Vì sao khủng bố dễ dàng thâm nhập châu Âu?

Khánh Duy 06/08/2016 09:05

Với chính quyền Đức, Mohammad Daleel chỉ là một công dân Syria 27 tuổi đang chạy trốn khỏi chiến tranh. Nhưng đối với tổ chức phiến quân IS, kẻ này lại là Abu Yousef, một chiến binh thánh chiến được cử đến châu Âu để trị thương và luôn giữ ý định trở lại chiến trường một lần nữa.

Vì sao khủng bố dễ dàng thâm nhập châu Âu?

Ngôi nhà nơi nghi phạm Daleel tạm trú trước khi
tổ chức đánh bom tự sát. (Nguồn: Reuters).

Gã chiến binh đến từ Syria…

Gần 2 tuần lễ trôi qua kể từ sau khi nghi phạm này trở thành kẻ đánh bom tự sát đầu tiên tấn công nước Đức, kích hoạt một ba lô chứa đầy chất hóa học và các mảnh kim loại sắc nhọn bên ngoài một sự kiện âm nhạc ở thị trấn Ansbach, nhận dạng và động cơ của hắn vẫn không được làm rõ.

Thực tế này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về chính sách tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, khi đất nước này đang vất vả để hòa nhập với gần 1 triệu người nhập cư trong lúc bà Merkel phải đối mặt với những lời kêu gọi bà nên có hướng tiếp cận cứng rắn hơn.

Thậm chí từ trước khi xảy ra hàng loạt các vụ tấn công nhằm vào châu Âu thời gian qua, mà chủ yếu do người tị nạn thực hiện, chính quyền Đức cũng như nhiều nước châu Âu khác cũng đã lo ngại rằng những kẻ khủng bố đang hòa mình cùng dòng người di cư để thâm nhập vào nước họ. Và trường hợp của nghi phạm Daleel đã chứng minh rằng mối lo ngại đó đã thành hiện thực.

Trong khi tìm kiếm diện tị nạn ở châu Âu, Daleel dường như đã cố gắng xóa bỏ những phần quan trọng nhất trong tiểu sử của gã. Các tài liệu được giới truyền thông Đức đăng tải trong tuần qua cho thấy nghi phạm Daleel đã đi vào châu Âu một cách bất hợp pháp trong tháng 7/2013 thông qua Bulgaria, nơi mà hắn đến chỉ với một chiếc điện thoại di động và bộ sạc pin, 2 thẻ nhớ, 2 bộ tai nghe, 1 ổ cứng di động và 8 tờ tiền mệnh giá 100 USD.

Một trong số những người mà Daleel tới viện sự giúp đỡ khi đến châu Âu là Iliana Savora, Giám đốc chương trình bảo vệ pháp lý dành cho người di cư và nhập cư tại Ủy ban Helsinki ở Bulgaria. Tại văn phòng của mình ở Sofia, bà Savora đã xác nhận rằng Daleel là một trong số 290 người xin tị nạn đã đến tổ chức này hồi tháng 11/2013. Daleel lúc đó nói với tổ chức này rằng gã không có tiền và nơi để ở, và cần hỗ trợ y tế vì chân có dính mảnh đạn pháo.

Daleel sau đó được cấp diện tị nạn, nhưng lại không được chữa trị phần chân. Sau đó hắn bay tới Áo, nơi mà hắn cũng xin diện tị nạn vào mùa xuân năm 2014. Đơn xin sau đó bị bác bỏ bởi hắn đã có sự bảo trợ từ chính phủ Bulgaria.

Và hành trình gây án ở Đức

Vài tháng sau đó, Daleel đến Đức. Tại đây, ban đầu hắn tuyên bố rằng đã bị lạm dụng ở Bulgaria với một nhà trị liệu tên Axel von Maltitz ở thành phố Lindau.

“Anh ta khá trầm tính, và tỏ ra dễ chịu mà không có vấn đề gì khác cả” - ông Maltitz kể lại trong một cuộc phỏng vấn với báo giới - “Anh ta luôn đến đúng giờ bằng chiếc xe đạp của mình”.

Daleel trải qua 6 đợt điều trị của ông Maltitz bắt đầu từ tháng 1/2015, nhưng sau đó bỗng dưng bỏ dở và biến mất.

Và đến năm ngoái, một tình nguyện viên Đức đã kể về trường hợp của Daleel với một nhà lập pháp, ông Harald Weinberg, người giữ một ghế trong Quốc hội nước này. Ông Weinberg sau đó viết thư gửi tới chính quyền Ansbach ngày 15/11/2016 để thúc giục họ cho phép Daleel được tị nạn, nói rằng người này đã phải nhập viện vài lần để điều trị tâm thần và từng cố gắng tự tử vì bị ép trở về Bulgaria.

Và đến ngày 24/7/2016, Daleel đã kích nổ một trái bom đựng trong chiếc ba lô của hắn tại một nhạc hội, khiến 15 người bị thương và bản thân hắn thiệt mạng.

Người ta tìm thấy trong chiếc điện thoại của hắn một đoạn video có cảnh một người đàn ông mang mặt nạ được cho là chính hắn, thề trung thành với tổ chức phiến quân IS - điều sau đó cũng được IS xác nhận. Giới công tố liên bang đã nhận xử lý vụ việc do có liên quan tới khủng bố, tuy rằng thực tế là họ chả biết gì về kẻ này trước khi vụ tấn công xảy ra.

Điều này cũng tương tự đối với nghi phạm tấn công thành phố Nice của nước Pháp khiến 85 người thiệt mạng hồi tháng 7 vừa qua, khi nghi phạm khủng bố có tiền sử về tâm thần nhưng không có cơ quan an ninh nào phát hiện ra hắn có mối liên hệ với IS cả.

Thông tin về tiểu sử của Daleel chỉ được hé lộ khi IS đăng tải chúng lên Internet, trong đó nói rằng gã là một chiến binh của tổ chức từng chiến đấu ở Aleppo, Syria. Sau khi được chữa trị ở châu Âu, Daleel muốn trở lại Syria để chiến đấu nhưng không thể, nên thay vào đó ở lại để tuyển mộ những người ủng hộ tổ chức. Trong suốt thời gian ở Đức, hắn đã học cách chế tạo bom, liên hệ với kẻ hỗ trợ và đến khảo sát địa điểm mà hắn sẽ tấn công.

Tất cả các tình tiết trên đã trở thành một nỗi xấu hổ đối với các cơ quan an ninh của nước Đức, cũng như một số hứng chịu các vụ tấn công khủng bố thời gian gần đây. Hiện nay, các nước châu Âu đang đề xuất các biện pháp kiểm tra sát sao hơn đối với người tị nạn - trong đó gồm kiểm tra thông tin cá nhân, đất nước sở tại, ảnh sinh học, dấu vân tay… - để đề phòng các trường hợp khủng bố hòa vào dòng người di cư thâm nhập nước họ.

Khánh Duy