Lơ mơ tác quyền

Hà Anh 07/08/2016 10:35

Lâu nay, các nhà văn, nhà thơ thường không để ý đến chuyện bản quyền tác phẩm mình viết ra, thậm chí hợp đồng ký kết cũng chẳng để ý. Ngày xưa thì đơn giản thế được, chứ bây giờ đã hội nhập, sự “lơ mơ” ấy không chỉ thiệt thòi cho chính tác giả mà còn xảy ra nhiều tiếng bấc tiếng chì.

Ảnh minh họa.

1. Vừa qua, làng văn được một phen xôn xao sau khi nhà văn Nguyễn Văn Thọ phát hiện tiểu thuyết “Quyên” của ông được rao bán với giá 0 đồng ở một trang bán sách điện tử có tên waka.vn và đã có những phản ứng mạnh mẽ.

Trong quá trình đối thoại với phía waka, nhà văn Nguyễn Văn Thọ mới hay “Quyên” của ông nằm trong danh mục 189 tác phẩm được Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Văn học Việt Nam (viết tắt là VLCC) “cấp phép sử dụng trong vòng 1 năm” với số tiền 50 triệu đồng.

Bởi vì nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã có Hợp đồng ủy thác quyền với VLCC cho nên VLCC mặc nhiên có quyền cấp phép khai thác, sử dụng các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Thọ mà không cần phải hỏi ý kiến.

Đồng thời, phía waka khi đã bỏ một số tiền nhất định ra để có được quyền khai thác, sử dụng các tác phẩm, việc họ bán tác phẩm với giá nào hay in để đem cho, tặng... đều không còn là việc của nhà văn Nguyễn Văn Thọ hay VLCC nữa.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, ông cảm thấy rất buồn rầu và tổn thương khi phát hiện ra tác phẩm bao năm thai nghén tâm huyết, viết ra bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu của mình lại bị đem bán một cách rẻ mạt như thế. Song thực tế, việc đã ký “Hợp đồng ủy thác quyền” với VLCC khiến ông lâm vào tình trạng “há miệng mắc quai”.

Ông cũng không thể ngờ rằng, một ngày đẹp trời khi được mời ký vào một văn bản để trở thành thành viên của VLCC lại có lúc ông gặp phải những “hệ lụy đau thương” như thế này: tác phẩm của mình được “bán” cho ai, với giá bao nhiêu ông không có quyền can dự vào nữa. Vì thế, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã làm văn bản gửi đến VLCC để hủy hợp đồng, đồng thời có những kiến nghị gửi lên BCH Hội nhà văn Việt Nam.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có nhà văn Nguyễn Văn Thọ “lơ mơ” về những ràng buộc và những hệ lụy có thể gặp phải của bản “Hợp đồng ủy thác quyền” này. Theo danh sách được công bố, hiện nay đã có tới 877 nhà văn trong tổng số trên 1.000 nhà văn Việt Nam tham gia ủy quyền cho VLCC, có nghĩa là tỉ lệ đạt tới gần 90%.

Thế nhưng các nhà văn được hỏi như Lê Minh Khuê, Xuân Đức, Nguyễn Hữu Quý... và cả Ủy viên BCH, Trưởng ban kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam Khuất Quang Thụy đều nói rằng: “Ký hợp đồng là để ủng hộ Trung tâm thôi! Trung tâm là của Hội Nhà văn lập ra thì phải ủng hộ chứ!...”.

Một số người còn cho biết, họ còn không đọc nội dung, mà thấy bảo ký thì ký, cứ “ký đại” theo phong trào mà thôi! Các “đợt vận động” này đều diễn ra nhân một sự kiện nào đó của Hội Nhà văn tổ chức, dễ bề quy tụ các nhà văn từ già đến trẻ khắp mọi miền đất nước.

Nhà văn Khuất Quang Thụy - Ủy viên BCH, Trưởng ban kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, để xảy ra những lùm xùm này “lỗi là từ cả hai phía”. Ông Thụy nhấn mạnh: “Lỗi của các nhà văn ở đây là khi chưa đọc, hiểu hết các nội dung trong hợp đồng đã vội vàng ký vào hợp đồng giao phó tác phẩm của mình cho Trung tâm nên đến khi có vấn đề phát sinh mới tá hỏa lên.

Còn về phía Trung tâm VLCC, đã không giải thích cặn kẽ cho các nhà văn hiểu hết về quyền và nghĩa vụ của mình khi đã ủy quyền cho Trung tâm mà lại nghiêng về việc vận động để các nhà văn “ghi danh” vào trung tâm thì thực sự là một thiếu sót quan trọng cần được điều chỉnh”.

Nhà văn Khuất Quang Thụy khẳng định: “Nếu hợp đồng ủy quyền còn thiếu sót, sơ hở hoặc bất lợi cho nhà văn, tôi sẽ có ý kiến với BCH để BCH có thể có các chỉ đạo, điều chỉnh cho hài hòa để đảm bảo quyền và lợi ích của cả đôi bên”.

