Làm sai thiết kế, ép dân đóng tiền
Mặc dù đã họp dân thông qua Dự án làm đường nội thôn có bản thiết kế, dự toán và được người dân đồng tình ủng hộ thế nhưng trong khi thực hiện, Ban tự quản (BTQ) thôn 18 (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) lại cố tình “vẽ rắn thêm chân”, làm sai thiết kế khiến cho mức kinh phí tăng vọt cả trăm triệu đồng so với dự toán ban đầu. Để bù chi phí phát sinh, các thành viên trong BTQ đã bắt người dân phải đóng thêm tiền.
Trước những yêu cầu vô lý của thôn và xã, nhiều hộ dân đã viết đơn khiếu nại. Vậy nhưng đã 2 năm nay mọi việc vẫn không có cơ quan chức năng nào giải quyết.
Người dân phản ánh con đường làm nhỏ hơn nhưng tiền phải đóng nhiều hơn.
Vẽ rắn thêm chân
Với mong muốn có được con đường thông thoáng rải đá dăm phục vụ đi lại sản xuất cho người dân, BTQ thôn 18 đã họp dân đề đạt kế hoạch góp vốn làm đường dân sinh. Sau khi được người dân thống nhất, vào tháng 6/2014 Dự án làm đường được BTQ thôn 18 triển khai. Con đường theo thiết kế có chiều rộng mặt đường từ 5 đến 7m, rải đá 1x2 và đá mạt độ dày từ 0,6-0,7cm với chiều rộng mặt đường được rải đá từ 3 đến 3,5 m. Tổng chiều dài toàn tuyến chạy quanh thôn là 6.200m. Kinh phí 100% do người dân trong thôn đóng góp, trong đó mỗi hộ phải đóng là 3,6 triệu đồng và phải đóng trước lúc thi công 1/2 số tiền, phần còn lại sẽ đóng khi con đường hoàn thành. Thời điểm này thì toàn thôn có 167 hộ và ai cũng đồng tình với phương án mà BTQ thôn đã đưa ra, cùng với đó họ tích cực đóng 1/2 số tiền như thỏa thuận, thậm chí có hộ còn đóng luôn cả 2 triệu cho BTQ thôn. Thế nhưng, đến tháng 12-2014, khi con đường hoàn thành, BTQ thôn thông báo là đã làm thêm 2.000m đường, do đó tổng số tiền toàn Dự án là 933, 037 triệu đồng. Đồng thời, BTQ thôn yêu cầu mỗi hộ phải đóng bình quân là 4,3 triệu đồng. Đối với những hộ có 2 lô đất thổ cư đóng thêm 2,15 triệu đồng; hộ có 3 lô thổ cư thì đóng thêm 3,2 triệu đồng. Nhiều hộ có 3 lô rẫy tổng số tiền phải đóng lên tới 7,5 triệu đồng.
Trước thông báo của BTQ thôn, nhiều người dân đã thắc mắc và đặt câu hỏi là tại sao dự toán đã đưa ra và được dân thống nhất lại không làm cho đúng mà lại tự ý làm thêm 2.000m rồi bắt dân đóng tiền, thế nhưng phía BTQ không có câu trả lời thỏa đáng. Ông Nguyễn Tất Toàn bức xúc: Lúc đầu theo thống nhất của BTQ thôn, mỗi hộ đóng 3,6 triệu đồng và làm tổng đoạn đường cần làm là 6,2 km, khi họp xong, gia đình tôi đã đóng 2 triệu. Vậy nhưng khi làm xong đường, họ (BTQ thôn) nói do gia đình tôi có thêm 2 vườn cây nên bắt gia đình tôi phải đóng 6,3 triệu đồng. Tôi không đồng ý với cách làm việc thiếu minh bạch của BTQ thôn, bởi khi phát sinh 2km đường họ không họp dân lấy ý kiến mà làm theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”. Ông Hồ Minh Sợi là gia đình chính sách được BTQ thôn miễn giảm 1 triệu đồng, nhưng theo ông Sợi thì việc làm của BTQ thôn có nhiều điểm không hợp lòng dân.
