Cần kiểm nghiệm số giờ nộp thuế trên thực tế

H.Vũ 06/08/2016 10:05

Theo Tổng cục Thuế, hiện số giờ nộp thuế của Việt Nam đã giảm từ mức 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm. Con số này đã đạt và vượt mục tiêu của Nghị quyết 19/NQ-CP đề ra và ngang bằng với mức bình quân chung của các nước trong khu vực ASEAN-4. Việc cắt giảm số giờ nộp thuế như trên, theo tính toán của các tổ chức quốc tế sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội trên 7.000 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó Bộ Tài chính cũng cho biết, đến nay ngoài việc đã giảm được hơn 420 giờ/năm thời gian nộp thuế của doanh nghiệp, thì thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được giảm từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu. Bộ Tài chính đã rà soát, chuẩn hóa 70 quy trình, quy chế, cắt giảm 63 thủ tục và đơn giản hóa 50 thủ tục về thuế nội địa; ban hành mới 23 thủ tục, thay thế 128 thủ tục, bãi bỏ 84 thủ tục, đề xuất phương án đơn giản hóa 11 thủ tục trong lĩnh vực hải quan. Bộ Tài chính đã triển khai hải quan điện tử tại 100% Cục và Chi cục hải quan địa phương.

Vẫn theo Bộ Tài chính việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan và các lĩnh vực khác đạt được nhiều kết quả qua việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3,4, kê khai, nộp, quản lý thuế điện tử, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, kết nối kỹ thuật một cửa ASEAN.

Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vấn đề đầu tiên là ngành Thuế cần tiếp tục xem xét và điều chỉnh các thủ tục hành chính trùng lắp, không cần thiết hoặc cơ quan thuế có thể khai thác dữ liệu ở các nguồn thông tin thay thế khác, đặc biệt thủ tục hành chính cần được điều chỉnh, hiện đại hóa toàn diện theo hướng phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó là chuyển đổi cơ chế từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo thuận lợi và giảm phiền hà cho người nộp thuế.

Nhận định về việc ngành thuế hiện nay giảm được hơn 420 giờ/năm thời gian nộp thuế của DN, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đó là do chúng ta cải cách, sửa đổi hệ thống văn bản thì ra số giờ trên, còn phải đánh giá trên thực tế số giờ doanh nghiệp đang tiêu tốn có thực sự giảm mạnh so với trước hay không? Cho nên cần đánh giá định kỳ và thường xuyên xem những chính sách tuyên bố trong văn bản, những thay đổi trên văn bản có “chảy” vào thực tiễn hay không. “Việc tuyên bố cắt giảm cần kiểm nghiệm trên thực tiễn xem có chuyển động như vậy không? hay chỉ 1 bộ phận nhỏ, còn đại đa số không chuyển động được nhiều”- ông Tuấn phân tích.

Ông Tuấn cũng cho rằng, hiện nay có vấn đề thanh tra, kiểm tra thuế trên thực tiễn có nhiều cơ quan khác nhau có chức năng thanh tra, kiểm tra thuế. Không chỉ ngành thuế mà kể cả các cơ quan công an, tài chính, chính quyền đều kiểm tra về thuế. Thực tế có DN 1 năm phải tiếp đón 10 đoàn đến thanh tra, kiểm tra về thuế. Ông Tuấn đặt vấn đề: Tại sao không sử dụng những kết quả của nhau?. Đoàn đầu tiên vào thanh tra nghiêm túc thì các đoàn sau vào chỉ cần sử dụng kết quả của đoàn thanh tra ban đầu. Chứ bắt DN giải trình lại, thông tin lại cái đó làm trùng lắp, tốn kém cho DN.

“Cho nên tôi kiến nghị cần thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ. Tức là đối với thanh tra chỉ cần thanh tra 1 lần/1 năm, trừ những vụ việc có dấu hiệu vi phạm thì thanh tra, còn thanh tra định kỳ cần phải phối hợp liên ngành, và chỉ vào thanh tra doanh nghiệp 1 lần/ 1 năm. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng. Nếu chúng ta thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết 35 thì đã giảm khá nhiều thời gian, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp”- ông Tuấn nhấn mạnh.

H.Vũ