Thế vận hội 2016: Nỗ lực để có huy chương
Thế vận hội 2016 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 5-8 tới. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã hoàn tất. Để có cái nhìn rõ hơn về khó khăn, thuận lợi cũng như cơ hội và thách thức của đoàn TTVN ở kỳ Olympic lần này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Phấn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao VN dự Olympic 2016.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về quá trình chuẩn bị của đoàn TTVN tham dự Olympic lần này?
Ông Trần Đức Phấn: Trong suốt quá trình chuẩn bị những năm vừa qua và đặc biệt là năm nay, theo đánh giá chuyên môn của chúng tôi, đây là kỳ chuẩn bị tốt nhất. Ngoài việc ngành đã cố gắng báo cáo với lãnh đạo Bộ để ban hành quyết định cho các VĐV trọng điểm, xuất sắc thì chúng ta chuẩn bị cho các VĐV tương đối đúng kế hoạch. Danh sách 23 VĐV tham dự Olympic chiếm tỷ lệ 96% thành phần ngay từ ban đầu chúng ta dự kiến, đầu tư và chuẩn bị. Chúng ta chỉ còn sót 2 VĐV của Taekwoondo không thể vượt qua. Còn những môn xe đạp, bóng bàn... là những môn chúng tôi xếp phía sau, gần như không có hy vọng qua vòng loại.
Vậy các VĐV sau khi giành được vé tham dự Olympic đã được ngành thể thao đầu tư chuyên biệt như thế nào, thưa ông?
- Không phải bây giờ chúng tôi mới có sự đầu tư với các VĐV này, mà ngay khi bắt đầu chiến dịch vòng loại các bộ môn thể thao như bơi lội, bắn súng, đấu kiếm… đã xây dựng kế hoạch cũng như tham gia các chuyến tập huấn ở một số giải lớn trên thế giới. Qua đó, các VĐV của chúng ta có thể tích lũy thêm kinh nghiệm, rèn luyện tâm lý bên cạnh việc trau dồi chuyên môn. Chúng tôi đã có quan điểm là phải tập trung tối đa trong điều kiện có thể để phục vụ cho các VĐV, với chỉ tiêu cố gắng phấn đấu để có huy chương. Tất nhiên để giành được huy chương ở Olympic là điều không dễ dàng nhưng chúng tôi sẽ có sự chuẩn bị tích cực cho các VĐV, đặc biệt là những VĐV ở môn thể thao trọng điểm.
Một số VĐV được kỳ vọng nhưng rốt cuộc lại thất bại trong khi có những VĐV không được đầu tư trọng điểm lại đoạt vé như trường hợp của Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ) hay một số VĐV đua thuyền, đấu kiếm?
- Đúng là có những VĐV không được đầu tư trọng điểm đã xuất sắc có vé tới Brazil như Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh), hay Nguyễn Thị Như Hoa (đấu kiếm). Việc taekwondo lần đầu sau 16 năm vắng mặt tại Olympic cũng không phải quá bất ngờ. Trong thể thao, mọi tính toán chỉ là tương đối, không ai dám chắc 100% VĐV này sẽ có vé, VĐV kia thì không. Song tới thời điểm này, tôi có thể nói dự báo của ngành thể thao về số lượng VĐV dự Olympic là tương đối chính xác, không có nhiều sai số.
VĐV tranh huy chương chỉ đếm trên đầu ngón tay
Chúng ta đã dự tính gần như đúng 100% số VĐV giành suất dự Olympic, vậy đoàn xác định như thế nào về những gương mặt có khả năng cạnh tranh huy chương, thưa ông?
- Thực ra trong 23 gương mặt tham dự Olympic lần này thì không phải VĐV nào cũng như nội dung nào cũng đều có thể cạnh tranh huy chương được mà chúng ta chỉ tập trung vào một đến hai môn thể thao có khả năng, có đột phá để có thể giành thành tích. Tuy nhiên, thi đấu thể thao còn có yếu tố may mắn, vì vậy chúng tôi cũng hy vọng ngoài những VĐV trọng điểm của môn cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ thì những VĐV của môn đấu kiếm có thể làm nên bất ngờ. Tất nhiên, những điều đó rất khó khăn do vậy chúng tôi cũng không có nhiều hy vọng đối với những môn mà chúng ta có VĐV tham dự ở đấu trường này mà trình độ vẫn chưa vượt qua trình độ của châu lục.
