có thể thu hút được khí thải carbon mà không ảnh hưởng tới khả năng vận hành của xe hơi” - ông Sharma nói.
Ban đầu bụi carbon được hút lại nhờ sử dụng một thiết bị dạng ống lắp đặt trên ống xả của xe hơi. Sau đó, bụi carbon này được cho qua một tiến trình xử lý làm sạch để loại bỏ các loại kim loại nặng. Bụi carbon được làm sạch sau đó được trộn cùng một số vật liệu khác để biến nó thành một loại sơn.
“Bụi carbon được trộn cùng với dầu để thành một loại sơn dạng dầu, hay được trộn cùng khí nén và đóng hộp để thành sơn phun” - ông Sharma cho hay.
Theo ông, một chiếc bút Air Ink có chứa lượng khí thải carbon mà một chiếc xe hơi thải ra trong khoảng thời gian từ 30 - 40 phút. Ông còn dự tính trong tương lai sẽ phát minh ra một công nghệ để biến các bụi carbon trong khí thải thành chất liệu tạo hình cho các nhà điêu khắc.
Hiện việc phát triển Air Ink vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và ông Sharma vẫn chưa tự tin rằng sản phẩm của mình có thể cứu lấy Trái Đất khỏi sự ô nhiễm. Nhưng mục đích sử dụng tổng thể của Air Ink là nhằm giảm lượng vật chất trong bầu không khí.
“Loại mực này sẽ giúp giữ lại các vật chất dạng hạt trong khí thải, và nhờ vậy giúp giảm các hạt gây hại trong không khí mà chúng ta hít phải” - ông Sharma nói - “Điều mà chúng tôi đang làm hiện tại là tái sử dụng một loại chất gây ô nhiễm có thể gây độc hại cho con người, đang phá hủy môi trường và tồn tại xung quanh chúng ta”.
Loại mực này sẽ còn phải mất thêm thời gian để hoàn thiện, hiện đội ngũ của Graviky Labs đang nghiên cứu các cách thức sản xuất trên quy mô lớn, tăng hiệu xuất và quan trọng nhất là thân thiện với môi trường nhất có thể.
Cath Love, một nghệ sỹ tham gia thử nghiệm mực Air Ink tại Hong Kong, nói rằng ý tưởng này là “thiên tài” và xứng đáng có được một cơ hội.
“Tôi không phải nhà khoa học nên không thể nói liệu nó có thể thay đổi môi trường của chúng ta hay không. Nhưng ý tưởng này - tận dụng được những gì chúng ta sẵn có trong không khí thay vì triết xuất nó từ vật liệu mới - thực sự là một hướng đi tích cực để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật” - Nghệ sỹ này cho hay.