Hoàn thiện đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Minh Quang 07/08/2016 22:49

Bộ VHTT&DL vừa chính thức trình Văn phòng Chính phủ hồ sơ Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030”.

Hoàn thiện đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Hội chợ sách quốc tế tại Công viên Thống Nhất- Hà Nội.

Trong hồ sơ này, Bộ VHTT&DL cũng trình kèm theo bảng tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý cho Dự thảo của các Bộ, ngành có liên quan.

Trước đó dự thảo Đề án nói trên do Bộ VHTT&DL xây dựng, với dự kiến sẽ mất khoảng 230 tỉ đồng để phát triển văn hóa đọc và vực dậy thói quen đọc sách của người Việt. Chỉ tiêu chung của Đề án nhằm là nâng tỷ lệ người đọc thường xuyên từ 30% (hiện nay) lên 40% vào năm 2015 và 65% vào năm 2020; giảm tỷ lệ số người hoàn toàn không đọc từ 26% xuống còn 20% vào năm 2015 và 15% vào năm 2020. Bên cạnh đó là những chỉ tiêu cụ thể như đến năm 2020, 95% thư viện cấp tỉnh có trụ sở độc lập, trang thiết bị hiện đại và 50% số thư viện cấp huyện có điều kiện tương tự; 30% gia đình có tủ sách…

Đặc biệt, dự thảo hướng đến mục tiêu chung là hình thành thói quen đọc, để việc đọc trở thành nền nếp trong cuộc sống, học tập, lao động, sản xuất của người dân, mà trước hết là học sinh, sinh viên. Trong đó phấn đấu đến năm 2020, 70% các trường phổ thông các cấp, 100% các trường đại học đưa việc giáo dục kiến thức về sách, về thông tin, kỹ năng đọc, kỹ năng tìm thông tin, sử dụng thư viện trong học tập vào chương trình giảng dạy của nhà trường; 70% số học sinh, 80% số sinh viên trường có thói quen đọc và sử dụng thư viện phục vụ cho học tập, tìm hiểu, giải trí.

Tại hội thảo lần đầu tiên do Bộ VHTT&DL tổ chức để lấy ý kiến đóng góp hoàn hiện dự thảo (vào cuối tháng 7/2015), những mục tiêu được đưa ra của dự thảo đề án đã nhận được nhiều ý kiến góp ý. Đại đa số ý kiến cho rằng việc qui số lượng như trên sẽ không quan trọng bằng việc quan tâm tới chất lượng văn hóa đọc. Khi đó ông Vũ Công Hội- Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa thư viện (Bộ VHTT&DL) đã cho rằng: Cần phải cân nhắc lại một vài điều trong dự thảo. Chẳng hạn các tỉnh thành hầu như đều có thư viện cả, quan trọng là chất lượng của nó như thế nào thôi. Đội ngũ những người làm công tác thư viện ra sao?

Hay ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình sách hóa nông thôn lại cho rằng, Bộ GD&ĐT cần xây dựng lại tiêu chí thư viện, mở rộng hệ thống thư viện đến từng lớp học, học sinh phải được mượn sách mang về nhà, đưa tiết đọc sách vào chương trình học, gắn việc đọc sách của học sinh vào nhiệm vụ của hiệu trưởng và thầy cô giáo ở các cấp; Bộ VHTT&DL cần chuyển vùng hoạt động từ thành phố, huyện lỵ đến các nhà văn hóa cấp thôn xóm thay vì để sách “nằm ngủ” ở khu vực đô thị - nơi mà nhiều gia đình đủ năng lực để mua sách cho con cái họ đọc.

Những nội dung góp ý trên lại một lần nữa được để cập tại hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức về phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng (vào tháng 12-2015).

Một số đại biểu đề xuất cần rà soát và ban hành tiêu chuẩn thư viện trường học thay thế cho phù hợp nhằm đáp ứng điều kiện khác nhau ở các vùng miền. Nguồn nhân lực làm công tác thư viện trong các nhà trường cũng cần được quan tâm hơn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng chỉ ra rằng, những hạn chế của học sinh hiện nay là thiếu các kỹ năng giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn, thiếu kỹ năng sống và làm việc theo nhóm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế đó, trong đó có nguyên nhân là học sinh ít có thói quen thường xuyên đọc sách.

Việt Nam cũng chưa xây dựng thói quen đọc có hệ thống, hầu như chưa tiến hành giáo dục kỹ năng đọc có hệ thống từ bậc tiểu học lên đến bậc đại học. Các chương trình khuyến đọc trên phạm vi quốc gia chưa hình thành được như tổ chức tháng đọc quốc gia, tổ chức định kỳ các hội chợ sách trên qui mô quốc gia...

Như vậy việc Bộ VHTT&DL trình Văn phòng Chính phủ hồ sơ Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030” - trên cơ sở đã tiếp thu ý kiến đóng góp của những đơn vị liên quan; kèm theo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án; Bảng tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý cho Dự thảo của các Bộ, Ngành có liên quan; Bản sao chụp các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành nói trên đã thể hiện thể hiện quyết tâm sớm vực dậy thói quen đọc sách trong của người dân, tạo tiền đề để văn hóa đọc của người Việt phát triển.

Minh Quang