Cuộc 'tái hôn' giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

Khánh Duy 09/08/2016 09:05

Chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tới Nga trong ngày hôm nay (9/8) là một phần trong nỗ lưc “phá băng” mối quan hệ giữa hai nước, trong bối cảnh Ankara đang tỏ ra hết sức bất mãn với các đồng minh Mỹ và châu Âu kể từ sau kế hoạch đảo chính bất thành ở nước này.

Cuộc 'tái hôn' giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

Cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Nga-Thổ đánh dấu một bước tiến
trong hàn gắn mối quan hệ nguội lạnh suốt 7 tháng qua. (Nguồn: Reuters).

Sau cuộc đảo chính

Lịch trình chuyến thăm đến St. Petersburg của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ gồm cả cuộc nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và là sẽ chuyến công du chính thức đầu tiên của ông Erdogan kể từ sau cuộc đảo chính diễn ra ngày 15/7 vừa qua - sự kiện khiến 270 người thiệt mạng và bùng nổ một cuộc thanh trừng khốc liệt.

Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, từng mô tả lẫn nhau là các đối tác chiến lược, đều bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ đóng băng suốt 7 tháng qua, sau khi máy bay Nga bị phía Thổ bắn hạ hồi năm ngoái: Lệnh cấm của Nga đối với ngành du lịch và cấm nhập khẩu hàng nông sản Thổ Nhĩ Kỳ đã gây cho nước này tổn thất lớn ngược lại Moscow cũng phải trả giá khi dự án xây dựng đường ống dẫn đầu của họ chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ bị gián đoạn.

Bởi vậy mà cả ông Erdogan cũng như Putin đều mong muốn khép lại vết thương này và vực dậy mối quan hệ kinh tế-thương mại, một tiến trình đã bắt đầu từ tháng Sáu vừa qua sau khi Ankara đưa ra lời xin lỗi chính thức vì đã bắn hạ máy bay Nga.

“Đây sẽ là một chuyến thăm lịch sử, một khởi đầu mới. Trong cuộc nói chuyện với bạn tôi, Vladimir, tôi tin rằng một trang mới trong mối quan hệ của chúng tôi sẽ mở ra. Cả hai đất nước đều có rất nhiều thứ để cùng hợp tác” - ông Erdogan nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Tass của Nga.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy giữa hai nước vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt.

Việc máy bay ném bom của Nga bị bắn hạ hồi tháng 11/2015, mà ông Putin mô tả là hành động “đâm lén vào lưng”, diễn ra trong lúc tranh cãi về tình hình nội chiến Syria tăng nhiệt do Moscow và Ankara ủng hộ các phe phái khác nhau trong cuộc xung đột này. Đến nay, chưa có bên nào chịu từ bỏ quan điểm của mình về Syria, và vấn đề này sẽ còn tiếp diễn.

Chuyến thăm cũng diễn ra trong bối cảnh các đồng minh truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ đang lên án cuộc thanh trừng mà ông Erdogan triển khai hậu đảo chính mà đến nay đã có 18.000 người bị bắt giữ và hàng chục nghìn người bị đình chỉ hoặc sa thải khỏi vị trí của mình do có liên quan tới giáo sỹ Fethullah Gulen - người mà Ankara cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính.

Trong khi Ankara ra sức cáo buộc ông Gulen - đang ở bang Pennsylvania của Mỹ - và yêu cầu Mỹ dẫn độ người này về nước, thì Washington lại yêu cầu phải đưa ra bằng chứng cho việc ông này có liên quan tới đảo chính. Chính việc này đã tạo ra bầu không khí lạnh nhạt giữa Mỹ và Thổ, trong đó nhiều quan chức ở Ankara còn đồ rằng Washington đứng đằng sau cuộc đảo chính.

Không chỉ dừng lại đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án các đồng minh ở châu Âu vì đã cảnh báo Thổ về quy mô của cuộc thanh trừng mở rộng mà họ đang triển khai. Ankara phàn nàn rằng phương Tây không những không ủng hộ chính phủ dân cử của họ sau khi sống sót qua cuộc đảo chính, mà còn gây khó dễ. Nhiều quan chức của nước này công khai khẩu chiến với một số nước như Đức, Áo và Italy, thậm chí là cả Liên minh châu Âu (EU).

Tín hiệu từ Nga

Ngược lại, Điện Kremlin lại nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Tổng thống Erdogan ngay sau sự kiện đảo chính và, không giống như EU, không tỏ ý quan ngại về cuộc thanh trừng mở rộng ở Thổ Nhĩ Kỳ - một động thái cho thấy Tổng thống Putin muốn hàn gắn quan hệ với nước này.

Tình hình giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh truyền thống còn căng thẳng tới mức mới đây Ankara đã dọa rằng thỏa thuận kiểm soát dòng người di cư giữa họ và EU có thể bị đổ bể trừ khi EU nhanh chóng thực hiện một phần của thỏa thuận - đó là cho phép công dân của họ di chuyển tự do mà không cần thị thực.

Nhưng dù vậy, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng thừa hiểu rằng chỉ mình nước Nga không thể thay thế hoàn toàn các lợi ích mà họ đạt được khi hợp tác với phương Tây. Hiện nay, ¾ lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nước này đến từ châu Âu, trong khi hợp tác kinh tế với Nga lại chỉ tập trung chủ yếu vào dầu khí, nông nghiệp, xây dựng và sản xuất công nghệ thấp.

Cố vấn ngoại giao của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov, hồi cuối tuần trước nói rằng, các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo hai nước sẽ bao gồm cả việc nối lại các dự án quan trọng như dự án xây đường ống dẫn dầu khí và hợp đồng của Nga trong việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Ushakov, dù có khả năng hai bên sẽ không ký kết thêm thỏa thuận nào, nhưng tầm quan trọng của các cuộc nói chuyện này là rất lớn.

Bộ Thông tin và Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ trong hôm 8/8 đã gỡ lệnh cấm đối với hãng thông tấn RT của Nga. Một đại diện của hãng RT cho hay, bắt đầu từ sáng đầu tuần, trang chủ của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn bị chặn nữa. Được biết, chi nhánh của RT ở Thổ Nhĩ Kỳ chính thức bị chặn vào ngày 14/4 vừa qua.

Khánh Duy