Hướng tới một thị trường mỹ thuật minh bạch
Câu chuyện tranh thật, tranh giả suốt thời gian qua đang cho thấy rõ hơn sự ngổn ngang thị trường mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm “Chân dung cô Kim Anh” của họa sĩ Thành Chương bị đổi tên thành “Trừu tượng” và ký mạo danh họa sĩ Tạ Tỵ.
Nhập nhằng tranh thật, tranh sao
Ngay từ trước ngày khai mạc triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, qua những bức ảnh hé lộ về triển lãm, công chúng xem nghệ thuật đã đặt nhiều nghi vấn lên những tác phẩm mà ông Vũ Xuân Chung sưu tập được. Khi triển lãm chính thức ra mắt, những tranh cãi nổi lên bởi chất lượng thể hiện của những “kiệt tác” này quá tệ, không thể xứng với tên tuổi những danh họa được cho là sáng tác ra chúng.
Sự kiện tranh giả trong triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu trở về” hiện đã được rất nhiều báo chí quốc tế đưa tin tường thuật. Con số 17/17 bức tranh bị làm giả, mạo danh trong một triển lãm khiến người ta giật mình. Về mặt ngắn hạn, đây sẽ là một tin xấu đẩy giới sưu tập quốc tế tránh xa hơn. Các nhà đấu giá danh tiếng như Christie’s hay Sotheby cũng sẽ e ngại khi nhận làm trung gian đấu giá các tác phẩm Việt bởi lợi nhuận đem lại cho họ không nhiều (so với các tác phẩm từ nước khác) mà nguy cơ thêm một lần nữa mất uy tín.
Sự dính líu của Jean Francois Hurbert tới triển lãm toàn tranh giả này đã đủ là một đòn đau tới uy tín của Christie’s dù vị chuyên gia này không phải là nhân viên chính thức của nhà đấu giá.
Như một nhà chuyên môn nhận định, sự việc lần này chỉ là phần nổi của một tảng băng. Dù vậy, theo chúng tôi, chí ít nó cũng đem lại cho công chúng sự hình dung về phần chìm còn lại.
Thực trạng tranh giả, tranh thật ở VN một phần đươc xuất phát từ nơi được tin tưởng là ít tranh giả nhất - Bảo tàng Mỹ thuật VN. Trong thời chiến, để tránh những tác phẩm bị bom đạn tàn phá, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức sao chép lại các tác phẩm nghệ thuật.
Việc làm “tiêu bản” trưng bày này là chuyện hết sức bình thường với những bảo tàng của những ngành khác chẳng hạn như những tiêu bản thạch cao của tượng đá bày trong Bảo tàng Lịch sử. Tuy nhiên, những tiêu bản mà Bảo tàng Mỹ thuật VN cho tổ chức sao chép lại có cùng chất liệu, kích thước, không ghi rõ là bản sao, thậm chí được chính họa sĩ sáng tác ra nó chép lại và ký tên. Điều này tạo ra những rối ren sau này trong việc quản lý và thống kê những “bản sao”.
Có lẽ vì nguyên nhân đó mà chúng ta có câu chuyện một bức tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh cùng xuất hiện trong cả Bảo tàng Mỹ thuật VN và Bảo tàng Fukuoka, Nhật Bản. Theo lời chứng thực của Nguyễn Phan Chánh, thì bản vẽ có vết rách từ trên xuống trong bộ sưu tập… Đức Minh mới đích thị là bản vẽ đầu tiên (!?!).
Điều đáng trách là sau bao nhiêu năm hòa bình, Bảo tàng Mỹ thuật VN vẫn chưa thể đưa ra thống kê công khai về số lượng và tình trạng những tác phẩm hội họa nguyên gốc và bản sao mà họ đang giữ. Vẫn chưa thể có “lời này xin nói một lần cho xong”.
Không thể phản ứng nửa vời
Hai câu chuyện vừa nêu đưa ra chỉ dấu về sự mất năng lực ngay từ trung tâm của phòng tuyến chống tranh giả là nghệ sĩ và bảo tàng. Không phải ai cũng may mắn có đủ trí nhớ, tư liệu và nhân chứng như họa sĩ Thành Chương để mà dõng dạc đứng lên tuyên bố bức “Trừu tượng” Tạ Tỵ trong bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung là do mình sáng tác.
Vậy nên những người làm tranh giả lợi dụng được sự nhập nhằng, thiếu thống kê, thiếu tư liệu trong quản lý tác phẩm để chuộc lợi. Công thức đơn giản nhất của một phi vụ biến tranh giả thành tranh thật là tạo một triển lãm, tốt nhất nên có 2 phần là tranh thật, chèn vào đó một phần tranh giả, thuê người có tiếng viết sách, in lẫn cả giả và thật vào trong một quyển, rồi thuê một phòng triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội hoặc TP HCM, hoặc có thể chui vào một không gian nghệ thuật có sự bảo trợ của một đại sứ quán nước ngoài nào đó cho hồ sơ thêm “sang chảnh”.
Thế là sau một đêm, mọi tác phẩm thật giả - giả thật trong triển lãm đó đều có hy vọng trở thành kiệt tác vô giá hoặc chí ít thì giá cũng rất cao so với số vốn đầu tư.
Nếu căn cứ theo kết luận của Hội đồng thẩm định, thì trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, ông Vũ Xuân Chung chỉ có thể đóng một trong hai vai trò: hoặc là chủ mưu, hoặc là nạn nhân của một đường dây làm tranh giả có hệ thống. Sự đổ bể ở giai đoạn cuối cùng (triển lãm) trong phi vụ giả tranh này sẽ đem lại bài học kinh nghiệm cho cả công chúng yêu nghệ thuật, người làm sáng tác lẫn những kẻ làm tranh giả.
Những kẻ làm giả tranh thấy được rằng chúng đang đối mặt với một đám đông cảnh giác hơn, có liên kết chặt chẽ hơn. Những tư liệu, chứng cứ được người xem trao đổi trực tiếp qua các diễn đàn và mạng xã hội. Các họa sĩ có lẽ cũng thấy được rõ hơn tầm quan trọng của việc lưu giữ những tư liệu xung quanh việc sáng tác cũng như tầm nhìn xa giữ giá tranh cho con cháu thừa kế…
Điều làm công chúng thất vọng nhất trong “sự kiện” tranh giả lần này là phản ứng nửa vời, lúng túng của các cơ quan quản lý văn hóa và hành pháp. Với những mặt hàng thực phẩm giả mạo, cơ quan quản lý thị trường sẽ đến thu và tiêu hủy để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng. Nhưng những món ăn tinh thần trị giá hàng triệu USD, phục vụ cho hàng ngàn người bị làm giả lại chưa có một hành lang pháp lý cụ thể cũng như tiền lệ đáng nói nào để cơ quan quản lý xử lý thấu đáo.
Ngẫm những điều được và mất sau triển lãm bộ sưu tập tranh của ông Vũ Xuân Chung, chúng tôi thấy trước mắt có rất nhiều những cay đắng, bất lợi cho nghệ thuật VN. Nhưng nếu những bất cập được nhìn nhận và xử lý rốt ráo, lòng tin của công chúng yêu nghệ thuật và của chính những người làm sáng tác sẽ được gây dựng lại. Đó chính là cái được của tương lai.