Di tích quốc gia oằn mình chờ sửa chữa
Dù đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1996, nhưng không hiểu vì lý do gì mà các cơ quan quản lý về di sản lại để di tích đình Đình Chu (xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) xuống cấp đến mức thê thảm.
Đình Đình Chu đang xuống cấp vẫn phải “xếp hàng” đợi tu bổ.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc sư, họa sĩ và cơ quan thông tấn báo chí chứng kiến cảnh dột nát của ngôi đình. Theo ghi nhận mới nhất, nếu như bên cạnh đình là Trung tâm văn hóa của xã vừa xây mới, đường làng, ngõ xóm ở đây được bê tông hóa khang trang, thế mà ngôi đình tuổi đời hơn 200 năm, có giá trị kiến trúc và mỹ thuật dường như không nhận được sự quan tâm. Ngồi ngay trong đình mà nhìn thấy rõ những mảng thủng từ trên nóc đình, nước mưa thấm vào cấu kiện bằng gỗ gây mục nát…
Đình Đình Chu được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định 310-QĐ/BT ngày 13/2/1996.
Đình làng Đình Chu thờ 18 đời Hùng Vương. Đình có kiến trúc kiểu chữ “j” gồm 2 tòa Đại đình và Hậu cung. Đại đình gồm 5 gian 2 dĩ. Gian chính giữa và và các gan phụ đăng đối nhau. Gian giữa được coi là thiêng nhất, phía sau là hậu cung nơi thờ Thành Hoàng làng mà tính thiêng liêng tạo lên giá trị tinh thần của cả dân làng từ bao đời nay. Tòa Đại đình dàn ngang bề thế với bộ mái xòe rộng ra bốn phía, kéo dài chiếm 2/3 chiều cao nhưng không nặng nề mà rất duyên dáng sinh động với lối cấu trúc 4 mái. 2 mái bên găp nhau thành đường bờ dài gãy khúc. Các đường bờ nóc và bờ dải được dắp cao như những đường gân vững chắc làm nhiệm vụ giữ mái, đầu bờ nóc chỗ gãy khúc thoải cong của bờ dải đều được gắn con Li, con Kìm ở trạng thái sinh động. Tòa Hậu cung kiến trúc kiểu 2 tầng 8 mái, tạo cảm giác nhẹ nhàng và thông thoáng khiến ánh sáng tự nhiên có thể chiếu hắt vào tới hậu cung. Chính giữa nóc mái hậu cung là điểm tụ được bố cục hình tượng mặt trời với những tia sáng bốc lên. Hai đầu nóc mái là họa tiết đương hồi văn cách điệu mềm mại cong cuộn lên đối sứng với đuôi con Kìm cũng được cuộn tròn… Toàn bộ các kẻ, bẩy của đình làng Đình Chu đều được trang trí thành tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ thế kỷ 19.
Bên cạnh đó, trong đình Đình Chu nhiều bức chạm “Long mã phụ đồ”, “Phượng càm thư”, “Lưỡng long chầu nguyệt”… Ngoài ra, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: một cuốn ngọc phả viết bằng chữ Hán, sắc phong vào năm Gia Long nhị niên (1803), các sắc phong triều đại Tự Đức, Minh Mạng, Thiệu Trị; Ngai thờ, Án gian, kiệu bát cống, đồ bát bửu, âm bồng, ống hoa, đài rượu, đài nước…
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Minh- Bí thư Đảng ủy xã Đình Chu cho biết: “Ngày 18/2/2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định số 476/QĐ-CT phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích đình Đình Chu với tổng kinh phí 18,433 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì. Trong khi hàng ngày mái ngói của đình tiếp tục bị xô sạt, dột nát khiến các công trình khác ở trong đình bị thấm nước mà hư hỏng nhiều hơn”.
Như vậy, Dự án đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích đình Đình Chu dù đã được khởi động hơn 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì. Hơn bao giờ hết, người dân đang mong muốn UBND tỉnh, huyện Lập Thạch và các cấp, ngành chức năng sớm vào cuộc để cứu di tích lịch sử quốc gia Đình Chu đang bị xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay.