Kỳ họp HĐND Hà Nội, TP HCM: Nóng chuyện dân sinh

T.Dương - T.Giang 03/08/2016 22:58

Ngày 3/8, HĐND Hà Nội khóa XV, kỳ họp thứ 2 tiến hành ngày làm việc cuối cùng. Cũng trong ngày này, HĐND TP Hồ Chí Minh đã khai mạc kỳ họp thứ 2, khóa IX. Nhiều vấn đề dân sinh đã được nêu ra đối với 2 thành phố lớn nhất nước.

Hà Nội có thêm nhiều tuyến đường mới được đặt tên.

Hà Nội sẽ có đường Hoàng Sa, Trường Sa

Trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp, HĐND TP Hà Nội đã đưa ra xem xét, thảo luận Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của TP Hà Nội. Đặc biệt, HĐND TP cũng đồng ý nâng chỉ tiêu sử dụng nước sạch cho toàn TP đến năm 2020 lên mức 100%. Với 92/92 đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của TP Hà Nội.

Cùng ngày, với 92/92 đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2016. Theo đó có 33 đường, phố và công trình công cộng của 15 quận, huyện được đề nghị đặt tên và điều chỉnh độ dài trong năm nay. Đáng chú ý, tại huyện Đông Anh, sẽ có hai con đường mang tên Hoàng Sa, Trường Sa.

Bãi miễn đại biểu HĐND đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Chiều ngày 3/8, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu HĐND TP đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Lý do bãi nhiệm do bà Hường không trung thực trong kê khai tài sản khi làm hồ sơ ứng cử ĐB Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND khóa XV nhiệm kỳ 2016-2021 và có quốc tịch Malta. Bà Hường đã vi phạm Hiến pháp, Luật Bầu cử ĐB Quốc hội, đại biểu HĐND, Luật Quốc tịch nên không đủ tiêu chuẩn HĐND TP.

Trước khi HĐND thông qua Nghị quyết, Trưởng Ban Pháp chế của HĐND TP, ông Nguyễn Hoài Nam đã đọc Tờ trình về việc bãi nhiệm đại biểu HĐND TP. Hà Nội khóa XV nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường sinh năm 1970, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam, là ĐBQH khóa XIII, được bầu vào ĐBQH khóa XIV nhưng không được công nhận; đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XV.

Ngày 15/7, đại diện tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia đã làm việc với bà Hường. Quá trình làm việc bà đã thừa nhận mang quốc tịch Malta và có tài khoản nước ngoài, cổ phiếu quỹ Malta. Trong hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND TP. khóa XV, phần kê khai tài sản ghi không có tiền và tài khoản nước ngoài.

Ngày 17/7, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tổ chức phiên họp thứ 8 để xem xét, quyết định không công nhận tư cách ĐBQH khóa XIV với bà Hường với lý do hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa XIV phần kê khai tài sản ghi không có tiền và tài khoản nước ngoài, không thể hiện quốc tịch Malta.

Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương Điều 102, đại biểu HĐND không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm. Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương và những lý do trên, Thường trực HĐND TP đã xem xét, thống nhất và quyết định đưa ra kỳ họp 2 HĐND TP để xem xét bãi nhiệm đại biểu HĐND TP với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Lo ngại nước thải y tế, tai nạn giao thông

Đó là 2 vấn đề được nhiều đại biểu HĐND TP HCM đặt ra trong ngày làm việc 3/8.

Tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy băn khoăn: “Theo chỉ tiêu phát triển thì đến cuối năm 2020 thành phố sẽ xử lý chất thải y tế và công nghiệp đạt 100%. Vậy không biết đo chỉ tiêu này vào những tiêu chí nào? Hơn 4 khu công nghiệp của thành phố ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Sài Gòn? Cứ tình hình như hiện nay nói đạt 100% nước thải y tế và nước thải công nghiệp được xử lý thì xem ra hơi cao so với thực tế?”.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Nhân, quận Thủ Đức nêu ý kiến: Lượng phòng mạch đang hoạt động trên địa bàn rất nhiều. Tuy các phòng mạch quy mô nhỏ nhưng nhiều phòng mạch thải nước thải y tế ra thì hoàn toàn không nhỏ chút nào.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm- Chủ tịch HĐND TP cho rằng, vấn đề xử lý nước thải y tế mà đại biểu lo lắng hoàn toàn không sai. Bởi vì, có thể doanh nghiệp và bệnh viện có gắn thiết bị xử lý môi trường nhưng vấn đề là có vận hành không, vận hành có đúng kỹ thuật không, có kiểm tra định kỳ không? Phải nhìn lại tính hiệu quả trên tinh thần đó mà cần bổ sung giải pháp kế hoạch tốt hơn.

Cùng với vấn đề xử lý nước thải y tế, nước thải công nghiệp, thì tai nạn giao thông được đại biểu đặc biệt chú ý. Theo Sở GTVT, TNGT đường bộ xảy ra 1.830 vụ, làm 393 người tử vong và 1.497 người bị thương, số người tử vong tăng 15,25% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 7 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố xảy ra 2.159 vụ TNGT, tăng 78 vụ (tăng 3,57%) so với cùng kỳ năm 2015. Theo đó, số người chết vì tai nạn giao thông lên tới 465 người, tăng tới 68 người (tăng 17,13%) so với cùng kỳ năm 2015.

Về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Ngọc Tường- Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP cho biết, 8 năm liền TPHCM luôn kéo giảm liên tục số vụ TNGT, số người chết, người bị thương. Tuy nhiên nếu lấy số liệu thống kê của các vụ tai nạn ít nghiêm trọng trở lên số vụ tai nạn sẽ cao. Đặc biệt, lấy luôn cả va chạm TNGT thì tình hình tai nạn tăng 2 mặt, chỉ giảm về số người bị thương.

Theo phân tích, 80 -90% số vụ TNGT là do ý thức của người tham gia giao thông. Cùng đó, phương tiện giao thông liên tục tăng cao. Năm 2015 trở về trước, cứ 6 tháng có khoảng 1.000 xe gắn máy đăng ký mới, 100 ôtô. Thế nhưng 6 tháng gần đầy, ôtô, ôtô tải, đầu kéo tăng rất nhanh, tăng bình quân 180 chiếc một ngày. Có ngày đột biến tăng tới 250 chiếc.

Ban ATGT TP cũng cho biết thêm, hiện thành phố có 15/24 quận, huyện có số tai nạn giao thông tăng cao. Đơn cử, 8 quận, huyện cửa ngõ như: Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, quận Thủ Đức, 12, 9, 2 có số vụ tai nạn giao thông chiếm 60-70% toàn thành phố, trong đó có 60% là tai nạn do người dân các tỉnh tới TP HCM...

Cũng tại ngày làm việc 3/8, UBND TP cho biết, 6 tháng đầu năm 2016 kinh tế thành phố tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội địa đạt 477.000 tỷ đồng, tăng 7,47 so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ tăng 7,7%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,5%, nông nghiệp tăng 5,6%. TP HCM đang phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa giai đoạn 2016-2020 bình quân hàng năm là 8-8,5%, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp và thủy sản…

T.Dương - T.Giang