Những con đường thiêng liêng
Ngày 3/8, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội bấm nút thông qua, chính thức đặt tên cho những con đường mới và hiện đại ở Thủ đô mang tên Trường Sa, Hoàng Sa. Tên 2 quần đảo thiêng liêng được viết lên bằng máu xương của các thế hệ người Việt Nam từ nay hiển hiện giữa trái tim cả nước như thêm một lời khẳng định không gì lay chuyển về chủ quyền lãnh thổ.
Đường Hoàng Sa từ ngã tư giao cắt cầu vượt Võ Nguyên Giáp
(thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc) đến chân cầu Đông Trù (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) có 8 làn, rộng 6,8 m, có chiều dài 4,8 km.
Bằng vào việc ngày càng nhiều hơn những đường phố, trường học, công trình công cộng mang tên Trường Sa, Hoàng Sa trên khắp cả nước, chúng ta đang nối dài bản lĩnh, ý chí, tình cảm của người Việt với một vùng lãnh thổ cương vực – chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đà Nẵng gần như là nơi đầu tiên trong cả nước có những con đường mang tên Trường Sa, Hoàng Sa. Ngày 14/7/2010, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua việc đặt tên đường Hoàng Sa và Trường Sa kéo dài 25km từ Bãi Bắc (bán đảo Sơn Trà) đến giáp ranh với địa phận tỉnh Quảng Nam. Đó là một đại lộ thênh thang, uốn lượn bên bờ Biển Đông, dài tít tắp vươn mình ra phía biển.
Ở TP Hồ Chí Minh, 2 con đường mang tên Trường Sa, Hoàng Sa dài tới gần 10 cây số, chạy song song nhau bên bờ kênh Nhiêu Lộc.
Ở Vũng Tàu, năm 2014, Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đã thông qua việc đặt tên 2 con đường mang tên Trường Sa, Hoàng Sa…
Năm học mới 2016-2017 này, Đà Nẵng sẽ có trường học đầu tiên mang tên Hoàng Sa được khai giảng. Đó là một ngôi trường mới ở phường Thọ Quang quận Sơn Trà. Nhưng nếu trường Hoàng Sa (Đà Nẵng) là trường công lập do chính quyền xây dựng thì điều đặc biệt là cách đây vài năm, năm học 2010 – 2011, ở Điện Bàn (Quảng Nam) đã có một trường học ngoài công lập mang tên Hoàng Sa ra đời.
Cũng như chúng tôi đã hết sức cảm động khi nhìn thấy ở TP Đà Nẵng, đoạn gần phố Dương Đình Nghệ bên quận Sơn Trà có một khách sạn tư nhân mang tên Hoàng Sa Hotel. Một khách sạn tư nhân không lớn, thay vì đặt những cái tên rất hấp dẫn du khách như thường thấy, ví dụ như “Biển nhớ” gì đó…, thì người dân này đã chọn tên một quần đảo vời vợi nhớ thương làm tên biển hiệu.
Chỉ có thể lý giải bằng tình yêu nước Việt và càng chứng tỏ rằng 2 chữ Hoàng Sa đã thân thiết, gần gũi trong lòng người dân Đà Nẵng nói riêng và người Việt Nam nói chung từ bao đời nay đến thế nào. Nói như ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng thì: “Mỗi việc làm dù lớn hay nhỏ, góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc ta đối với quần đảo Hoàng Sa đều có ý nghĩa và đáng được trân trọng”. Chủ quyền lãnh thổ được xây góp lên bằng từng viên gạch trong lòng dân như thế!
Trở lại với việc Thủ đô Hà Nội đã có những con đường đẹp và hiện đại vào bậc nhất mang tên Trường Sa – Hoàng Sa. Theo nghị quyết vừa được Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội thông qua, đường Hoàng Sa được đặt cho đoạn từ ngã tư giao cắt với đường Võ Văn Kiệt (đối diện Khu công nghiệp Thăng Long, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) đến ngã tư chân cầu vượt đường Võ Nguyên Giáp, dài 4,8 km, rộng 68 m.
Đường Trường Sa được đặt cho đoạn từ ngã tư giao cắt cầu vượt Võ Nguyên Giáp (thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc) đến chân cầu Đông Trù (xã Đông Hội, huyện Đông Anh), dài 7,3 km, rộng 68 m.
Đây là sự việc có ý nghĩa rất lớn. Từ nay, tên 2 quần đảo thiêng liêng được viết lên bằng máu xương của các thế hệ người Việt Nam hiển hiện sừng sững giữa Thủ đô như một lời khẳng định không gì lay chuyển về chủ quyền lãnh thổ. Việc đặt tên đường Trường Sa, Hoàng Sa ở Thủ đô Hà Nội là đáp ứng đúng tình cảm, nguyện vọng và ý chí của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước.
Trường Sa, Hoàng Sa – những mảnh đất thiêng liêng là đất đai tổ tiên để lại, là minh chứng hùng hồn cho lòng dũng cảm, khát vọng chinh phục biển khơi của cha ông. Đó là những vùng đất chưa bao giờ nguôi thương nhớ trong trái tim người Việt Nam, từ nay, sẽ càng trở nên thân thiết đối với công dân Thủ đô.
Cho đến thời điểm này, trong cả nước mới chỉ có các trường phổ thông ở Đà Nẵng dạy cho học sinh những tiết học về quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa – Hoàng Sa. Với việc ngày càng có nhiều hơn những trường học, con đường mang tên Trường Sa – Hoàng Sa, đặc biệt là những con đường mới được đặt tên ở Hà Nội, hy vọng thế hệ trẻ sẽ có nhiều thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vấn đề lịch sử này ở các chương trình ngoại khóa, ít nhất là đã có những cái tên trở nên quen thuộc với các em. Những con đường Trường Sa – Hoàng Sa còn là bằng chứng lịch sử cho thế hệ người Việt sau này khi xác lập chủ quyền.
Trường Sa – Hoàng Sa, những cái tên nhắc đến là Tổ quốc, là đất đai hương hỏa ông cha, là quyết tâm ngàn đời phải giữ lấy dù có phải đổi bằng xương máu. Trường Sa – Hoàng Sa thân yêu hiện diện trên những con đường ở Hà Nội là những vùng đất ấy mãi mãi ở trong trái tim của nhân dân cả nước.
Những thế hệ người Việt sinh ra, lớn lên, sẽ nhìn những con đường mang tên những mảnh đất biên cương như một lời nhắc nhủ về chủ quyền lãnh thổ.
Bởi vì như từ ngàn đời qua, ngày nay chúng ta vẫn đang tiếp nối, chủ quyền được dựng xây và gìn giữ bằng lòng yêu nước chưa bao giờ vơi cạn.
Chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa – Hoàng Sa luôn luôn được khẳng định, được nhắc đến, được nằm trọn vẹn trong trái tim mọi thế hệ người Việt Nam thì vĩnh viễn không bao giờ mất.