Phát triển nuôi tôm nước lợ: Tăng cường kiểm dịch, kiểm soát chất lượng tôm giống
Trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh ĐBSCL. Nhiều vùng nuôi tôm bị nhiễm mặn cao dẫn đến chậm lớn, phát sinh dịch bệnh.
Ảnh minh họa.
Để đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra cho cả năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Quyết định số 3177/QĐ-BNN-TCTS về kế hoạch hành động phát triển nuôi tôm nước lợ 6 tháng cuối năm 2016.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích thả nuôi 6 tháng đầu năm 2016 đạt 619.126 ha; sản lượng tôm nuôi 6 tháng đầu năm đạt 191.560 tấn bằng 28% kế hoạch năm 2016, trong đó: sản lượng tôm sú đạt 112.462 tấn; tôm thẻ chân trắng đạt 79.098 tấn.
Để nâng cao hiệu quả nuôi tôm nước lợ, đảm bảo phát triển sản xuất và duy trì mục tiêu tăng trưởng, đạt mục tiêu đề ra cho ngành tôm nước lợ trong năm 2016 (tổng diện tích nuôi tôm nước lợ là 683.422 ha, tổng sản lượng đạt 680.000 tấn).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2016, các đơn vị và địa phương nỗ lực tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ: Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương phối hợp triển khai thực hiện, phát triển sản xuất và tiêu thụ. Xây dựng chương trình phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ, kiểm soát dịch bệnh, kịp thời xử lý các ổ dịch.
Đồng thời tăng cường quan trắc môi trường và dịch bệnh tại các vùng nuôi. Tăng cường kiểm dịch, kiểm soát chất lượng tôm giống, tổ chức Hội nghị bàn giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng giống, cân đối cung cầu tôm giống, chủ động giải pháp đảm bảo đủ giống tôm có chất lượng cho sản xuất.
Bên cạnh đó tổ chức đợt cao điểm thanh, kiểm tra khâu thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, lưu thông sản phẩm tôm, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.
Ngoài ra, phối hợp với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thực hiện các giải pháp thị trường tiêu thụ tôm, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thương hiệu và thị trường. Đề xuất với Chính phủ, chính quyền các địa phương triển khai một số chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi khi gặp khó khăn về vốn, tiếp tục thực hiện chương trình bảo hiểm đối với con tôm.