Siết quản lý sử dụng tài sản, chi tiêu công

V.Thắng 29/07/2016 22:28

Ngày 29/7, trong ngày làm việc cuối cùng, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016. Cuối giờ chiều với 94,53% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV. Ảnh: Hoàng Long.

Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những hạn chế đó là nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Theo đó, đến cuối năm 2015 nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3%, vượt trần quy định là 50%; nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%.

Việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí lớn. Nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý đầu tư, khai thác, thu phí tại nhiều dự án BOT còn bất hợp lý, thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí.

Cũng theo Thủ tướng, cơ cấu chi ngân sách nhà nước còn bất hợp lý. Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Một số dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chậm tiến độ, kéo dài, hiệu quả thấp, thua lỗ, lãng phí, dừng đầu tư, dừng hoạt động; công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

“Tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực triển khai chậm, còn lúng túng. Kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm. Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai. Việc kê khai tài sản còn hình thức; giám sát, kiểm tra, thanh tra hiệu quả thấp. Lãng phí trong cơ quan nhà nước và toàn xã hội còn lớn”- Thủ tướng nêu rõ.

Tán thành với những nhận định mà Thủ tướng đưa ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng tiến độ thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm chạp làm lãng phí và sử dụng kém hiệu quả nguồn lực của nhà nước. 6 tháng đầu năm chỉ có 38 doanh nghiệp nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp công lập được cổ phần hoá. Tỷ trọng cổ phần nhà nước nắm giữ cao, quá trình cổ phần hoá vẫn gặp khó…

Đại biểu phát biểu tại Hội trường trong phiên bế mạc. Ảnh: Hoàng Long.

Cần cơ chế xử lý trách nhiệm người không còn đương chức

Nêu ra thực trạng sự cố gây ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung do Formosa gây ra đã ảnh hưởng xấu, tác động lớn đến đời sống nhân dân, an ninh xã hội và lòng tin của người dân, ĐB Trần Công Thuật (Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình) đề nghị, Chính phủ sớm triển khai chính sách hỗ trợ đến với người dân, hỗ trợ việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài, có chính sách căn cơ để dân yên tâm.

“Bà con quan tâm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố, coi đây là bài học sâu sắc trong thu hút đầu tư, ứng phó thảm hoạ môi trường thiên tai, bảo đảm phát triển bền vững. Khẩn trương sớm làm rõ để trả lời cho dân rõ khi nào đánh bắt gần bờ được, khi nào bà con yên tâm ăn hải sản được và khi nào môi trường biển an toàn? Đúng là chúng ta vừa cần cá, tôm và thép nhưng có cần một Formosa tới 70 năm không? một quả bom môi trường nằm sát kề ai cũng lo lắng”- ông Thuật nói.

Cùng chung quan điểm, là ĐBQH của tỉnh bị ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường, ông Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) bày tỏ, người dân đang hàng ngày hàng giờ sống với lo âu khắc khoải. Đời sống sản xuất kinh doanh của người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản phẩm đánh bắt ven bờ và xa bờ đều khó tiêu thụ, do đó tàu gần như nằm bờ hoàn toàn. Thu mua hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá không thể hoạt động được. Còn gì buồn hơn và lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển mà phải đi tìm kiếm việc làm khác mưu sinh kiếm sống.

Nhìn nhận, sự cố môi trường biển vừa qua không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân mà khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành cũng bị ảnh hưởng lớn. Lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm xuống không được 1/10 so với cùng kỳ 2015, ông Đồng đề nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ thoả đáng công bằng.

Tổ chức giám sát hoạt động của Formosa để không gây hậu quả tương tự, khôi phục hệ sinh thái ven bờ để sớm công bố trả lại môi trường biển và ngư trường cho dân. “Chính phủ đã có báo cáo về Formosa gửi đến các ĐBQH. Chính phủ đang xử lý và Quốc hội cũng không thể ngoài cuộc. Quan trọng là Quốc hội cần làm không chỉ trả lời minh bạch trách nhiệm mà còn rà soát hệ thống văn bản pháp luật để ngăn chặn từ ban đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe doạ đến đời sống của nhân dân. Có cơ chế xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân, kể cả những người không còn đương chức”- ông Đồng nói.

Nguyên nhân của sự trì trệ, tham nhũng

Đặt câu hỏi tại sao trong suốt 5 năm qua, kể từ năm 2011 chúng ta đã chưa thoát ra khỏi được tình trạng trì trệ và phục hồi rất chậm? ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, có những nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan ở chỗ chúng ta đã chưa giải quyết được một cách thực chất những vấn đề lớn của nền kinh tế còn tồn đọng.

