Chợ hóa chất đã thấy hậu quả

Lê Anh 08/08/2016 12:10

Vụ nổ can hóa chất tại cửa hàng kinh doanh hóa chất Minh Trường tại khu vực chợ Kim Biên - TP HCM vào ngày 6/8 vừa qua đã làm 5 người bị thương và gây hoảng loạn cho hàng chục hộ dân xung quanh là một bài học đắt giá mà chính quyền Q.5 cần phải lưu tâm trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh hóa chất tại chợ này.

Chợ hóa chất đã thấy hậu quả

Hiện trường nơi chiếc can đựng axit rơi xuống đường phát nổ gần chợ Kim Biên.

Từ nhiều năm qua, chợ hóa chất Kim Biên được người dân ví như ‘’chợ tử thần’’ đe dọa đến an toàn cháy nổ, cũng như an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm. Suốt thời gian qua, người dân khu vực phường 13, quận 5 đã nhiều lần đề nghị chính quyền quận và UBND thành phố phải có biện pháp di dời chợ này ra khỏi khu dân cư vì dễ xảy ra cháy nổ. Bên cạnh đó, đích thân Bí thư Thành ủy TP HCM - Đinh La Thăng khi làm việc với UBND Q.5 vào đầu năm nay đã chỉ đạo phải tổ chức việc di dời dứt điểm khu chợ ra xa dân cư, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được triển khai.

Báo Đại Đoàn Kết cũng từng có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng thiếu các điều kiện về an toàn cháy nổ tại khu vực chợ, cũng như các mối lo ngại về hóa chất độc hại được sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm có xuất xứ từ khu chợ này.

Trong đó, báo đã dẫn lời các chuyên gia cảnh báo thị trường phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc hiện nay được sản xuất, bày bán công khai tại nhiều địa phương, điển hình như các axit thực phẩm (dấm, axit, citric, axit malic,…) có tác dụng làm tăng hương vị cho thực phẩm; các chất chống vón giữ cho các chất bột không bị vón cục; các chất giữ ẩm không cho thực phẩm bị khô đi; các chất bảo quản ngăn hoặc kiềm chế sự thối lỏng của thực phẩm gây ra bởi các nấm mốc, vi khuẩn hay các vi sinh vật khác;…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, nếu sử dụng không đúng liều lượng, chủng loại, đặc biệt sử dụng các chất phụ gia bị cấm sẽ phát sinh những chất độc hại do phản ứng hóa học, gây nguy cơ bệnh lý nguy hiểm mà về lâu dài thường dẫn đến nguy cơ gây các khối u, ung thư, đột biến gien, quái thai, nhất là các chất phụ gia tổng hợp,…

Một số chuyên gia cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong bảo đảm an toàn cháy nổ và an toàn vệ sinh thực phẩm, chứ không phải là trách nhiệm của riêng ai.

Do đó, cần sự nỗ lực, quyết tâm cao từ cả xã hội. Bởi lẽ, nếu pháp luật nghiêm minh, những cơ quan chức năng thực thi đúng trách nhiệm của mình đối với các hành vi gây cháy nổ từ hóa chất, nhất là các cơ sở buôn bán kinh doanh, yêu cầu họ phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật thì chắc chắn sẽ kéo giảm được tình trạng vi phạm các quy định về phòng chống cháy nổ cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay.

Lẽ dĩ nhiên, TP HCM cần đi tiên phong trong việc thí điểm thành lập Ban Quản lý về an toàn cháy nổ trong kinh doanh hóa chất trên địa bàn, sau đó tổng kết nhân rộng ra các địa phương trên cả nước. Sở dĩ đề xuất mô hình này, bởi vì hiện nay còn tình trạng chồng chéo “nhiều Sở ngành, quận/huyện cùng quản lý một chiếc bánh” thì chắc chắn vấn đề thiếu an toàn cho người dân sẽ chưa được giải quyết rốt ráo.

Lê Anh