Phạm luật như chơi
Ngày 1/12 tới, Thông tư số 24/2016/TT-BYT, quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn - mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc sẽ có hiệu lực thi hành.
Theo quy định của Thông tư này về tiêu chuẩn tiếng ồn cho phép tại nơi làm việc, sẽ có nhiều cơ quan không đáp ứng được điều kiện chuẩn. Dư luận đánh giá cao quy định mới do Bộ Y tế ban hành để bảo vệ người lao động, song lo ngại việc không có chế tài sẽ không thể “bắt” các cơ quan, đơn vị nghiêm chỉnh thực hiện theo đúng quy định về tiêu chuẩn tiếng ồn, đảm bảo sức khỏe, hiệu suất lao động của người lao động.
Ban hành kèm theo Thông tư 24 của Bộ Y tế là bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn - mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc (QCVN 24/2016/BYT). Theo đó, mức tiếp xúc cho phép với tiếng ồn của người lao động tại nơi làm việc không vượt quá các giá trị quy định như sau: Không được vượt quá 112 dBA trong 1 phút, trong 15 phút không được vượt quá 100 dBA, trong 30 phút không được vượt quá giới hạn 97dBA, trong 1 giờ không được vượt quá 94 dBA, trong 2 giờ không được vượt quá 91dBA, trong 4 giờ không được vượt quá 88 dBA, trong 8 giờ không được vượt quá 85 dBA... Đồng thời, trong mọi thời điểm khi làm việc, mức áp âm cực đại (Max) không được vượt quá 115 dBA.
Giới hạn cho phép mức áp suất âm tại các vị trí lao động quy định cụ thể như sau: Tại vị trí làm việc, lao động, sản xuất trực tiếp không được vượt quá 85 dBA; buồng theo dõi và điều khiển từ xa không có thông tin bằng điện thoại, các phòng thí nghiệm, thực nghiệm, các phòng thiết bị máy có nguồn ồn thì không được vượt quá 80 dBA; buồng theo dõi và điều khiển từ xa có thông tin bằng điện thoại, phòng điều phối, phòng lắp máy chính xác, đánh máy chữ không được vượt quá 70 dBA; với các phòng chức năng, hành chính, kế toán, kế hoạch không được vượt quá 65 dBA; đặc biệt với các phòng lao động trí óc, nghiên cứu thiết kế, thống kê, lập chương trình máy tính, phòng thí nghiệm lý thuyết không được vượt quá 55 dBA. Trong mọi thời điểm khi làm việc, mức áp âm cực đại (Max) không vượt quá 115 dBA.
Để đảm bảo mức tiếng ồn trong môi trường làm việc của người lao động đúng tiêu chuẩn, Thông tư 24 của Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải trang bị bảo hộ cá nhân cho người lao động tại nơi làm việc, nếu chưa thực hiện được các giải pháp giảm mức áp suất âm xuống dưới 85 dBA, để bảo vệ thính lực cho người lao động. Cụ thể, với Mức áp âm <90 dBA thì phải trang bị cho người lao động thiết bị bảo hộ có hiệu suất giảm ồn để bảo vệ thính lực 10-13 dBA; mức áp âm từ 90 đến <95 dBA thì thiết bị bảo hộ phải đạt mức giảm 14-17 dBA; từ 95 đến <100 thì bảo hộ phải đạt mức giảm 18-21 dBA; từ 100 đến <105 dBA thì thiết bị bảo hộ phải đạt mức giảm 22-25 dBA; từ 105 đến <110 dBA thì thiết bị giảm ồn phải đạt hiệu suất ≥ 26 dBA.