Số hóa kho tài liệu lưu trữ trước năm 1975 tại Huế

Hạ Huyền 09/08/2016 10:10

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Chỉnh lý, số hóa và tu bổ, phục chế tài liệu lưu trữ lịch sử trước năm 1975 tại Kho lưu trữ lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế”.

Số hóa kho tài liệu lưu trữ trước năm 1975 tại Huế

Châu bản triều Nguyễn- tư liệu đã được số hóa.

Theo chủ trương này, dự án sẽ thực hiện sắp xếp, chỉnh lý tổng số 25,5 mét giá tài liệu lưu trữ tại Kho Lưu trữ lịch sử tỉnh; số hóa 1.545.000 tờ tài liệu lưu trữ đang bảo quản tại Kho Lưu trữ lịch sử tỉnh; tiến hành tu bổ, phục chế 132.300 tờ tài liệu đã xuống cấp tại Kho Lưu trữ lịch sử tỉnh. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn sáu tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thực hiện từ năm 2016 - 2020.

Mục tiêu của dự án nhằm tổ chức phân loại khoa học, xác định giá trị, lựa chọn, bảo quản an toàn tài liệu; tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; xây dựng cơ sở dữ liệu lưu trữ phục vụ cho việc quản lý, khai thác thông tin tại Kho Lưu trữ lịch sử tỉnh; giúp cho việc quản lý, cung cấp, tổng hợp các thông tin phục vụ cho yêu cầu các cơ quan, tổ chức và nhân dân có nhu cầu cung cấp thông tin của các hồ sơ gốc đang lưu giữ tại kho lưu trữ lịch sử tỉnh.

Trước đó, trong năm 2015 tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM sưu tầm, số hóa được gần 40.200 trang tài liệu Hán-Nôm. Đây là kết quả của đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Sưu tầm, tuyển dịch, số hóa tài liệu Hán-Nôm ở một số làng, xã và tư gia tại Thừa Thiên-Huế”, thực hiện trong 2 năm 2014-2015. Từ đề tài này, những tài liệu đã được sưu tầm, số hóa bao gồm các thể loại Sắc phong, chế, chiếu, dụ (498 tên tài liệu, với 498 trang); gia phả (264 tên tài liệu, với 9.240 trang); đại bạ (38 tên tài liệu, với 7.600 trang); văn tế (50 tên tài liệu, với 5.500 trang); bằng cấp (201 tên tài liệu, với 201 trang); thể loại khác (298 tên tài liệu, với 6.961 trang). Số tài liệu này được ghi trên các chất liệu gồm giấy dó, giấy đặc biệt-giấy sắc vàng-giấy long đằng, vải (lụa) 5 màu, và trên chất liệu đồng.

Trong số các loại văn bản Hán-Nôm trên còn có các loại chiếu chỉ, sách thuốc quý hiếm của Ngự y; sách học của giám sinh trường Quốc Tử Giám, bài thi Hương và các loại văn bản, khế ước mua bán đất đai... được sao chụp trực tiếp từ các văn bản gốc lưu trữ tại các dòng họ, các làng có niên đại từ thời Cảnh Hưng, Cảnh Thịnh đời Lê, thời Tây Sơn và thời Nguyễn.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế dự án số hóa và tu bổ, phục chế tài liệu lưu trữ lịch sử trước năm 1975 lần này sẽ góp phần giảm thiểu sự xuống cấp của tài liệu gốc do phải lưu thông thường xuyên trong quá trình khai thác, sử dụng và các tác động của điều kiện tự nhiên; tiến tới việc chuyển phương thức hoạt động của lưu trữ truyền thống sang lưu trữ hiện đại.

Hạ Huyền