Đề kháng với quà biếu tặng
Lắng nghe dư luận, chính quyền tỉnh Ninh Bình vừa từ chối quà tặng 3 chiếc xe ô tô sang của một doanh nghiệp. Sự việc này có tính thời sự đầy ý nghĩa trước yêu cầu xây dựng chính quyền liêm chính và minh bạch. Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hoạt động kinh doanh, nhưng cũng đồng thời phải bảo đảm khả năng đề kháng trước những tác động, ảnh hưởng thiếu chính đáng trong quá trình thực thi chính sách.
Tháng 3/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Hoa Lư (tại huyện Nho Quan, Ninh Bình) đã ký một hợp đồng biếu tặng với UBND tỉnh Ninh Bình. Nội dung là doanh nghiệp này tặng UBND tỉnh nơi họ hoạt động 3 ô tô sang trọng trị giá 6,6 tỷ đồng với danh nghĩa được nêu ra là để giúp tỉnh phòng chống lụt bão. Tiếp sau vụ biếu tặng nói trên, ngày 6/7, UBND tỉnh Ninh Bình có công văn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký gửi Bộ Tài chính yêu cầu xác lập quyền sở hữu nhà nước cho 3 ô tô mà tỉnh này vừa được doanh nghiệp tặng với mục đích để phục vụ cho phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn. Ba chiếc ô tô được biếu tặng đều là xe hạng sang của Toyota, sản xuất năm 2015 nhập khẩu nguyên chiếc và chưa qua sử dụng.
Nhìn vào các xe tặng phẩm này, khó có ai có thể tin các xe trên chỉ để chuyên dùng trong tình huống thiên tai cứu hộ cứu nạn mà không sử dụng vào mục đích nào khác. Tiếp theo, căn cứ vào hai thời điểm nêu ra ở trên – tháng 3 và tháng 7/2016 , có thể thấy việc biếu tặng đã hoàn tất, bên được tặng đã nhận những chiếc xe này. Tỉnh chỉ làm công việc hợp thức hóa xin xác lập sở hữu nhà nước đối với các xe ấy. Vấn đề là, đã có dư luận trái chiều về việc tặng và nhận xe nên, theo lời Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, sau khi văn bản gửi Bộ Tài chính yêu cầu xác nhận sở hữu nhà nước được báo chí đưa tin, thấy có nhiều dư luận, Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định từ chối nhận số xe của doanh nghiệp nói trên. Đồng thời, tỉnh Ninh Bình có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị hủy bỏ văn bản yêu cầu xác nhận sở hữu nhà nước (cấp biển xanh) trước đó.
Vụ việc này đã được công khai với mục đích tích cực, lành mạnh nhưng có thể coi là một bài học về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền. Một bên trong mối quan hệ được luật định- là chủ thể được tạo môi trường thông thoáng và bình đẳng để sản xuất, kinh doanh và một bên là chủ thể quản lý với các cam kết kiến tạo để doanh nghiệp phát triển. Dù hiểu thế nào thì thực tế chính quyền vẫn là chủ thể trong hoạch định và thực thi các chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì thế cần làm sao để mối quan hệ này luôn được trong sáng và đúng quy định của pháp luật. Chính quyền sở tại có nghĩa vụ thực hiện đúng và kịp thời những quy định, tạo môi trường đầu tư kinh doanh để doanh nghiệp phát triển, đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của doanh nghiệp, không được làm những điều trái quy định, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Tuy vậy, trên thực tế ở nơi này nơi kia, người dân không ai xa lạ trước hiện tượng “du di” cho doanh nghiệp dẫn đến những tác hại không nhỏ về môi trường, về nghĩa vụ thuế, về tiến độ và nhất là về chất lượng công trình. Cũng có nơi có lúc, sự quan hệ quá mức thân thiết của chính quyền với doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia cũng mang đến nhiều hệ lụy. Hệ lụy đó không chỉ là những “ưu ái” vượt ngưỡng, là những quyết định “xé rào” cho những doanh nghiệp thân quen- mà dư luận từ lâu đã gọi tên bằng “doanh nghiệp sân sau”, mà đã tạo ra sự méo mó trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; thiếu công bằng, bình đẳng trong môi trường đầu tư, kinh doanh, mầm mống cho những tiêu cực nảy sinh.
Cũng trên thực tế, không ít nơi doanh nghiệp để tránh bị làm khó, hoặc tạo quan hệ duy tình, đã sớm sử dụng phương thức “biếu tặng”, từ đó gây ra một thông lệ thiếu lành mạnh cho môi trường đầu tư, kinh doanh. Bởi vậy, việc doanh nghiệp biếu tặng chính quyền 3 chiếc xe sang nói trên, đã lập tức trở thành câu chuyện được dư luận quan tâm và băn khoăn. Rất may là UBND tỉnh Ninh Bình đã lắng nghe và từ chối nhận biếu tặng để xua tan sự hoài nghi trong xã hội. Ở một góc nhìn khác, cùng với hoạt động đầu tư kinh doanh sinh lợi, các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm xã hội. Đó chính là sự “biếu tặng” chính đáng, minh bạch vì lợi ích của cộng đồng, như quan tâm hỗ trợ các chương trình với người có công, với chương trình xóa nghèo hoặc xây dựng giáo dục, y tế, giao thông nông thôn, cải thiện môi trường…với tấm lòng chia sẻ một phần lợi nhuận hỗ trợ chính quyền, đoàn thể trong những lĩnh vực vừa nêu.
Chính quyền có trách nhiệm thực hiện đúng chức năng và trách nhiệm, đảm bảo thông thoáng môi trường đầu tư, doanh nghiệp làm tốt nghĩa vụ luật định và nghĩa vụ xã hội. Trên thực tế của nền kinh tế thị trường, các chủ thể hoạch định và thực thi chính sách luôn bị thử thách thức trước những ảnh hưởng, tác động bởi lợi ích nhóm xen vào. Thường thì chỉ khi những công trình, dự án, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thua lỗ, bộc lộ sự yếu kém thậm chí sự cố, hậu quả nặng nề, khi các kết luận được công khai thì dư luận mới bàng hoàng nhận ra cả những bất cập từ cơ chế, chính sách; từ những mối quan hệ thân tình dẫn đến lỏng lẻo trong quản lý, giám sát, dễ dãi trong quyết định, thậm chí cả việc lợi dụng lách luật.
Câu chuyện chính quyền tỉnh Ninh Bình từ chối quà biếu tặng 3 chiếc ô tô con sang trị giá nhiều tỷ đồng, có ý nghĩa thời sự trong việc bảo đảm tính liêm chính, minh bạch của các cơ quan công quyền khi thực thi các chính sách liên quan đến doanh nghiệp.