Trại tập trung 'tử thần' trên hòn đảo Thái Bình Dương
Tình trạng bạo lực và các vụ tự tử diễn ra hàng ngày, trong khi trẻ em bị bỏ mặc không được chăm sóc sức khỏe hay thiếu thuốc men… là một trong những cáo buộc mà Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức theo dõi Nhân quyền đưa ra sau một chuyến viếng thăm trung tâm tập trung người di cư trên đảo Nauru, thuộc Thái Bình Dương, hồi tháng 7 vừa qua.
Người tị nạn trong trại tập trung đảo Nauru trong một cuộc biểu tình. (Nguồn: ABCnews).
Ông Michael Bochenek, Ủy ban Quyền trẻ em thuộc Tổ chức theo dõi Nhân quyền, là một trong số hai nhà nghiên cứu từng đến thăm hòn đảo này mà không thông báo trực tiếp với chính quyền về dự định làm việc của mình.
“Không có một quốc gia phát triển nào lại có kiểu đối xử với những người đang tìm kiếm tự do, chạy trốn khỏi sự ngược đãi như vậy” - ông Bochenek nói.
Tổ chức này cho hay, chính phủ Australia đã biết về thực trạng trên đảo Nauru nhưng lại không tìm cách sửa sai mà còn tận dụng điều đó để dọa dẫm những người di cư có ý định tìm đến nước họ để tị nạn. Về phần mình, giới chức Australia đương nhiên đã bác bỏ các cáo buộc nêu trên.
Trong một số bài phỏng vấn của hai tổ chức này với những người tị nạn trên đảo Nauru, được công bố hôm 3/8, nhiều chi tiết cho thấy những con người đang trú tại trung tâm này phải sống trong sợ hãi, phẫn nộ và tuyệt vọng.
“Những người ở đây không có một cuộc sống thật sự. Chúng tôi chỉ đang cố sống sót. Chúng tôi chỉ là những linh hồn đã chết trong một cơ thể sống” - Một người phụ nữ sống tại trung tâm này cho hay - “Chúng tôi như vỏ cây khô vậy, không có động lực hay hy vọng gì”.
Trong chuyến thăm tới hòn đảo này, ông Bochenek cho hay, nhiều người tị nạn nói với ông rằng họ liên tục bị người dân địa phương quấy rối, không được hưởng dịch vụ thuốc men hay điều trị và thường chỉ nghĩ đến việc tự sát.
Có trên 20 người tị nạn được các nhà nghiên cứu phỏng vấn nói rằng họ từng nhiều lần bị cướp hay tấn công bởi người dân trên đảo Nauru, trong đó có một người từng bị chém vào đầu. Một người phụ nữ khác cho hay bà đã bị cơn đau hành hạ suốt nhiều tháng và đến nay đã mọc khối u ở khắp người do không được điều trị tử tế.
“Khi tôi còn ở Australia, bác sỹ nói rằng tôi cần phải được phẫu thuật, nhưng chính quyền vẫn gửi tôi đến trại tập trung này. Kể từ đó, tình trạng của tôi càng trở nên nghiêm trọng. Họ có đưa cho tôi ít thuốc nhưng nó không có hiệu quả. Tôi phải chịu đựng cơn đau hàng ngày đến nỗi không thể ăn được gì” - Người phụ nữ trên nói.
Các nhà nghiên cứu của hai tổ chức trên cũng cho hay trẻ em tị nạn trên đảo Nauru đang phải chịu nhiều chứng bệnh tâm thần nghiêm trọng, như chứng bệnh tự kỷ, trong khi phần lớn thường xuyên bị bắt nạt tại trường học. Bởi vậy, một số người tị nạn trẻ tuổi đã ngừng việc đến trường.
Di sản tồi tệ của Australia
Kể từ năm 2012, những người di cư tìm đến Australia bằng thuyền đã bắt đầu được chính quyền nước này chuyển tới các trung tâm ngoài khơi thuộc một số quốc gia nhỏ trên biển Thái Bình Dương như Nauru hay đảo Manus của Papua New Guinea, để đưa ra thông điệp rõ ràng rằng người tị nạn sẽ không thể định cư ở Australia.
Nhiều đời lãnh đạo của Australia đều bảo vệ chính sách này của họ và cho rằng nó mang tính chất nhân đạo, nhằm tránh người di cư bị chết chìm trên biển, bất chấp nhiều báo cáo về ngược đãi và lạm dụng ở các trại tập trung này.
Trong khoảng thời gian từ 2007-2013, chính phủ Australia cho hay, có ít nhất 1.200 người đã thiệt mạng trên hành trình vượt biển đến nước họ. Hồi tháng Hai vừa qua, Tòa án Tối cao nước này đã cho phép chính phủ giam giữ người tìm kiếm diện tị nạn.
Và tới tháng Sáu vừa qua, báo cáo của chính phủ cho thấy, có 442 người tị nạn đang ở trại tập trung Nauru, trong đó gồm nhiều trẻ em, đến từ các nước như Iran, Afghanistan, Iraq, Syria và nhiều nơi khác. Kể từ đó, chính quyền Nauru điều hành trung tâm tạm giữ này với sự hỗ trợ từ chính phủ Australia và các nhà thầu tư nhân.
Năm 2014, một người tị nạn đến từ Iran tên Reza Berati đã bị đánh đập tới chết trong một cuộc biểu tình trên đảo Manus, trong khi trong năm 2016, một người phụ nữ và một người đàn ông khác cũng chết sau khi hỏa thiêu để tự sát tại trung tâm trên đảo Nauru. Hồi tháng 1/2016, một người từng ở trong trại tập trung Nauru nói với hãng CNN rằng đó là “nơi tồi tệ nhất dành cho trẻ em mà tôi từng chứng kiến”.
Trong khi đó, chính phủ Australia và Nauru cũng gây khó dễ cho những nhà báo muốn đến đây để tìm hiểu khi đặt ra mức phí 5.800 USD cho mỗi người xin thị thực tới đây.