Ép dân đóng tiền
Sau khi làm sai, thay vì nhận lỗi với người dân thì BTQ thôn 18 lại có những việc làm trái quy định như không ký giấy xác nhận vay ngân hàng cho những hộ chưa đóng tiền làm đường. Thậm chí nhiều hộ dù phản đối quyết liệt nhưng do con cái cần có chữ ký của thôn trưởng và dấu xác nhận của xã vào hồ sơ để đi học, đi làm cho kịp thời gian đành phải ngậm ngùi đóng tiền cho BTQ thôn mới được giải quyết.
Ông Phạm Việt Hà 72 tuổi, người hưởng chế độ chất độc da cam như thương binh mất sức lao động 85% bức xúc: “Tôi là gia đình chính sách, năm 2013 tôi đi khám phát hiện bị ung thư phổi, để có tiền xạ trị và chữa bệnh tôi đã bàn gia đình vay tín chấp của Ngân hàng Xã hội huyện 30 triệu đồng. Khi đó họ ký xác nhận không có gì phải áy náy, không gây khó dễ. Vậy mà khi họ tiến hành làm đường thấy có dấu hiệu làm trái quy định, tôi đã có ý kiến thì họ trù dập ép tôi phải đóng đủ tiền mới ký xác nhận hồ sơ cho vay vốn. Tôi đã gửi đơn khắp nơi nhưng đến nay chẳng ai chịu giải quyết”.
Trao đổi với chúng tôi ông Lê Thế Độ-Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn 18 thừa nhận là do ông Hà chưa hoàn thành nghĩa vụ công dân trong việc đóng tiền làm đường nên trưởng thôn không ký xác nhận cho hồ sơ vay vốn ngân hàng. Ông Độ thừa nhận khi phát sinh 2km, BTQ thôn không tổ chức họp dân; quá trình nghiệm thu không mời người dân tham gia, không giải tỏa đúng như phương án người dân đã thống nhất.
Với những chiêu thức như hộ nào không chịu đóng tiền thì thôn sẽ không ký xác nhận hồ sơ, giấy tờ và xã sẽ không ký, đóng dấu, BTQ thôn 18 đã ép 111 hộ phải đóng đủ 600 triệu đồng; còn 14 hộ không chịu đóng và 42 hộ mới đóng được một phần nhưng thấy BTQ thôn làm bậy nên tố cáo đòi công bằng rồi mới đóng.
Ông Nguyễn Văn Dũng-Chủ tịch UBND xã Ea Ktur cho biết, sau khi xem xét Dự án và kinh phí do thôn trình lên, chúng tôi đã đồng ý nhất trí cho thôn 18 triển khai thực hiện. Và việc phát sinh thêm 2km đường là phù hợp vì ở đâu có dân thì ở đó phải có đường. Ông Dũng lý giải việc con đường đội vốn lên là do BTQ thôn 18 thuê máy gạt làm theo ca và tính theo giờ chứ không theo kế hoạch đã thống nhất với nhân dân. Để giúp thôn 18 làm đường, ông Dũng cũng đã vận động Công ty cà phê ủng hộ 50 triệu đồng và hỗ trợ 70 triệu đồng từ tiền của xã. Cùng với đó, ông Dũng cũng cho rằng, xã không ép người dân phải nộp tiền đường mới giải quyết việc ký, đóng dấu các thủ tục giấy tờ. Riêng đối với trường hợp ông Hà thì do ông chưa chuyển chế độ về xã nên xã không ký xác nhận là đúng.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng huyện Cư Kuin và tỉnh Đắk Lắk cần sớm vào cuộc làm rõ những khuất tất trong việc ép người dân đóng tiền trái quy định.