Nói và làm

Hoàng Mai 03/08/2016 09:05

Hôm đầu tuần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau khi được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ nhất bầu và phê chuẩn danh sách các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại phiên họp là nhất quán và làm rõ hơn quyết tâm của Chính phủ trong tiến trình xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.

Nói và làm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đầu tiên
của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. (Ảnh: VOV).

Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, một Chính phủ không hướng về nhân dân thì người dân không ủng hộ. Đó là thống điệp xây dựng đội ngũ cán bộ công tâm, liêm chính. Theo ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum), để có một Chính phủ kiến tạo, hành động, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất thì cử tri mong muốn Chính phủ tiếp tục nhanh chóng mà mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện việc kiểm tra, rà soát các chương trình đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, những hoạt động kém hiệu quả mà lâu nay dư luận hết sức quan tâm. Bởi, theo ông Tám thì đầu tư không hiệu quả từ tiền của người dân đóng thuế là có lỗi lớn với dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân. Thử so sánh hàng ngàn tỷ đồng đầu tư lãng phí không hiệu quả trong khi hàng triệu người dân đang nhọc nhằn lao động mưu sinh hàng ngày, chỉ cần có thêm vài ba trăm ngàn đồng/tháng là có cơ hội cải thiện cuộc sống sẽ thấy nó quá lớn và quá khổng lồ như thế nào!

Nói thế để thấy, ĐBQH và cử tri đồng tình với thông điệp của Thủ tướng và phương châm hoạt động của Chính phủ khóa mới. Nhưng đồng tình bao nhiêu thì cử tri và nhân dân lại càng mong muốn Chính phủ biến quyết tâm thành hành động càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Bản thân Thủ tướng khi đánh giá về công việc của các bộ ngành cũng cho rằng đã có những dấu ấn nhưng một số bộ, ngành còn để ngành mình có những tồn tại hạn chế, tạo uy tín không tốt. Vẫn còn nhiều bất cập mà dư luận và xã hội đòi hỏi Chính phủ và các bộ ngành phải có trách nhiệm hơn nữa, nhìn nhận và xử lý tốt hơn.

Nói về chuyện xử lý tốt hơn các bất cập đang hiện hữu trong Chính phủ lâu nay, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu dẫn chứng: Trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, mặc dù Chính phủ đưa ra thông điệp và chương trình hành động rất rõ ràng và thể hiện quyết tâm rất cao, nhưng nhiều bộ, ngành và địa phương chưa thực hiện nghiêm túc. ĐB này nói về việc thực hiện Nghị quyết 19 năm 2014-2015, một nghị quyết quan trọng có tính đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sau hơn 2 năm thực hiện chỉ có 13/63 địa phương và 4/22 bộ, ngành có gửi báo cáo kết quả thực hiện về Chính phủ. “Từ cuộc họp của Chính phủ tháng 4 năm 2016 khi Thủ tướng ra lệnh không được bàn lùi, các bộ, ngành mới bắt đầu “vắt chân lên cổ” để có được các dự thảo nghị định theo yêu cầu của luật một cách vội vã và không tránh khỏi những thiếu sót.”

Nói thế để thấy từ mong muốn đến thực hiện thật sự vẫn có một khoảng cách. Mà, khoảng cách này có khi đến từ sự nhận thức chưa tới, chưa thấu đáo của cán bộ các ngành, các cấp; cũng có khi đến từ hạn chế về trình độ cũng nên. Nhưng dù gì thì cũng là điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Có lẽ vì chính điểm nghẽn cần tháo gỡ kịp thời mà Thủ tướng thẳng thắn đề nghị: Sắp tới các Bộ trưởng phải chủ động, quán xuyến công việc, đổi mới phương pháp làm việc, đề cao trách nhiệm cá nhân, tuyệt đối không cá nhân chủ nghĩa, không nhũng nhiễu tiêu cực, vì nhiệm vụ chung và lợi ích của nhân dân. Và muốn thế, dứt khoát “lãnh đạo bộ, ngành nói phải đi đôi với làm, giải quyết các vụ việc thuộc ngành mình quản lý đúng người, đúng việc và quy rõ trách nhiệm cụ thể.”-Thủ tướng nói.

Chỉ ra, “ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc. Ngay ngày hôm nay phải thành lập tổ công tác theo dõi kết luận của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng thực hiện đến đâu. Vấn đề an toàn thực phẩm cơ chế đến đâu, thực hiện đến đâu thì phải kiểm tra. Hay việc thực hiện chỉ đạo dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên như thế nào, vụ chặt gỗ rừng Pơ mu ở Quảng Nam đã khởi tố được cá nhân, tổ chức nào chưa? Hay tòa nhà 8B Lê Trực Hà Nội xử lý đến đâu, tại sao? Không lẽ giữa Thủ đô như vậy, hai nhiệm kỳ Chính phủ xử lý không được? Ai là người theo dõi vấn đề này, không thể nói rồi cho qua. Ngay hôm nay thành lập một tổ công tác, Bộ trưởng Chủ nhiệm và trưng tập một số người có liên quan để thực hiện kết luận của Thủ tướng và Phó Thủ tướng, nâng cao tính hiệu lực chỉ của chỉ đạo”- Thủ tướng đề nghị.

Nêu một số vụ việc cụ thể để nhắc nhở việc đề cao trách nhiệm cá nhân, Thủ tướng chắc chắn mong muốn một Chính phủ hành động mà ông muốn các thành viên Nội các của mình hướng tới phải đồng thời là một Chính phủ trách nhiệm từ sự trách nhiệm của mỗi cá nhân chứ không thể chung chung, cào bằng. Và, “nói đi đôi với làm” có lẽ cũng chính là từ ý nghĩa này mà ra. Bởi, nếu chỉ nói trách nhiệm chung chung thì sẽ chả ai có trách nhiệm khi một văn bản quy phạm pháp luật chậm được ban hành, kéo theo hàng loạt hệ lụy phía sau. Rồi ra rất có thể sẽ kéo theo cả tình trạng “trên bảo dưới không nghe” vì trên mà không nghiêm minh và không tự nghiêm minh với mình thì dưới cứ thế nhìn gương trên mà làm. Kết quả, câu chuyện nói không đi đôi với làm cứ tiếp diễn trong nền công vụ. Ban đầu ít thôi sau lan rộng, trở thành căn bệnh khó chữa. Chính vì thế, mà suốt từ kỳ họp tháng 4 cho đến nay, gần như kỳ họp nào khi nói về mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, Thủ tướng cũng nhắc đến việc xây dựng một Chính phủ hành động. Phải bắt đầu từ hành động thật sự nói đi đôi với làm như thế mới đến đích là một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ liêm chính.

Hoàng Mai