Vì sao hai cán bộ huyện Sơn Tây bị truy tố?
Mới đây báo Đại Đoàn Kết nhận được đơn kêu oan của hai cán bộ huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi về việc cho rằng, họ thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên trong việc đền bù giải tỏa để thực hiện Dự án Thủy điện Đăkđrinh, thế nhưng họ lại bị khởi tố bắt giam. Đó là ông Hà Văn Tiên nguyên là Trưởng phòng TN&MT và ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây.
Gây hậu quả nghiêm trọng?
Theo kết luận của cơ quan CSĐT Công an tỉnh, trong quá trình thực hiện kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC) tại các xã Sơn Liên, Sơn Dung, Sơn Long, đối với ông Hà Văn Tiên, nêu rõ: “Quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình, Hà Văn Tiên đã cùng với Tô Cước (PCT - UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng bồi thường (HĐBT) - PV)…đề ra chủ trương và bàn bạc thống nhất trong HĐBT đồng thời trực tiếp triển khai, chỉ đạo Tổ giúp việc, Tổ công tác của các xã Sơn Liên, Sơn Long thực hiện “quy về chủ cũ” đưa những người không có đất tại xã Sơn Liên, Sơn Long và những người không có đất (đứng tên mua hộ) vào phương án bồi thường để chi trả hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, mặc dù Tiên biết rất rõ những người bán đất (chủ cũ) và những người đứng tên hộ đều không còn trực tiếp sản xuất trên đất đã bán, họ không thuộc diện (không đủ điều kiện) được hưởng hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp theo quy định” và “đã gây thiệt hại số tiền 25.348.743.950 đồng. Hành vi của Hà Văn Tiên đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Khoản 3, Điều 165 Bộ luật Hình sự, cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật”.
Còn đối với ông Nguyễn Anh Dũng, CQĐT cho rằng: “Bản thân Dũng biết rõ quy định của Nhà nước về điều kiện, đối tượng được hưởng hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi được Nhà nước thu hồi đất nhưng đã thống nhất “quy chủ cũ” đưa những người không đủ điều kiện vào phương án bồi thường để chi trả trái quy định”, “trong đó có 49 người không đủ điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp tại xã Sơn Liên gây thiệt hại số tiền 9.664.038.100 đồng” nên Dũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và đã bắt tạm giam Tiên vào ngày 4/2/2015 sau đó thay đổi biện pháp ngăn chặn từ giam sang bảo lãnh ngày 22/7/2015. Đối với Dũng đã bắt tạm giam vào ngày 17/3/2015, thay đổi biện pháp ngăn chặn từ giam sang bảo lãnh ngày 8/4/2015.
Đồng với quan điểm trong kết luận của cơ quan CSĐT, tại cáo trạng số 563/QĐ-VKS-P3, ngày 22/6/2016 cũng nhận định, hành vi của Tiên và Dũng là đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Quy chủ cũ bị truy tố?
Tuy nhiên, cả hai người nêu trên đều cho rằng mình bị oan ức nên đã làm đơn khiếu nại, kêu oan gửi đến các cơ quan chức năng. Cả hai cho rằng bị khởi tố oan ức vì làm đúng chức trách, theo chủ trương của lãnh đạo huyện, không tư lợi, tư túi. Đặc biệt không phải là người có quyền quyết định vấn đề. Hơn nữa việc quy chủ cũ có chủ trương của lãnh đạo huyện là do mua bán đất nhiều trường hợp không hợp pháp, như không có sổ đỏ, chỉ có giấy viết tay,…
Quy chủ cũ là Hội đồng thẩm định và HĐBT nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân bản xứ mà trong đó không ít người do trình độ nhận thức kém bị một số người mua đất lợi dụng.
Cả hai cho rằng, nhiệm vụ của họ là chỉ kiêm nhiệm giúp việc cho Chủ tịch HĐBT, để trình UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường, để chủ dự án - chủ đầu tư chi tiền bồi thường trực tiếp cho người dân được hưởng, hoàn toàn không qua khâu trung gian nào cả. Thậm chí, họ không trực tiếp làm công việc lập phương án bồi thường mà chức năng này do người khác thực hiện, họ hoàn toàn không làm bất cứ việc gì làm thiệt hại cho Nhà nước, cho nhân dân.
Điều đáng nói trong Thông báo số 27/TB-UBND nêu rõ: “Việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ về đất đai phải xác định chủ sở hữu đất theo quy định của Nhà nước; các trường hợp chuyển nhượng đất đai không theo quy định của Luật Đất đai, tuyệt đối không được đưa vào phướng án BT-GPMB”, càng đáng nói hơn trong Thông báo số 3, ngày 31/1/2013 do Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để ký nêu rõ: “Về diện tích đất quy chủ trong lòng hồ: Nếu đất có giấy ĐKQSDĐ thì lấy theo giấy chứng nhận. Nếu đất không có giấy ĐKQSDĐ thì lấy ý kiến của người dân tại địa phương và người có uy tín trong làng để biểu quyết quy chủ”.
Mới nhất, trong Công văn số 292- CV/HU ngày 18/7/2016 cũng do Bí thư Đinh Kà Để ký khẳng định: “Một lần nữa Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Tây khẳng định, việc chỉ đạo 02 Thông báo (Thông báo số 27 và Thông báo số 03-nói trên - PV) là nhằm mục đích để nhân dân bản địa vùng lòng hồ Thủy điện Đakđrinh được hưởng lợi số tiền Nhà nước ưu đãi hỗ trợ 2,5 lần để chuyển đổi nghề nghiệp. Vì thực tế mua bán không theo một hành lang pháp luật nào cả. Vì vậy, 02 Thông báo trên là chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng”.
Căn cứ trên những văn bản của huyện đã nêu, thì việc quy chủ cũ có chỉ đạo của lãnh đạo huyện và hai cá nhân nói trên chỉ là bộ phận thực hiện không minh chứng họ tư lợi, tư túi. Thiết nghĩ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cần xem xét vấn đề thấu tình, đạt lý để giải quyết vấn đề một cách khách quan công tâm. Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.