Huy chương của người Việt
Xuất sắc đạt thành tích ở vòng loại, VĐV Hoàng Xuân Vinh đã trở thành xạ thủ đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử chiến thắng ở chung kết tại một kỳ Thế vận hội. Càng ấn tượng hơn khi Xuân Vinh liên tục góp mặt trong top 3 và thường xuyên đứng ở vị trí dẫn đầu. Báo chí nước ngoài ca ngợi Hoàng Xuân Vinh là huyền thoại của thể thao Việt Nam, khi phá kỷ lục Olympic Rio ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại Olympic 2016.
“Huy chương vàng này cho tất cả người Việt”- Hoàng Xuân Vinh đã nói như thế trong giây phút bước lên bục vinh quang, rưng rưng đặt tay lên ngực hát Quốc ca và chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay tại một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Và với người Việt Nam, VĐV- Đại tá này là niềm tự hào, đã giải tỏa cơn “khát vàng” tại Olympic của thể thao Việt Nam trong suốt những năm qua.
Trong lịch sử tham dự Olympic, thể thao Việt Nam (TTVN) mới chỉ đoạt được 2 HCB của Trần Hiếu Ngân năm 2000, Hoàng Anh Tuấn năm 2008.
Để chuẩn bị cho việc tham dự Olympic 2016, ngành thể thao đã bỏ ra khoản kinh phí lên tới 40 tỉ đồng để tập huấn cho các VĐV. Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh cho biết, từ sau SEA Games 2011 rồi Olympic 2012, ngành thể thao Việt Nam đã tập trung mũi nhọn vào các môn Olympic. Đó là định hướng đúng đắn, phù hợp và giúp các môn Olympic của Việt Nam ngày càng tốt hơn. Ông Hồng Minh đánh giá, nếu được đầu tư tiếp tục nhiều năm nữa thì trong một vài kỳ Olympic, VĐV Việt Nam tự tin giành được huy chương chứ không chỉ nỗ lực phấn đấu, kỳ vọng...
Và kỳ vọng đã trở thành sự thật- cho dù đến thời điểm hiện tại chúng ta mới có duy nhất một tấm HCV. Tham dự Olympic Rio 2016, đa số các VĐ đều trẻ tuổi. Như chàng trai được trao nhiệm vụ cầm cờ cho đoàn Việt Nam tại lễ khai mạc là Vũ Thành An (đấu kiếm) năm nay mới bước vào tuổi 24. Thạch Kim Tuấn (cử tạ) đang ở tuổi 22 nhưng đủ năng lực là người mạnh nhất nhì hạng 56kg thế giới, đồng thời là niềm hi vọng huy chương số 1 của thể thao Việt Nam; Vương Thị Huyền cũng mới tròn 24 tuổi.
Rồi Phan Thị Hà Thanh (TDDC) và cô gái được mệnh danh “nữ hoàng thể dục” của Việt Nam, hay Nguyễn Thị Ánh Viên mới bước sang tuổi 20 đã quen mặt với nhiều người và số HCV cô đạt được có thể xếp đầy một ngăn tủ. Trẻ như Ánh Viên ở đoàn Việt Nam dự Olympic 2016 có Đỗ Thị Anh (đấu kiếm, cùng sinh năm 1996)... Họ chính là tương lai của thể thao Việt Nam trong nhiều năm tới đây, không chỉ mỗi Olympic 2016. Có thể khẳng định rằng TTVN đầu tư trọng điểm vào những môn Olympic và đặt hi vọng vào người trẻ là hoàn toàn có cơ sở. Đây cũng là xu hướng của thể thao nước nhà những năm tới.
Riêng với bắn súng, đặc thù khác những môn thể thao khác là VĐV càng nhiều tuổi càng tích lũy nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu dày dặn nên càng lợi thế trong thi đấu. Trường hợp VĐV Xuân Vinh tại Olympic Rio đã khẳng định và chứng minh được điều ấy.
Các môn trọng điểm của Việt Nam như cử tạ, bắn súng, bơi... đã được đầu tư không tiếc vì mục tiêu giành huy chương vinh danh thể thao Việt Nam. Nói như ông Nguyễn Hồng Minh, việc giành được huy chương Olympic là cả quá trình. Chúng ta không quá lạc quan để rồi tin vào ảo tưởng sẽ giành được điều gì đó. Thế nhưng, trong một số nội dung cụ thể ở một số môn cụ thể, xét tương quan lực lượng, thể thao chúng ta có triển vọng tại Olympic 2016.