Giá trị nhân văn trường tồn
Lại một mùa Thế vận hội mới đến với nhân loại. Nó là sự hiện thân và đỉnh cao của phong trào Thế vận hội.
Thế vận hội mùa hè năm nay được tổ chức ở thành phố Rio của Brazil. Ngày hội thể thao lớn nhất và sự kiện thể thao ý nghĩa nhất này của nhân loại được tiến hành với sự tham gia của vận động viên đến từ mọi quốc gia và mọi miền trên thế giới, với sự quan tâm theo dõi tại chỗ và từ xa của hàng tỷ người trên trái đất.
Trước khi Thế vận hội này bắt đầu có không ít dấu hiệu phủ bóng đen xuống nó. Nước chủ nhà Brazil ở trong tình hình chính trị, kinh tế và xã hội nội bộ đầy phức tạp, khó khăn và cả căng thẳng.
Bê bối và tai tiếng liên quan đến doping trong thể thao gây phân hoá sâu sắc trong thế giới thể thao, gây lo ngại chính đáng về tương lai của thể thao, đặt ra nhiều vấn đề mới cần được giải quyết về mối quan hệ giữa chính trị và thể thao. Đã có không ít tiếng nói đầy bi quan trên thế giới về triển vọng thành công của Thế vận hội này, hoài nghi về khả năng tổ chức và đảm bảo an toàn của nước chủ nhà......
Xưa nay và cả trong tương lai đã và sẽ không có Thế vận hội được tổ chức hoàn hảo. Khó khăn và vấn đề, trục trặc và sự cố vẫn luôn xảy ra trong công tác chuẩn bị cho Thế vận hội cũng như trong các cuộc thi đấu. Ở Rio năm nay chắc cũng sẽ không khác. Nhưng không phải vì thế mà Thế vận hội ở Rio, như bao mùa Thế vận hội trước đó, mất đi không khi háo hức và sôi động, tinh thần thượng võ và tính quyết liệt trong thi đấu, niềm vui về chiến thắng và nỗi buồn khi thất bại, vinh quang và thất vọng. Lại càng không thể mất, không thể mài mòn những giá trị nhân văn cao cả của thể thao.
Những giá trị ấy trường tồn cùng nhân loại vì thể thao như thể hiện ở Thế vận hội hiện thân cho khát vọng hoà bình và hữu nghị, đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và quốc gia trên thế giới. Thế vận hội bắc nhịp cầu nối các quốc gia và dân tộc, khu vực và châu lục, các nền văn hoá và các sắc tộc với nhau, đưa nhân loại và thế giới xích lại gần nhau hơn.