Cấu kết làm liều
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định khởi tố vụ án chôn chất thải độc hại của Formosa trong trang trại gia đình ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty môi trường đô thị TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Vụ việc đã dấy lên những lo ngại, không chỉ về hậu quả của chất thải độc hại của Công ty này gây ra như việc làm cá chết ven biển miền Trung thời gian qua, mà còn là sự xuống cấp, tiếp tay gây tội ác của một bộ phận cán bộ chính quyền, cơ quan chuyên môn chỉ vì động cơ cá nhân, vì tiền mà cấu kết,
Các cơ quan chức năng xác định được chất thải chôn lấp trong trang trại của gia đình ông Hòa là chất thải nguy hại.
Vụ xả chất thải độc hại của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) ra biển đã gây ra hậu quả, thiệt hại khôn lường, chưa biết đến bao giờ mới khắc phục hết được. Và rồi hàng loạt chất thải độc hại của Công ty này thải ra nhiều vùng đất đang được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý.
Theo cơ quan điều tra Công an Hà Tĩnh, thì việc khởi tố vụ án tại Hà Tĩnh này, được đưa ra ngay sau khi các cơ quan chức năng xác định được chất thải chôn lấp trong trang trại của gia đình ông Hòa là chất thải nguy hại, và việc Công ty Môi trường đô thị TX Kỳ Anh (Cty Kỳ Anh) chôn lấp số chất thải này là vi phạm quy định về công tác bảo vệ môi trường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Cty Kỳ Anh này không đủ điều kiện và không được cơ quan chức năng cấp phép tiếp nhận, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, nhưng đã tự ý ký với Formosa hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải. Với hơn 276,19 tấn chất thải mà Công ty này đã nhận đưa đi chôn, xử lý, dù chôn ở bất cứ đâu, cũng đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật môi trường cũng như pháp luật hình sự.
Không chỉ là cán bộ quản lý được trang bị kiến thức về pháp luật hình sự, pháp luật về môi trường, mà đến người dân thường cũng phải nắm được các quy định này. Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 6, ngày 21/12/1999 đã thông qua Bộ luật Hình sự, Điều 184 đã quy định rõ về tội gây ô nhiễm đất: “1. Người nào chôn vùi hoặc thải vào đất các chất độc hại quá tiêu chuẩn cho phép, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm”.
Như vậy, từ hơn 16 năm trước, pháp luật hình sự đã rất nghiêm khắc với loại tội phạm này. Người vô tình có thể ngay lập tức bị phạt hành chính, còn người “đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện” tức cố tình vi phạm thì phải xử lý hình sự. Với vụ chôn lấp chất thải nguy hại của Cty Kỳ Anh, sự cố tình vi phạm đã thể hiện quá rõ. Sự “cố tình” còn có thể nhân lên nhiều lần khi những người thực hiện lại là những người có trách nhiệm bảo vệ môi trường, biết rất rõ sự vi phạm pháp luật của mình.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (được QH khóa XI thông qua ngày 29/11/2005, thay thế Luật năm 1993), tại Điều 74 đã quy định rõ về cơ sở xử lý chất thải nguy hại: “Phù hợp với quy hoạch về thu gom, xử lý, chôn lấp chất thải đã được phê duyệt; đã đăng ký danh mục chất thải nguy hại được xử lý; đã đăng ký và được thẩm định công nghệ xử lý chất thải nguy hại; có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên, nguồn nước mặt, nước dưới đất; có kế hoạch và trang bị phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường...”;
Điều 75 đã quy định rõ về khu chôn lấp: “được bố trí đúng quy hoạch, thiết kế theo yêu cầu kỹ thuật đối với khu chôn lấp chất thải nguy hại; có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên, nguồn nước mặt, nước dưới đất phục vụ mục đích sinh hoạt, có hàng rào ngăn cách và biển hiệu cảnh báo; có kế hoạch và trang thiết bị phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường, tránh phát tán khí độc ra môi trường xung quanh; trước khi đưa vào vận hành, phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận đạt yêu cầu kỹ thuật tiếp nhận, chôn lấp chất thải nguy hại”.
Những công nhân mang đi chôn, xử lý có thể nghe theo lệnh, không biết, nhưng ông Giám đốc Cty và một số cán bộ liên quan thì không thể không biết những quy định này. Biết, biết rất rõ nhưng người ta vẫn làm, đương nhiên là phải làm lén lút, giấu giếm với việc chôn lấp ở chính phần đất của gia đình.
Động cơ gì dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, đồng phạm, tiếp tay cho kẻ vi phạm pháp luật? Trước mắt không gì khác ngoài đồng tiền, lòng tham. Chỉ vì tiền, vì tham mà người ta đã bất chấp pháp luật, bất chấp hậu quả mà mình sẽ gây ra.
Vụ án về môi trường ở Hà Tĩnh này đang được cơ quan điều tra làm rõ, và có lẽ đây chỉ là một trong nhiều vụ án về môi trường khác sẽ được phát hiện. Những vụ án mà có thể hành vi khác nhưng động cơ, tính chất thì tương tự.
Người ta vì tiền, vì tham mà bất chấp các quy định pháp luật, biết rõ hậu quả, sự nguy hại sẽ gây ra cho cộng đồng nhưng vẫn cố tình làm, bắt tay, cấu kết cùng kẻ vi phạm, phạm tội làm liều, hoặc cố tình làm để phá hoại. Dư luận yêu cầu cần phải làm rõ, làm mạnh, xử lý nghiêm.