Chống tham nhũng, phải làm đến cùng
Tuần qua, ngay sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có các buổi tiếp xúc cử tri nhằm báo cáo kết quả kỳ họp. Có một điểm chung trong các cuộc tiếp xúc cử tri, đó là, cử tri bày tỏ vui mừng về kết quả của kỳ họp thứ nhất. Nhưng bên cạnh đó, cử tri cũng băn khoăn, lo lắng trước những bức xúc, những thách thức của xã hội, của đất nước đang đặt ra trong quá trình phát triển hiện nay. Trong đó, câu chuyện tham nhũng và chống giặc nội xâm đã được cử tri đề cập khá t
Ảnh minh họa.
Với cử tri Đặng Tài Tính (phường Cống Vị, Ba Đình) đó là đề nghị: “Tổng Bí thư cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Chính phủ liêm chính. Đó là mong muốn của toàn nhân dân.
Từ vụ ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cần làm rõ người chịu trách nhiệm? Đồng thời tiến hành rà soát tránh để xảy ra các trường hợp tương tự”. Và, với cử tri này, chống tham nhũng không phải chỉ để thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng mà còn thể hiện lời hứa với dân. Còn, cử tri Vũ Đức Thuận (phường Vĩnh Phúc, Ba Đình) thì, án tham nhũng không phải chỉ cần xử nghiêm minh mà còn cần thu hồi lại tài sản thất thoát về cho Nhà nước.
Ở tận miền Tây, vào cùng thời điểm, trong cuộc tiếp xúc cử tri của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và các ĐBQH, cử tri của Cần Thơ cũng bày tỏ sự lo lắng trước vấn nạn tham nhũng tràn lan trong cán bộ, đảng viên đang làm mất uy tín của Đảng, mất lòng tin trong nhân dân như vụ Phạm Công Danh tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh; vụ Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang…
Cũng như thế, trong cuộc tiếp xúc cử tri trước đó của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vấn đề tham nhũng, vấn đề những con “sâu mọt” trong hệ thống đã được cử tri đề cập và các ĐBQH cũng không né tránh.
Không có gì là lạ khi cử tri yêu cầu Đảng phải mạnh tay hơn nữa trong chống tham nhũng. Vì, Đảng lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước. Và, chẳng có gì là lạ khi cán bộ, đảng viên đòi hỏi, yêu cầu Đảng phải chống tham nhũng quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa.
Nhìn lại cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng ta khởi xướng trở lại kể từ ĐH Đảng lần thứ 11 đến nay, có thể thấy đã có những bước tiến đáng kể nhưng chưa thật sự có nhiều đột phá.
Sáng 6/8, khi chia sẻ băn khoăn, lo lắng của cử tri về tệ nạn tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư đã nhắc lại: Cuộc đấu tranh này là vô cùng phức tạp giữa phần tốt - xấu trong mỗi con người, liên quan đến cả lợi ích, danh dự cá nhân. Cuộc đấu tranh càng phức tạp khi lợi ích hiện giờ đang rất dai dẳng, chằng chịt. Dù rằng, với Đảng, đây luôn là nhiệm vụ trọng tâm.
Bản thân Tổng Bí thư, ngay tại cuộc tiếp xúc cử tri này, đã cho rằng, chúng ta đã xử được nhiều vụ lớn như vụ Dương Chí Dũng, “bầu” Kiên, Huyền Như. Nhưng, vụ Phạm Công Danh đang xử cũng chỉ là 1 trong 8 đại án, mới ở giai đoạn sơ thẩm mà phiên xử đã dự kiến kéo dài cả tháng. “Điều đó đủ thấy cuộc đấu tranh với tham nhũng phức tạp thế nào. Mới nhất, vụ việc được quan tâm, hoan nghênh như vụ Trịnh Xuân Thanh, cũng chỉ là một ví dụ nhưng cũng đủ thấy sự phức tạp lắm rồi. Chúng ta phải có bước đi vững chắc, thận trọng, làm sao để giữ được ổn định, để phát triển kinh tế, vì vụ việc này còn mở ra nhiều “ông”, nhiều đầu mối khác” - Tổng Bí thư nói.
Cũng cần nói thêm, trong lĩnh vực chống tham nhũng, lãng phí, chúng ta đã xây dựng Luật. Từ nền tảng này, QH đã đề ra chương trình giám sát và “QH sẽ mạnh tay hơn với tham nhũng tạo lập niềm tin cho bà con”. Còn Chính phủ thì đang nỗ lực xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động và kiến tạo. Như vậy, là từ Đảng, Quốc hội đến Chính phủ đều quyết tâm tuyên chiến với tham nhũng.
Riêng với lãng phí, chỉ riêng chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều công trình chưa hợp lý, tới đây QH sẽ xem xét điều chỉnh theo hướng nâng cao chất lượng để phát huy hiệu qủa cơ sở vật chất được đầu tư, chăm lo an sinh xã hội.
Trở lại với cuộc chiến chống tham nhũng gay go, phức tạp hiện nay, có thể thấy, một khi có quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí từ Đảng, từ các cơ quan Nhà nước cao nhất cũng là lúc Đảng nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ, động viên lớn nhất từ cử tri và nhân dân. Bản thân Tổng Bí thư – người đứng đầu Đảng cũng đã khẳng định, từ sau Đại hội đến nay, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. “Trước đây cứ nói là Tổng Bí thư kiên quyết chống tham nhũng, bây giờ phải là cả hệ thống, cả bộ máy, tập thể, toàn dân.
Vừa rồi công khai trên báo chí có tác dụng răn đe rất tốt. Đây là mặt trận nóng bỏng, còn gian nan, phải rất kiên trì, kiên quyết chứ không thời gian sau, giải quyết được cái này lại đẻ ra cái khác” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại cuộc tiếp xúc cử tri. Đưa ra những dẫn chứng kể trên để thấy, chống tham nhũng, lãng phí là một cuộc chiến tuy cam go, vất vả, phức tạp nhưng đã nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía. Đây sẽ là một tín hiệu tốt, có thể sẽ có tác dụng khiến những kẻ đang có ý định tham nhũng phải chùn bước. Vì vậy, cuộc chiến tham nhũng không phải là đánh trống nhát một, mà phải là đánh trống liên hồi và “phải làm đến cùng”.
Nhưng, cũng từ chính câu chuyện đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí hiện nay rõ ràng đang đặt ra một yêu cầu trong lựa chọn cán bộ của Đảng. Vì, đường lối dù có hay đến mấy, chủ trương có đúng bao nhiêu nhưng cán bộ mà kém thì chủ trương, đường lối ấy sẽ khó thành hiện thực. Ấy là chưa nói đến việc đề bạt, bổ nhiệm có nhuốm màu lợi ích nhóm như vụ Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ rất điển hình trong thời điểm hiện nay. Chính sự dai dẳng, chằng chịt của lợi ích nhóm đã góp phần dẫn đến những cú rút ruột ngân sách lên đến vài ngàn tỉ đồng tại PVC hay Ngân hàng Xây dựng.
Điều quan trọng hơn cả trong giai đoạn chống tham nhũng lãng phí hiện nay không phải là chỉ làm một hay hai vụ có tính chất vụ án điểm mà Đảng đã xác định đây chỉ là bước đầu, sẽ còn làm tiếp, làm đến cùng để làm sao đạt mục tiêu không dám tham nhũng. Nếu đạt được những kết quả bền chắc trong cuộc chiến chống tham nhũng lãng phí, chắc chắn niềm tin trong dân sẽ tăng lên.