Trường Quốc học Quy Nhơn kỷ niệm 95 năm ngày thành lập

Bài ảnh Hoàng Tuấn (Theo tư liệu bài phát biểu của Bí thư Đảng ủy Hiệu trưởng Trường Quốc Học Quy Nhơn Trần Xuân Bình) 06/08/2016 12:02

Sáng nay (6/8) tại Bình Định, Trường Quốc học Quy Nhơn tổ chức lễ kỷ niệm 95 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. 

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho trường Quốc học Quy Nhơn.

Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, trường đã nhiều lần dời chỗ, đổi tên. Nhưng trong bất kỳ thời điểm, hoàn cảnh nào Trường Quốc học Quy Nhơn cũng không ngừng phát triển về mọi mặt, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, nối tiếp nhau làm vẻ vang cho truyền thống: “Yêu nước - Hiếu học - Kính thầy - Mến bạn”.

Trường Quốc học Quy Nhơn lúc mới thành lập mang tên Collège de Quy Nhơn và là một trong ba trường quốc lập của toàn xứ Trung kỳ lúc bấy giờ (Quốc học Vinh, Quốc học Huế, Quốc học Quy Nhơn).

Trường có khoảng 400 học sinh, chủ yếu người ở các địa phương từ Đà Nẵng đến Phan Thiết và các tỉnh Tây Nguyên.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao cờ của Chính phủ cho trường Quốc học Quy Nhơn.

Năm học 1945-1946 trường khai giảng năm học đầu tiên dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, trường dời về thôn An Lương, xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ), mấy năm sau lại chuyển lên xã Nhơn Phong (An Nhơn) và đổi tên là trường Trung học Nguyễn Huệ.

Từ 1955-1975, trường tồn tại trong hoàn cảnh chiến tranh chống Mỹ, đất nước bị chia cắt làm hai miền với tên gọi Trường Trung học Cường Để.

Tiếng tăm của học sinh Cường Để thời ấy vẫn để lại những âm vang tốt đẹp, vẫn là niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi học sinh Quốc học hôm nay.

Đại biểu và các thế hệ học sinh về dự.

Sau ngày miền Nam giải phóng, trường đổi tên thành trường cấp III Quang Trung (sau này là PTTH Quang Trung). Trường cấp III Quang Trung là trường thực hiện sớm nhất và thành công nhất phương châm giáo dục của Đảng “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội” ở miền Nam.

Với nhiều thành tích xuất sắc, trường được Bộ Giáo dục công nhận là: “Lá cờ đầu của ngành giáo dục phổ thông trung học các Tỉnh phía Nam”.

Từ năm học 1991-1992 trường được lấy lại tên ban đầu: Trường Quốc học Quy Nhơn.

Trong những năm qua, Trường Quốc học Quy Nhơn luôn là trường có chất lượng dạy và học cao trong tỉnh.

Vợ chồng GS Trần Thanh Vân-Lê Thị Kim Ngọc.

Năm 2008, nhà trường được công nhận là trường THPT đạt chuẩn quốc gia và năm 2013 nhà trường được công nhận lại là trường THPT đạt chuẩn quốc gia.

Với những thành tích xuất sắc trên, nhiều năm liền trường được UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT, Chính phủ tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Năm 2001, nhân kỷ niệm 80 năm thành lập trường, trường lại được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Trong năm 2016, trường đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều danh hiệu cao quý khác của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Bình Định.

Cụ Văn Công Chất-là học sinh lớn tuổi nhất về dự.

Những học sinh tiêu biểu:

Liệt sĩ như: Lê Văn Bảo, người Bí thư Chi bộ đầu tiên đã anh dũng hy sinh trong nhà tù thực dân Pháp, Võ Xán, Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Nguyễn Huệ (tỉnh Bình Định ngày nay), Ngô Lê Tân, anh hùng lực lượng vũ trang; anh hùng lao động Trương Đình Long, Nguyễn Giao…

Các giáo sư tiến sĩ: Lê Văn Thiêm, Lâm Quang Định, Nguyễn Quỳ, Nguyễn Cang, Nguyễn Thới Nhân, Châu Diệu Ái… Cố giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nhà vật lý nguyên tử đầu tiên của nước ta; Giáo sư, viện sĩ Đặng Hữu, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, các bộ trưởng, thứ trưởng: Mai Kỷ, Thái Phụng Nê, Trương Thiên, các giáo sư, tiến sĩ khoa học như Phạm Thị Trân Châu, Phạm Trương Thị Thọ, Nguyễn Thị Thế Trâm…
Các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan, Phan Tứ, Phạm Hổ, nhà thơ Giang Nam, nhà văn Nguyên Ngọc…

Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Quốc học Quy Nhơn Trần Xuân Bình.

Các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự: bác sĩ Y Ngông Niêk Đam, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Nguyễn Minh Vỹ, nguyên Phó trưởng ban tuyên huấn Trung ương; ông Nguyễn Trung Tín, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Bình Định” Võ Tấn Lợi, Bí thư chi đoàn Cường Để; Võ Tấn Danh (tức Vũ Hoàng Hà, nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, Chủ tịch Danh dự Hội cựu học sinh trường Quốc học Quy Nhơn) Phó Bí thư chi đoàn Cường Để; liệt sĩ Trần Quang Long, giáo viên trường Cường Để; Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Giáo sư tiến sĩ Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn; Giáo sư tiến sĩ Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Lê Hữu Lộc, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Chủ tịch Hội cựu học sinh trường Quốc học Quy Nhơn; Mai Thanh Thắng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định; Phó Giáo sư, tiến sĩ Đinh Thanh Đức, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quy Nhơn; Tiến sĩ Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương; Phó giáo sư, tiến sĩ Thái Thuần Quang, Phó chủ nhiệm khoa Toán trường Đại học Quy Nhơn; Đại tá Châu Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục 11 Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng...

Học sinh Quốc học Quy Nhơn hôm nay.

Trần Duy Thệ, Giải Ba Vật lý quốc tế năm 1982 tại CHDC Đức; Tiến sĩ Hồ Trọng Long, Kỹ sư trưởng Tập đoàn dầu khí Nippon - Nhật Bản; Các tiến sĩ kinh tế Trần Thị Cẩm Thanh, Văn Thị Thái Thu, Nguyễn Thị Mai Hương, giảng viên trường Đại học Quy Nhơn; Tiến sĩ Nguyễn Chí Nghĩa, hiện đang giảng dạy tại Trường Đại Học Aomori Nhật Bản; Đặc biệt là Nguyễn Chí Hiếu, năm 2004 được bình chọn là sinh viên giỏi nhất nước Anh, năm 2006 được bình chọn là 1 trong 100 sinh viên giỏi nhất thế giới, hiện là tiến sĩ kinh tế đang làm việc tại nước Anh...

Bài ảnh Hoàng Tuấn (Theo tư liệu bài phát biểu của Bí thư Đảng ủy Hiệu trưởng Trường Quốc Học Quy Nhơn Trần Xuân Bình)