Cần Thơ ‘xin' cơ chế đặc thù về lĩnh vực đầu tư tài chính ngân sách
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề xuất với Chủ tịch Quốc hội cho Cần Thơ cơ chế đặc thù về lĩnh vực đầu tư tài chính ngân sách phân cấp như Đà Nẵng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo.
Ngày 6/8, trong chuyến công tác tại TP Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có buổi làm việc với Thành ủy Cần Thơ về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.
Cần Thơ đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dự kiến tháng 8 này TP Cần Thơ sẽ trình Bộ Chính trị về kết quả thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW.
Theo Thành ủy Cần Thơ, qua 10 năm triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong điều kiện tình hình diễn biến nhanh và phức tạp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ đã nỗ lực phấn đấu quyết liệt, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức khá cao, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2005 – 2015 đạt 13,98%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng đô thị trung tâm, động lực của vùng; chất lượng và năng lực cạnh tranh từng bước được cải thiện và nâng lên; các nguồn lực xã hội tiếp tục được phát huy, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư mở rộng, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố theo tiêu chí đô thị loại I và xây dựng con người Cần Thơ “Trí tuệ - năng động – nhân ái – hào hiệp – thanh lịch”.
Thời gian qua, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Cần Thơ được tiến hành đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp dịch vụ, quản lý kinh tế - xã hội.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp thành phố từ 25.305 tỷ đồng năm 2005 lên 101.343 tỷ đồng năm 2015 (gấp 4 lần).
Hoạt động thương mại cũng phát triển mạnh mẽ, tổng mức hàng hóa bán lẻ trên địa bàn tăng nhanh.
Xuất khẩu hàng hóa cũng phát triển khá tốt, đến nay Cần Thơ có quan hệ xuất khẩu gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới…
Có thể khẳng định rằng đến nay Cần Thơ cơ bản đã trở thành trung tâm dịch vụ của vùng ĐBSCL…
Công tác xây dựng NTM được triển khai đồng bộ, tích cực được nhân dân đồng tình hưởng ứng đóng góp cùng nhà nước xây dựng hiệu quả, vững chắc.
Đến cuối năm 2015 đã công nhận 1 huyện đạt chuẩn NTM và 12 xã đạt tiêu chí NTM; có 20 xã đạt 15 – 19 tiêu chí; có 4 xã đạt 13 – 14 tiêu chí, không còn xã dưới 13 tiêu chí.
Qua đó bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện và không ngừng nâng lên cả vật chất và tinh thần.
Có thể nói nhờ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến nay nền kinh tế TP Cần Thơ có bước phát triển vượt bậc; tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2005 là 21.377 tỷ đồng, đến năm 2015 tăng lên 78.062 tỷ đồng năm 2015, tăng gấp 3,65 lần. GDP bình quân đầu người từng bước được nâng lên, từ mức 12,4 triệu đồng/người/năm (năm 2005) lên 79,4 triệu đồng/người/năm (năm 2015).
TP Cần Thơ có nhiều thay đổi phát triển.
10 năm qua Cần Thơ tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm.
Các công trình trọng điểm được ưu tiên đầu tư, nâng cấp đưa vào khai thác sử dụng sức lan tỏa và kết nối vùng và cả nước như: Dự án nâng cấp mở rộng Sân bay Quốc tế Cần Thơ, Cảng Cái Cui, đường Nam Sông Hậu, QLộ 91B, đường Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, tuyến Bốn Tổng – Một Ngàn, đường nối Cần Thơ – Vị Thanh.
Bộ mặt đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông.
Bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống điện đường, trường trạm, viễn thông và công trình công cộng ngày càng hoàn thiện.
Công tác chăm lo phát triển con người có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện qua các mặt: giáo dục và đào tạo, có bước phát triển tích cực, mạng lưới trường lớp quy mô.
Hệ thống trường đại học, cao đẳng, trung cấp…được nâng cấp mở rộng; khoa học công nghệ; y tế được quan tâm chăm lo, mạng lưới y tế khám chữa bệnh được đầu tư các cấp…
Chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo được quan tâm, 10 năm qua Cần Thơ đã giải quyết việc làm cho trên 500 ngàn lao động, tăng 7,1%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2015 là 50,76%.