Ông Lộc dẫn chứng: “Việc cắt giảm biên chế và chi tiêu chính phủ chưa có chuyển biến đáng kể. Tình trạng thâm hụt ngân sách cao vẫn tiếp diễn, thậm chí còn vượt quá mức 5% theo dự toán mà Quốc hội thông qua. Nợ công vẫn tiếp tục gia tăng và có khả năng vượt trần ngay trong năm nay. Trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, mặc dù Chính phủ đưa ra thông điệp và chương trình hành động rất rõ ràng và thể hiện quyết tâm cao, nhưng nhiều bộ ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc”.

Vì thế theo ông Lộc, rất cần tập trung hóa giải các nút thắt chi tiêu chính phủ, nợ công, nợ xấu, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thủ tục hành chính.

Dẫn chứng báo cáo kiểm toán đã nêu 9 kiến nghị, rà soát hủy bỏ 103 văn bản không phù hợp với quy định, và kiểm điểm cá nhân có sai phạm, ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện kiến nghị của kiểm toán và báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện.

Bởi theo ông Tường “nếu thực hiện nghiêm sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ công tâm, liêm chính”. Chỉ rõ tham nhũng đang là 1 trong 4 nguy cơ lớn, nhưng 10 năm nay phòng, chống tham nhũng chưa có nhiều chuyển biến, ông Tường đề nghị xác định quy trách nhiệm người đứng đầu.

“Báo cáo kiến nghị cử tri của Mặt trận đã nêu rõ, cơ chế xác định trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ đang là nguyên nhân của sự trì trệ và tham nhũng. Chưa xác định được cơ chế xác định quy trách nhiệm đứng đầu khiến chúng ta lúng túng trước cá nhân và tập thể khiến dẫn đến tình trạng “thành công là của tôi, còn thất bại là của chúng ta”- ông Tường nêu rõ.

Làm rõ trách nhiệm những dự án gây lãng phí

Theo ông Vũ Hồng Thanh- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một vấn đề dư luận hết sức quan tâm về một số dự án, công trình quy mô lớn không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, không tạo thêm việc làm, nộp ngân sách nhà nước, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản Nhà nước.

Ví dụ như Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất) đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động.

Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất là một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động. Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai.

Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6) đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.

Nhắc lại câu nói của Thủ tướng khi nhậm chức “Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội”- ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nói: “Đầu tư không hiệu quả từng đồng tiền đóng thuế là có lỗi với dân, 5 dự án trên đang thua lỗ, gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng. Hàng nghìn tỷ đồng đang lãng phí trong khi hàng triệu người dân đang mưu sinh hàng ngày. Chỉ cần hỗ trợ mỗi hộ vài trăm nghìn đồng/ 1ngày thì đời sống người dân đã khác. Cho nên cần xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể để xử lý cho thỏa đáng”.

Hoàn thành tốt công tác nhân sự

Đó là chia sẻ của nhiều ĐB khi nhận định về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Theo ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam), kỳ họp đã lựa chọn bầu ra bộ máy Nhà nước từ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các thành viên Chính phủ với tỷ lệ phiếu bầu cao. Ông Bình cho rằng, trong hoạt động Quốc hội có nhiều đổi mới, thể hiện vai trò vị trí của Quốc hội.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, Chính phủ, MTTQ Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã chuẩn bị các báo cáo khá toàn diện, đánh giá sâu sắc nhiều vấn đề quan trọng, nổi bật và nhất là các vấn đề bức xúc mà cử tri và nhân dân đang quan tâm theo dõi, kỳ vọng. Các báo cáo kiểm toán, báo cáo thẩm định đã đi thẳng vào vấn đề giúp ĐBQH có cái nhìn xuyên thấu và toàn diện các lĩnh vực quan trọng nhất của đất nước để đại biểu tham gia góp ý kiến, hiến kế nhằm thúc đẩy sự phát triển đất nước trong nhiệm kỳ này.

Còn, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) thì nói: “Mong rằng các vị được bầu, phê chuẩn đảm nhận chức vụ và tin tưởng các vị này sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình theo những lời các vị khẳng định và phát biểu tuyên thệ. Thực hiện chỉ riêng các vị lãnh đạo hành động không mà cán bộ công chức, đại biểu dân cử không đồng lòng, không góp sức thì cũng cực kỳ khó. Mong rằng, từng đại biểu dân cử từ cấp xã tới Quốc hội cố gắng cam kết thực hiện được lời hứa của mình khi ra ứng cử. Có như vậy mới góp phần vào thành công chung của đất nước”.

V.Thắng (ghi)

V.Thắng