Đánh giá toàn diện công tác cán bộ

Hoài Vũ (thực hiện) 08/08/2016 09:11

Lâu nay nhiều người vẫn nhắc đến tình trạng bắt tay giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương để trục lợi. Như vụ Formosa cùng với Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bắt tay nhau chôn lấp chất thải từ nhà máy Formosa xuống lòng đất là một điển hình. Thực tế lợi ích nhóm đã được diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, nhiều ngành. Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hậu quả của ngày hôm nay chính là do đội ngũ cán bộ bị lợi ích nhóm,

Đánh giá toàn diện công tác cán bộ

Ông Lê Văn Cuông.

PV: Lâu nay nhiều người đã nhắc đến tình trạng bắt tay giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương để trục lợi. Như vụ Formosa cùng với Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bắt tay nhau chôn lấp chất thải từ nhà máy Formosa xuống lòng đất. Vậy theo ông quy định pháp luật về môi trường chưa nghiêm hay sự bắt tay giữa doanh nghiệp và cán bộ đang là hiện tượng trong xã hội?

Ông Lê Văn Cuông: Thời gian qua chúng ta chỉ quan tâm đến thu hút đầu tư nước ngoài còn vấn đề môi trường có phần xem nhẹ. Chính vì thế một số doanh nghiệp nước ngoài thấy được sự dễ dãi của ta và sự làm ăn không nghiêm túc của họ từng bước biến nước ta thành bãi rác thải của thế giới.

Nhưng do công tác quản lý của ta còn lỏng lẻo, không chú ý đến môi trường cho nên tạo điều kiện hợp thức hóa cho nhiều doanh nghiệp làm ăn không đúng đắn. Nó đã xảy ra hệ lụy như hiện nay là không chỉ Formosa mà nhiều địa phương bây giờ mới phát hiện ra việc xả thải của một số doanh nghiệp như chôn xuống dưới đất, để phân tán chất thải.

Bây giờ từ vụ Formosa các ngành, địa phương mới tiến hành rà soát lại, thanh tra, kiểm tra thì phát hiện ra nhiều nơi chôn giấu rác thải. Bây giờ mới tìm cách để xử lý, và đó là bài học thực tiễn.

Đánh giá toàn diện công tác cán bộ - 1

Chất thải rắn có chứa độc tố do Formosa chôn lấp trái phép.

Nhiều ý kiến cử tri cũng đang lo ngại rằng công tác quản lý cán bộ của ta ở nhiều lĩnh vực đang có vấn đề?

Vấn đề thì đã rõ. Tất cả là do con người, người đứng đầu quyết định. Cái gì thành công hay thất bại đều gắn với con người, chủ yếu là lãnh đạo đứng đầu các cấp có quyền quyết định. Bây giờ chúng ta đề cao vai trò của người đứng đầu, trách nhiệm của người đứng đầu nhưng cũng chỉ mới là chủ trương, và mới xác định như thế.

Nhưng đến khi vào vụ việc cụ thể thì họ đang tìm cách né tránh, và đá quả bóng trách nhiệm. Ở Trung ương cho rằng địa phương đề xuất rồi quản lý, nhưng địa phương lại nói xin ý kiến Trung ương.

Như hai vụ Formosa hay Trịnh Xuân Thanh đều thấy được quả bóng trách nhiệm đang chưa rõ địa chỉ. Cho nên phải có các cơ quan chức năng khách quan, công tâm , có trình độ chuyên môn sắc bén thì mới quy trách nhiệm được. Vì các đối tượng này rất phức tạp, người ta dùng lỗ hổng cơ chế, trách nhiệm tập thể để lẩn tránh trách nhiệm cá nhân.

Nếu đoàn thanh tra mà không sắc sảo, không nắm vững các quy định thì cũng dễ chấp nhận với ý kiến thanh minh, né tránh của họ. Cuối cùng “hòa cả làng” chả đi đến đâu.

Trên thực tế vai trò cá nhân rất quan trọng, hậu quả của ngày hôm nay chính là do đội ngũ cán bộ, mà chủ yếu động cơ là lợi ích nhóm, đặc quyền đặc lợi chi phối, còn trình độ non kém hay nhận thức chưa có tầm nhìn xa, tinh thần trách nhiệm thì cũng có chút ít ảnh hưởng. Nhưng nói chung nó cũng từ động cơ cá nhân, lợi ích gây nên.

Nếu người đứng đầu mà non kém, hay chưa hiểu biết kiến thức chuyên sâu thì phải phát huy dân chủ, xin ý kiến các nhà khoa học, có thời gian đủ độ chín để đánh giá hiệu quả nhưng lợi ích làm cho “lóa mắt” nên có nhiều dự án triển khai rất nhanh bằng các động thái “bật tường”. Cho nên để lại hậu quả lọt lưới, để các doanh nghiệp nước ngoài vào hoạt động một cách dễ dàng, gây nên những hậu quả cuối cùng người dân phải gánh chịu.

Vậy đã đến lúc chúng ta có cần cơ chế quy trách nhiệm đối với những cán bộ đã nghỉ hưu, không để mắc tư duy nhiệm kỳ, lúc đương chức thì cố gắng vơ vét xong về hưu lại hạ cánh an toàn, thưa ông?

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, hay Thủ tướng trong thời gian vừa qua, cử tri đã đặt vấn đề hết sức cụ thể. Và quan điểm của các lãnh đạo từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cho đến Thủ tướng đều cũng rất rõ ràng. Đó là phải quy trách nhiệm đến nơi chứ không chung chung như trước nữa, xử lý nghiêm túc và không loại trừ ai cả.

Tôi nghĩ đây cũng là cơ hội để chấn chỉnh lại lề lối và trách nhiệm. Trong quy định của pháp luật cũng không quy định người về hưu thì không còn trách nhiệm gì, không có văn bản nào quy định về hưu là hạ cánh an toàn mà đều phải có trách nhiệm. Có thể lúc đang đương chức “chưa bị lộ” nhưng khi về hưu thì bị lộ, và liên quan đến trách nhiệm lúc khi đang đương chức thì phải xử lý đến nơi đến chốn chứ không thể về hưu là không còn trách nhiệm gì cả.

Ông có nghĩ trước những bất cập hiện nay trong công tác cán bộ, chúng ta cần đánh giá lại toàn diện công tác cán bộ trên tất cả các lĩnh vực?

Rõ ràng khi xảy ra nhiều vụ việc đụng chạm đến công tác tổ chức và cán bộ mới thấy rằng họ thường đổ lỗi cho quy trình để trốn tránh trách nhiệm. Đúng quy trình nhưng lại không đúng tiêu chuẩn, không đúng tiêu chí thì dứt khoát phải quy trách nhiệm và xử lý.

Đến bây giờ cần phải xem xét lại quy trình để xem lỗ hổng ở đâu để còn chặn. Bây giờ không chỉ là một vài vụ việc mà rất trầm trọng rồi, qua những vụ vừa rồi thấy có quá nhiều sơ hở, lợi dụng vào đó để gắn lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân vào. Cho nên cần sự rà soát, đánh giá nhất là vụ Trịnh Xuân Thanh hay các vụ liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ xảy ra tại Bộ Công thương để có biện pháp ngăn chặn. Mọi việc giờ đây có lẽ đã chín muồi rõ ràng rồi, đã lộ rõ đường dây chạy chức, chạy quyền, lỗ hổng của công tác cán bộ. Chúng ta cần làm rõ để có những biện pháp ngăn chặn thì mới tránh được hậu quả.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoài Vũ (thực hiện)