Theo đánh giá của cá nhân ông, môn nào sẽ có khả năng giành huy chương cao nhất tại Thế vận hội? Liệu chúng ta có thể gây bất ngờ với 1 tấm HCV?
- Ngành thể thao chỉ đặt mục tiêu phấn đấu có huy chương Olympic 2016 chứ không đặt cụ thể là HCV vì thực lực hiện tại của chúng ta có hạn, cần phải nhìn nhận rất thực tế. Cử tạ và bắn súng vẫn là 2 bộ môn gánh trọng trách mang huy chương về cho đoàn. Tất nhiên, chúng ta không bi quan nhưng cũng không quá ảo tưởng thành tích ở Olympic. Để gặt hái thành công ở sân chơi này cần thời gian, sự đầu tư dài hơi, nỗ lực của VĐV và cả sự chung tay của nhiều cấp, ngành, địa phương.
Lễ xuất quân của đoàn TTVN tham dự Olympic 2016.
Tập trung toàn lực
Olympic chỉ còn vài ngày nữa sẽ khởi tranh, trong giai đoạn này ngành thể thao chuẩn bị cho các VĐV như thế nào về điều kiện di chuyển, ăn nghỉ, tập luyện?
- Toàn bộ VĐV dự giải được BTC bố trí ở trong làng VĐV Olympic. Ngày 24/7 BTC mở cổng làng và trước đó 1 ngày, cán bộ đoàn đã sang Brazil tiền trạm, kiểm tra mọi vấn đề liên quan đến ăn, ở, đi lại cho VĐV Việt Nam. Căn cứ lịch thi đấu cụ thể, các đội tuyển của chúng ta sẽ lần lượt sang Brazil, đoàn sớm nhất sang trước 2 tuần để để còn làm quen điều kiện thời tiết, đặc biệt là múi giờ. Chúng tôi sẽ quyết tâm phấn đấu, giành mọi nguồn lực để giúp vận động viên có điều kiện tốt nhất thi đấu. Điển hình như Thạch Kim Tuấn sẽ được di chuyển tới Rio bằng vé máy bay hạng cao nhất.
Có một thực tế là nhiều gương mặt được coi là hy vọng lớn của TTVN trong chiến dịch chuẩn bị giành vé, cũng như thi đấu ở Olympic 2016 như Phan Thị Hà Thanh (thể dục), Thạch Kim Tuấn (cử tạ) đều đang đối diện với chấn thương hoặc chấn thương chưa hoàn toàn bình phục. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
- Chấn thương luôn là nỗi ám ảnh rất lớn cho bất kỳ VĐV nào nên tôi đã căn dặn rất cẩn thận với ban huấn luyện các đội tuyển là phải tuyệt đối giữ gìn cho các nhân tài Việt Nam. Không ai muốn VĐV của mình dính chấn thương nhưng trong một năm, số VĐV này thường phải thi đấu rất nhiều các cuộc thi đấu và không thể dừng việc thi đấu hoặc tập luyện trong một khoảng thời gian quá dài để chữa trị dứt điểm. Thạch Kim Tuấn bị một chấn thương ở đầu gối và hiện tại vẫn đang được điều trị kết hợp trong quá trình tập luyện. Hà Thanh cũng như vậy, vừa phải tập luyện song song cùng quá trình điều trị chấn thương. Với việc chúng ta giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị để các tuyển thủ nâng cao, cải thiện được thành tích, bên cạnh đó là tránh được các chấn thương đáng tiếc, thì hy vọng đoàn TTVN có được thành tích tốt tại Olympic 2016 là có.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
“Hot boy đấu kiếm” cầm cờ đoàn TTVN tại lễ khai mạc Khuôn mặt điển trai, chiều cao lí tưởng, ở tuổi 24, nhà vô địch SEA Games Vũ Thành An là VĐV sáng giá của môn đấu kiếm và của Thể thao Việt Nam hiện nay. Thành An đã lọt vào tầm ngắm của lãnh đạo ngành cho vai trò là người cầm cờ của TTVN trong lễ diễu hành khai mạc Thế vận hội mùa hè lần thứ 31. Thành An ghi tên mình khi trở thành VĐV Đấu kiếm thứ 2 liên tiếp có được vinh dự sau VĐV Nguyễn Tiến Nhật cầm cờ ở Olympic London 2012. |