2. Các nhà văn, khi không tìm hiểu kỹ các quyền, nghĩa vụ cũng như những ràng buộc nhất định mà mọi hợp đồng đều có thể “giăng” ra, thì tất sẽ phải chịu những thiệt thòi. “Bút sa gà chết”, những hệ lụy, thiệt thòi này là hoàn toàn căn cứ vào nội dung đã được ký kết của hợp đồng.

Cụ thể, theo điều 1 của “Hợp đồng ủy thác quyền” thì: “Bên A ủy thác toàn bộ các quyền tác giả (sau đây gọi là các quyền được ủy thác) mà hiện tại bên A đang sở hữu, sẽ sở hữu trong tương lai hoặc bên A đang quản lý, khai thác theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia về sở hữu trí tuệ, cho bên B phù hợp với các điều khoản của hợp đồng này.

Theo đó, bên B sẽ đại diện cho bên A độc quyền quản lý các quyền, tổ chức thực hiện việc thu tiền bản quyền và cấp phép cho cá nhân, đơn vị sử dụng quyền tác giả đối với các tác phẩm trên cơ sở biểu giá thu tiền do Trung tâm ban hành...”.

Với điều khoản này, việc nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói rằng khi ký hợp đồng là đã trao cho VLCC một “quyền lực vô biên” quả là cũng không ngoa. Qua sự việc này, có thể thấy đó là một bài học lớn đối với căn bệnh “xuê xoa”, “quấy quá” thường thấy của các nhà văn Việt Nam.

VLCC là đơn vị soạn thảo ra hợp đồng để “ràng buộc” nhà văn với mình thì họ sẽ làm thế nào để “có lợi”, nhiều đường lui nhất cho họ là điều đương nhiên. Và nhà văn cũng nên đắn đo, suy nghĩ, cân nhắc trước khi ký vào bất kỳ một văn bản có tính pháp lý nào chứ không riêng gì bản “Hợp đồng ủy thác quyền”.

Nhà văn là người sáng tác, là chủ sở hữu quyền đối với những “tài sản tinh thần” của mình, những tài sản này được pháp luật bảo vệ, thì phải xem mình có những quyền gì, được bảo vệ đến đâu và mình có thể làm gì khi quyền tác giả bị xâm hại...

“Qua vụ việc của mình, tôi cũng muốn giúp các hội viên cũng “lơ mơ” như tôi thêm một lần cảnh giác trước khi ký vào bất cứ một văn bản có tính pháp lý ràng buộc nào”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói. “Không thể quá trông chờ vào một cơ quan, tổ chức hay trung tâm nào bảo vệ quyền lợi của mình đâu, mà nhà văn cũng phải biết cách tự bảo vệ tác quyền của mình. Để tự bảo vệ được mình, phải hiểu biết về pháp luật, hiểu biết các quy định về Quyền tác giả và các quyền liên quan đã được Luật Sở hữu trí tuệ quy định rất rõ”.

Dễ dãi dễ bị xem thường

Gần đây, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cũng "bỗng dưng" vướng scadal khi ông phát hiện trên sóng truyền hình có nơi đã xâm phạm bản quyền bài thơ “Khát vọng Trường Sơn” của mình. Cụ thể là người ta đã không xin phép, không trích nguồn và tai hại hơn còn tự ý chỉnh sửa những câu thơ, tức là không đảm bảo tính nguyên vẹn của tác phẩm. Sau khi viết thư ngỏ, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã được mời đến làm việc và các thành viên trực tiếp sản xuất chương trình đã "thiết tha đề nghị tác giả tha lỗi". Khi chúng tôi hỏi: Điều gì đã khiến ông quyết định “bỏ quá” cho những vi phạm của những người xâm phạm bản quyền bài thơ của ông, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nói : "Bản thân tôi và bạn bè đều cho rằng, đây là sự vi phạm về bản quyền, song những người làm chương trình chỉ nhận đó là sai sót. Cứ cho đó là sai sót thì sai sót đó không có tác giả nào chấp nhận được. Tôi “độ lượng” với họ, không làm to chuyện là bởi tôi đây chương trình tri ân đồng đội, mà mình cũng là một người lính".

Hỏi tiếp: Nhiều người nói rằng, chính sự hiền hòa, xuề xòa, dễ tha thứ của các nhà văn Việt Nam cũng góp phần là căn nguyên làm cho những vụ xâm phạm bản quyền diễn ra ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Ông có nghĩ rằng, việc ông “quá độ lượng” với những sai sót của những người làm chương trình này sẽ tạo ra một “tiền lệ xấu” không ?, nhà thơ trả lời: "Tôi cho rằng mình đã làm đúng những gì cần làm với tư cách một tác giả chứ không quá xuề xòa, dễ dãi. Dễ dãi quá thì lần này họ cũng xem thường mình”.

Hà Anh