Bất an bài thi trắc nghiệm
Bên cạnh hồ sơ xét tuyển điểm thi, học bạ thì nhiều trường hiện nay còn xét tuyển theo phương thức thi làm thêm một bài trắc nghiệm, bài tự luận hay bài thi năng lực. Nói nôm na là phải thi thêm một lần nữa bên cạnh kỳ thi THPT quốc gia.
Điều này có nghĩa là, nhiều thí sinh có điểm thi THPT hoặc điểm học bạ cao hơn nhưng có thể vẫn phải ngậm ngùi bỏ lỡ với cánh cổng trường đại học vì điểm trắc nghiệm khá… bất trắc. Vì vậy, các thí sinh khi nộp hồ sơ xét tuyển vào những trường có thi thêm này phải hết sức thận trọng.
Có một thực tế là, việc làm thêm một bài thi trắc nghiệm, tiểu luận… bên cạnh điểm thi THPT quốc gia khiến cho việc xét tuyển thêm phần rắc rối và các thí sinh luôn nắm phần bị động.
Một chuyên gia giáo dục cho biết, nhiều thí sinh hiện nay thường chọn ngành, chọn trường mà mình yêu thích rồi căn cứ vào điểm chuẩn hàng năm, so sánh với điểm thi của mình để nộp hồ sơ. Nhờ biết trước những mức điểm này, việc đậu hay rớt các nguyện vọng có tỷ lệ xác suất là cố định.
Nghĩa là điểm cao hơn thì trúng tuyển và ngược lại. Tuy nhiên, với các trường có tổ chức thi thêm một bài thi nữa, những tính toán trên hầu như vô nghĩa. Hơn nữa, bản thân các bài thi thêm này cũng hoàn toàn không có bất cứ quy chuẩn nào. Từ cách thức thi, cho tới đề thì, kiến thức thi và cả công tác tổ chức thi hay chấm.
Tất cả đều do trường chủ quản tự đứng ra tổ chức. Chính vì thế, việc thi này làm tăng thêm tính rủi ro cho các thí sinh. Hay nói nôm na, một thí sinh có thể điểm cao những vẫn bị trượt so với thí sinh điểm thấp, sau kỳ thi thêm này.
Ngoài ra, một chuyên gia giáo dục còn cho rằng, do có quá nhiều trường tổ chức các kỳ thi thêm như hiện này cũng đồng nghĩa với việc làm giảm đi những hiệu ứng của kỳ thi THPT quốc gia.
Nghĩa là, kỳ thi THPT quốc gia không đủ năng lực để tuyển sinh, hay các trường tổ chức bài thi thêm này “không tin” vào điểm thi của kỳ thi THPT. Đặc biệt, nếu đối với các trường năng khiếu nghệ thuật, các trường khối chuyên ngành cần sự sáng tạo cao thì việc thi thêm một bài trắc nghiệm là hoàn toàn dễ hiểu.
Ngược lại, những khối trường hành chính, luật hay kinh tế tài chính… việc tổ chức thêm một kỳ nữa chỉ khiến việc xét tuyển thêm rườm rà. Đồng thời nó cũng mang đến nhiều nỗi lo cho thí sinh vì những bất ngờ của đợt thi “không biết học gì, ôn gì, kiến thức gì” này.
Với hàng chục trường sử dụng phương pháp xét tuyển là thi thêm một lần nữa như vậy, nhưng thật kỳ lạ, phía cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT gần như không có bất cứ quy định hay kiểm soát nào đối với hoạt động này.
Tất cả đều phó mặc cho các trường tự tổ chức khiến hàng ngàn thí sinh nộp hồ sơ vào những trường đó thêm phần bất an, vì những bài trắc nghiệm tự luận này. Nếu tổ chức tốt, công bằng thì không sao nhưng phát sinh tiêu cực thì người lãnh hậu quả vẫn lại là các thí sinh.