Ngưỡng điểm sàn: Tìm thí sinh phù hợp
Bộ GD&ĐT đã đưa ra ngưỡng xét tuyển đầu vào ĐH là 15 điểm. Mức sàn chung này, với đại đa số các trường ĐH thì đây là ngưỡng phù hợp để tuyển lựa được sinh viên đủ điều kiện để vào trường. Chỉ có một số trường tốp trên, mức điểm chuẩn vào trường luôn ở ngưỡng cao nên cần đưa ra thêm điểm sàn riêng.
Thí sinh nộp hồ sơ ở trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP HCM hôm 1/8.
Mức sàn riêng là cách để các trường thường nhận được lượng hồ sơ nộp vào lớn, lọc được thí sinh phù hợp với tiêu chuẩn của nhà trường. Nếu để bằng điểm sàn, các em sẽ nuôi hi vọng và nộp hồ sơ, trong khi không được rút hồ sơ. Như vậy các em sẽ mất đi cơ hội nộp vào những trường phù hợp.
Nhiều trường đưa ra ngưỡng nhận hồ sơ
Năm nay, thí sinh muốn vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thí sinh phải có tổng điểm 3 môn theo tổ hợp đăng ký xét tuyển (không nhân hệ số) và điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 16,0 điểm trở lên, kèm theo đó là hạnh kiểm khá và một số tiêu chí phụ (tùy vào từng ngành).
Vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thí sinh cũng phải có kết quả xếp loại học lực từng năm học trong 3 năm THPT từ 6,0 trở lên và có hạnh kiểm khá trở lên. Riêng ngành Báo chí sẽ tổ chức thi môn năng khiếu báo chí.
Trường ĐH Ngoại thương yêu cầu thí sinh có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên, hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ khá trở lên, điểm ba môn thi (theo tổ hợp môn xét tuyển) đạt mức điểm thông báo nhận hồ sơ xét tuyển của nhà trường.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết điều kiện nhận hồ sơ là điểm 3 môn thi của tổ hợp môn xét tuyển phải cao hơn ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD&ĐT ít nhất 2 điểm.
Một số trường cũng luôn có mức điểm nhận hồ sơ cao khác như: Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ 17 đến 21 điểm tùy theo ngành; ĐH Y Dược TP HCM nhận hồ sơ từ 18 đến 22 điểm; ĐH Ngoại thương là 22 điểm (đã bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đối với các ngành khối A và 20,5 điểm đối với các ngành khối D; Các trường top giữa, top dưới và trường ngoài công lập, mức điểm sàn nhận hồ sơ chỉ từ 15 đến 16 điểm.
Không để lỡ cơ hội của thí sinh
Ông Đỗ Văn Dũng- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, trường có 3 mức điểm sàn cho 3 nhóm ngành khác nhau, trong đó nhóm ngành hệ đại trà, mức điểm nhận hồ sơ là 18 và 19 điểm; các ngành đào tạo chất lượng cao bằng tiếng Việt và tiếng Anh thì mức điểm sàn là 17 điểm. Việc đưa ra mức điểm nhận hồ sơ nhằm cung cấp thêm thông tin để thí sinh lựa chọn.
Lí giải về cách đưa ra điểm sàn, lãnh đạo nhà trường chia sẻ: Năm nay các thí sinh không được rút hồ sơ ra và nộp vào các trường khác khi thấy thứ hạng mình quá thấp. Chính vì vậy nên trường đưa ra mức điểm sàn dựa trên thống kê điểm thi của các tỉnh phía Nam, cũng như điểm chuẩn của trường qua các năm… cân đối với mức điểm đó sẽ tuyển đủ được thí sinh. Không để cho các điểm quá thấp mà nộp hồ sơ vào trường, như vậy sẽ lỡ cơ hội cho các em.
Tuy nhiên, lãnh đạo các trường cũng khẳng định, mức điểm đưa ra chỉ là điểm nhận hồ sơ, còn điểm trúng tuyển chắc chắn sẽ cao hơn. Với phổ điểm thi của năm nay, điểm chuẩn của các trường được dự báo có thể giảm từ 0,5 đến 1,5 điểm tùy ngành.
TS Nguyễn Việt Thủy- Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo (ĐH Kinh tế quốc dân) khuyến cáo: “Khi chuẩn bị hồ sơ thì thí sinh phải căn cứ một số yếu tố, thứ nhất là phải chọn đúng ngành yêu thích, vì có yêu thích thì vào học mới tốt được. Thứ 2 là xem xét kỹ điểm chuẩn của trường những năm về trước để cân nhắc nộp hồ sơ. Với phổ điểm như Bộ GD&ĐT công bố, thì điểm năm ngoái là một trong những điểm tham khảo mà thí sinh có thể dựa vào, đểi chọn ngành phù hợp với năng lực, phù hợp với điểm mình đạt được”.
Bên cạnh đó, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) đưa ra lời khuyên: Thí sinh cần tìm hiểu rõ các điều kiện nộp hồ sơ của từng trường, tham khảo điểm trúng tuyển các năm và so sánh với mức điểm của mình để có lựa chọn phù hợp.
Trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh nên tận dụng hết quyền lợi nộp hồ sơ, là được nộp vào 2 trường và mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển. Thí sinh cũng cần lưu ý đến thời gian quy định của mỗi hình thức nộp hồ sơ trong các đợt xét tuyển.
Với phương thức ĐKXT trực tuyến sẽ kết thúc sớm hơn 1 ngày, để nếu có thí sinh nào gặp trục trặc, không ĐKXT trực tuyến được thì vẫn còn một ngày để đăng ký bằng hình thức khác. Ví dụ như gửi bưu điện thì các trường sẽ xác nhận thời điểm các em có đóng dấu ở trên đó vẫn còn hợp lệ, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, với mục tiêu là không để học sinh nào không đăng ký được bằng các hình thức khác nhau.
Năm nay, vì lý do bảo mật thông tin, các trường ĐH sẽ không công khai tình hình xét tuyển như năm 2015.