Lại chuyện học phí

Nhị Hà 31/07/2016 10:10

Báo chí những ngày gần đây bàn luận xôn xao xung quanh việc nhiều sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân lo phải bỏ học vì tăng học phí 30% từ năm học 2016-2017.

Trên diễn đàn của sinh viên trường này, một đại diện sinh viên K57 (chuẩn bị lên năm thứ 2) chia sẻ nỗi niềm của em và các bạn sau khi nghe tin học phí của các em năm học 2016 - 2017 sẽ tăng thêm khoảng 3 triệu đồng/ năm học so với năm ngoái. Theo đó, học phí nhóm ngành thấp nhất sẽ ở mức 12 triệu đồng/ năm học (năm ngoái 9,5 triệu đồng), nhóm ngành cao nhất là 17 triệu đồng (năm ngoái là 13,5 triệu đồng). Vì thế, một số sinh viên cho biết các em nung nấu ý nghĩ thôi học do đối mặt với nguy cơ không có khả năng chi trả học phí. Nhiều sinh viên lâu nay đã vật vã làm thêm kiếm sống, đóng tiền học nay càng phải gồng mình cày cuốc để lo trang trải thêm khoản tăng học phí.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, PGS - TS Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân xác nhận thông tin tăng học phí với các mức học phí như trên dành cho học sinh K57 là có thật, tuy nhiên động thái tăng học phí nằm trong một lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ông cũng giải thích rất tường tận và đầy lý lẽ cùng những căn cứ thuyết phục.

Học phí tăng được những người có trách nhiệm của trường lý giải là đúng lộ trình, nhưng họ có hiểu rằng thu nhập của người dân – cha mẹ của những sinh viên đang theo học trong ngôi trường này lại thường không theo đúng lộ trình. Họ - phần đông là những người lao động nghèo, nông dân một nắng hai sương lặn lội nơi đồng áng, thu nhập chủ yếu trông vào hạt lúa củ khoai, nay hạn hán mai lụt lội, mưa bão… lo ăn cũng chưa chắc đủ thì tăng tiền học phí quả là tin giật mình. Muốn con hay chữ để thoát kiếp quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời xem ra cũng là ước mơ gập ghềnh.

Theo nhiều chuyên gia về quản lý giáo dục đại học, tự chủ đại học là một xu hướng tất yếu, việc Chính phủ cho phép một số trường thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động là động thái đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu nói như một giảng viên của nhà trường “đại học là một dịch vụ và việc trả học phí là một khoản đầu tư tương xứng. Sẽ không thể có chuyện học phí thấp lại đòi hỏi chất lượng cao”, thì thưa thầy dư luận có quyền đặt câu hỏi: Tăng học phí liệu có tăng chất lượng? Trong khi như người ta vẫn thấy, hầu hết sinh viên Việt Nam khi ra trường thường thiếu kỹ năng và khó bắt nhịp với công việc.

Còn về nguyên tắc thông tin thì nói như ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) thì “Quy chế về công khai do Bộ ban hành năm 2009 đã yêu cầu các trường đại học phải công khai mức thu học phí và các khoản thu khác cho từng năm học và dự kiến cả khóa học không chỉ trên trang điện tử của mình mà còn thể hiện đầy đủ trên các tài liệu in sẵn để sẵn sàng phục vụ những người quan tâm. Các tài liệu này phải được phổ biến tới người học, trước thời điểm tuyển sinh, trước thời điểm sinh viên nhập học. Không để xảy ra trường hợp “bắt bí” nhau, sinh viên vào trường rồi mới biết”. Và khi biết, bí quá không lẽ lại thôi học?

Nhị Hà