25 năm đi tìm đồng đội
“Còn sức khỏe tôi vẫn còn đi. Tâm nguyện của tôi là mong sao tìm được càng nhiều anh em đồng chí, đưa họ về quê hương được người nào hay người đó”. Đó là chia sẻ của cựu chiến binh Phạm Song Toàn, 75 tuổi, thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội – người thương binh tham gia hàng trăm chuyến hành trình đi tìm đồng đội.
Cựu chiến binh Phạm Song Toàn.
Cuộc hành trình tìm mộ liệt sĩ của ông bắt đầu vào năm 1995, khi có một gia đình đồng đội, đồng hương tìm đến nhờ ông đi tìm hài cốt liệt sĩ. Do có thời kì chiến đấu ở mặt trận B5, tỉnh Quảng Trị cho nên ông Toàn hiểu được phần nào những đau thương, mất mát mà mỗi gia đình thân nhân liệt sĩ chịu đựng, vì thế khi người nhà liệt sĩ đến nhờ, ông không chần chừ mà nhận lời ngay.
Ông nhớ lại: “Bấy giờ năm 1995, tôi đạp xe lên Hà Nội tìm thông tin về liệt sĩ tên là Bùi Thanh Huệ thì nhận được tin liệt sĩ Huệ đã được chôn cất ở Sư Đoàn 325, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Lần theo địa chỉ tôi về Bắc Giang thì lại được thông báo anh Huệ đang yên nghỉ tại bến 5, bãi Mít, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị”.
Có được thông tin cụ thể, ông bắt xe một mạch vào Quảng Trị. Thế nhưng đến đó, người ta nói phần mộ liệt sĩ Huệ đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ông lại vội vàng trở lại Đông Hà tìm. Song thời điểm ấy, dấu tích về mộ liệt sĩ Bùi Thanh Huệ không còn nữa.
Do lần đầu tiên đi tìm mộ lại không có kinh nghiệm, thức ăn, nước uống không kịp chuẩn bị, ông Toàn mệt mỏi, đói lả, suýt ngất giữa đường. Lại thêm tiết trời tháng 6 ở Quảng Trị nắng gay gắt, gió Lào thốc vào mặt, không tìm được mộ bạn, ông Toàn tưởng như kiệt sức, song ông quyết tâm không chịu về tay không.
“Vào trong đó, tôi thấy hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ, có người có tên, có người không tên, nghĩ bụng “Không tìm được bạn thì mình sẽ tìm giúp người khác vậy”, ông Toàn tâm sự. Cũng từ lần ấy, ông lang thang khắp các nghĩa trang, ghi ghi chép chép từng tên tuổi, địa chỉ, quê quán của những liệt sĩ hi sinh. Với những thông tin có được sau chuyến trở về từ Quảng Trị, ông ngồi miệt mài viết thư gửi lên từng tờ báo như Báo Hà Tây (cũ), An ninh Thủ đô, Quân đội nhân dân…với hi vọng những gia đình có liệt sĩ sẽ biết về nơi chôn cất người thân của mình. Kể từ đó, mỗi năm, những chuyến đi của ông Toàn cứ dày hơn.
Suốt 25 năm qua, ông Toàn có 39 chuyến đi đến nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và ghi chép được thông tin của gần 3 nghìn liệt sĩ.
Thông qua những thông tin mà ông Toàn cung cấp, có hàng trăm gia đình tìm được hài cốt người thân sau bao năm thất lạc. Trong những chuyến đi ấy, lúc bị tai nạn, lúc gặp cướp giật giữa đường, lúc ốm thập tử nhất sinh suýt chết…nhưng không bao giờ trong thâm tâm người lính già tự cho phép mình bỏ cuộc.
Không chỉ cung cấp thông tin nơi chôn cất thi hài liệt sĩ, ông Toàn còn phối hợp với nhiều tổ chức, cùng hàng chục gia đình đến tận nơi, đưa hài cốt thân nhân của họ trở về quê. Chứng kiến mỗi thân nhân liệt sĩ trở về trong ngày đoàn tụ, những giọt nước mắt hạnh phúc, vui mừng của các gia đình khi tìm được người thân, ông lại quên đi nhọc nhằn, vất vả và thấy lòng ấm áp.
Bây giờ, tuổi cao, sức yếu, bệnh tật, ông không còn đủ sức đi xa được nữa. Vì thế, ông đành chọn cách ngồi ở nhà nghe đài, gửi thư. Mỗi ngày, ông nghe trên chuyên mục “nhắn tìm đồng đội”, rồi ghi chép thông tin về những liệt sĩ hi sinh đồng thời viết thư trực tiếp gửi cho các gia đình liệt sĩ. Năm 2013, ông Phạm Song Toàn được UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” và Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội tặng bằng khen.