Nhân lực ngành y: Quan trọng là chất lượng

Hồng Hà 07/08/2016 12:05

Theo Bộ Y tế, hiện tổng số điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược cả nước là hơn 158.000 người. Trong đó, trình độ trung cấp có gần 102.000 người, chiếm hơn 64%. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ điều dưỡng viên, hộ sinh/bác sĩ của Việt Nam là 1,8 - thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á (tỷ lệ này ở Philipines là 5,1, Indonesia là 8,0, Thái Lan là 7,0). Điều đó cho thấy, để đạt được mức tương đương các nước trong khu vực, ngành y tế Việt Nam còn cần có hàng nghìn điều dưỡng, hộ sinh.

Ảnh minh họa.

Xôn xao chuyện dừng đào tạo hệ trung cấp

Đầu năm 2016, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNVquy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y phải có trình độ cao đẳng trở lên với mục tiêu đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế đòi hỏi nhân lực y tế Việt Nam phải tương đồng về trình độ đào tạo bác sĩ, nha sĩ và điều dưỡng từ 3 năm trở lên.

Theo đó từ năm 2018 sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học. Từ năm 2021 các cơ sở y tế cả nước sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, nữ hộ sinh, hộ lý... thuộc hệ trung cấp.

Tuy nhiên, dư luận lo ngại việc thực hiện Thông tư 26/2015/TTLT-BYT-BNV đồng nghĩa với việc ngừng đào tạo trung cấp nhóm ngành y tế, gây ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn sinh viên đang theo học tại các trường trung cấp y tế, cũng như về cơ cấu nguồn nhân lực y tế trong tương lai.

Bà Lê Thị Hồng Hoa- Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Lê Hữu Trác đã khá bức xúc khi cho rằng tới tư vài năm nay, ngành y tế hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM từng có chủ trương không nhận trung cấp, CĐ, nhưng không thực hiện được. Bởi do nhu cầu của xã hội, của người dân mà vẫn phải nhận. Trong mỗi bệnh viện có nhiều vị trí cũng chỉ cần đến trình độ trung cấp chứ chẳng cần tới đại học, cao đẳng.

Về lộ trình thay đổi, theo bà Hoa, với các trường trung cấp, muốn nâng cấp lên cao đẳng, ngoài tiêu chí giảng viên còn yêu cầu về cơ sở vật chất, đất đai, tiền đầu tư… vì thế với một quyết định thay đổi phải có lộ trình từ 10 - 15 năm, chứ không thể nào chỉ 5 năm mà làm được. Đặc biệt, phải có những hội thảo, hội nghị lấy ý kiến đóng góp, đồng thời với ý kiến của chính các bệnh viện, nhất là các bệnh viện ở vùng sâu vùng xa, khi hiện nay chả có mấy bác sĩ nào chịu về…

Còn theo ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Ánh Sáng (TP HCM) nếu có sự tìm hiểu, so sánh thì Bộ Y tế sẽ thấy xét về thời gian đào tạo cao đẳng của nhiều nước đối với đầu vào ngành này cũng chỉ 2 năm như đào tạo trung cấp của Việt Nam.

Về khối lượng kiến thức, số lượng tín chỉ, thời gian thực tập ở bệnh viện… như chúng tôi đang đào tạo, tôi có thể khẳng định hệ trung cấp hoàn toàn tương đương cao đẳng của các nước. Vấn đề ở chỗ là đánh giá người được đào tạo trung cấp ra có làm việc được không, có đáp ứng được các yêu cầu của ngành đối với vị trí làm việc phân công cho họ?

Y tế vẫn cần trình độ trung cấp

Theo Bộ Y tế, hiện tại trên cả nước có 40 trường đại học, 68 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp đào tạo nhân lực y tế. Trước những xôn xao của dư luận trong thời gian qua, được biết, tới đây Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ sẽ họp bàn, trao đổi để sớm xác định vị trí của trình độ trung cấp trong hệ thống đào tạo, hệ thống y tế.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Hoàng Ngọc Vinh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho rằng, nâng cao chất lượng nhân lực y tế là yêu cầu bắt buộc để nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhưng hoạt động đào tạo nhân lực ngành y, dược không nên quá câu nệ về bằng cao đẳng hay trung cấp mà phải chuẩn hóa theo khung trình độ quốc gia và đồng thời bảo đảm tính hội nhập theo khung trình độ quốc tế từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng, đại học.

Ông Vinh cho rằng, với nhu cầu về nhân lực y tế hiện nay, hoạt động đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y và dược ở trình độ trung cấp là vẫn cần thiết, đồng thời chú trọng đến việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, cũng như quyền lợi học liên thông của học sinh trung cấp y, dược.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết, vai trò của nhân lực y tế trình độ trung cấp là cần thiết và cũng là xu hướng chung của thế giới nhằm tăng cường đội ngũ nhân viên chăm sóc người bệnh ngày càng đầy đủ, toàn diện. “Do vậy, đào tạo trình độ trung cấp y tế vẫn tồn tại trong hệ thống y tế của Việt Nam.

Để xác định vị trí của nhân lực trình độ trung cấp trong hệ thống đào tạo, hệ thống y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trao đổi, sớm đưa ra giải pháp, hướng dẫn cụ thể đối với các cơ sở y tế và các trường trung cấp”- Thứ trưởng Lê Quang Cường khẳng định.

Cùng quan điểm, GS Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Hiện nay chức danh điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược hạng IV yêu cầu trình độ trung cấp, nhưng để hội nhập các nước ASEAN đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và dược phải là trình độ cao đẳng, buộc mỗi viên chức phải chủ động kế hoạch học tập nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức chuyên môn y tế.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng nhấn mạnh, để thực hiện chuẩn hóa trình độ đào tạo chức danh nghề nghiệp hạng IV là cao đẳng cần phải có lộ trình để tránh tạo tâm lý bất ổn trong viên chức.

Hiện nay, tại Việt Nam số bác sĩ chăm lo sức khỏe cho nhân dân quá thấp, chỉ khoảng 8 bác sĩ/ 1 vạn dân, trong khi các nước tiên tiến đạt khoảng 40 bác sĩ/ 1 vạn dân. Về dược sĩ, chỉ có 1,5 dược sĩ/ 1 vạn dân. Đặc biệt, chúng ta rất thiếu bác sĩ giỏi, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Theo GS Nguyễn Viết Tiến, vấn đề đặt ra đối với các đơn vị sự nghiệp y tế cần phải có kế hoạch đào tạo, để viên chức đã được tuyển dụng được chuẩn hóa để đạt trình độ cao đẳng. GS Nguyễn Viết Tiến cũng cho rằng chất lượng đầu vào rất quan trọng.

Tuy nhiên, không phải sinh viên nào đỗ đầu vào cao cũng sẽ học giỏi và tiếp thu kiến thức tốt trong suốt quá trình học. Dù là bác sĩ hay y tá, điều dưỡng thì trình độ mỗi người phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đào tạo. Vì thế phải khẳng định rằng quá trình đào tạo, rèn luyện ở trường là rất quan trọng.

Hồng Hà