Công tác cứu trợ, trợ cấp xã hội thực hiện tốt, xây dựng được trên 2.280 căn nhà tình nghĩa, 13.892 căn nhà Đại đoàn kết.
Từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,71% (trong khi năm 2005 là 10,45%).
Đáng chú ý công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được sắp xếp, kiện toàn phù hợp chức năng, nhiệm vụ góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố trong tình hình mới…
Cùng tham dự buổi làm việc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng: Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, 10 năm qua TP Cần Thơ đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.
Đáng chú ý công tác xã hội hóa cho đầu tư cơ sở vật chất các công trình xã hội rất lớn và nhận được sự giúp đỡ cả nước đối với Cần Thơ.
Mối liên kết giữa Cần Thơ với các tỉnh thành trong vùng thời gian qua rất hiệu quả.
Cái được lớn nhất là xây dựng Đảng nâng cao sức chiến đấu, năng lực đội ngũ cán bộ, hệ thống chính trị hoạt động đều, đoàn kết nội bộ…
Tuy nhiên theo đánh giá của Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn: Cần Thơ chưa có sản phẩm chủ lực và ngành kinh tế mũi nhọn; cơ cấu lao động trong nông nghiệp quá cao.
Quy hoạch chỉnh trang có tiến bộ nhưng chưa theo kịp với phát triển. Xây dựng chỉnh trang đô thị môi trường còn bất cập.
Đội ngũ cán bộ cần tiếp tục phấn đấu, vươn lên nỗ lực hơn nữa, không nên trông chờ…
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn phát biểu.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề xuất với Chủ tịch Quốc hội, nên có nghị quyết thay thế Nghị Quyết 45-NQ/TW.
Đề nghị Quốc hội cho Cần Thơ cơ chế đặc thù về lĩnh vực đầu tư tài chính ngân sách phân cấp như Đà Nẵng, làm sao để Cần Thơ huy động được nguồn vốn đầu tư để phát triển mạnh thành phố trong tương lai.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những kết quả của Đảng bộ, chính quyền nhân dân TP Cần Thơ trong thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên theo Chủ tịch Quốc hội, so chỉ tiêu đề ra với kết quả đạt được của Nghị quyết 45 vẫn còn nhiều điểm chưa đạt được, chủ yếu là đầu tư cho phát triển hạ tầng.
Sự phối hợp giữa các bộ ngành hữu quan cơ bản tốt. Nhưng cần phải làm rõ trách nhiệm của Bộ ngành trong quá trình thực hiện nghị quyết.
Cụ thể như Trường Đại học Cần Thơ mục tiêu xây dựng trở thành trường đại học trọng điểm, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được, nguyên nhân chính do chưa được đầu tư nhiều, vì vậy trách nhiệm của từng bộ ngành có liên quan cần phải xem lại…
Đóng góp cho báo cáo thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW để Cần Thơ trình lên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đề ra giải pháp: Cần rà soát điều chỉnh quy hoạch của Cần Thơ cho phù hợp quy hoạch chung của ĐBSCL, cơ chế đặc thù cụ thể cho Cần Thơ, kế hoạch đầu tư trung hạn làm gì phải xác định rõ từng hạng mục cụ thể.
Cần đề nghị với Bộ Chính trị nếu không ra nghị quyết mới thì cần có kết luận đủ mạnh đủ sức để thực hiện Nghị quyết 45, đó là điều chỉnh quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng không riêng gì Cần Thơ mà còn cho cả vùng ĐBSCL.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội còn cho rằng: Cần có những giải pháp cụ thể cho những tồn tại bất cập cũ để phát triển cái mới Cần Thơ sẽ làm cái gì và trách nhiệm của các Bộ sẽ làm gì để giúp cho Cần Thơ.
Phát triển kinh tế 3 trụ cột, kinh tế, xã hội và môi trường…
Xác định lợi thế so sánh của Cần Thơ để phát triển các ngành mũi nhọn như phát triển công nghệ cao gắn với chế biến nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch miệt vườn. Chú ý liên kết vùng để phát huy vai trò trung tâm của TP. Cần Thơ…