Đông Bắc Á tăng nhiệt trở lại

Khánh Duy 10/08/2016 07:18

Trong lúc đang xung đột về mặt ngoại giao với Mỹ và Hàn Quốc xung quanh vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa mới, Trung Quốc cùng lúc tăng cường sức ép đối với Nhật Bản trong tranh chấp biển đảo. Dường như Bắc Kinh đang đưa ra tín hiệu rằng họ vẫn giữ quan điểm cứng rắn trên hai mặt trận khu vực quan trọng.

Đông Bắc Á tăng nhiệt trở lại

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguồn gốc tranh chấp lãnh hải căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc. (Nguồn: JapanTimes).

Giới phân tích ở Trung Quốc cho rằng có rất ít cơ hội để tình hình căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á giảm bớt, nói rằng một Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ đang chứng tỏ rằng họ vẫn định hình được chiến trường bất chấp các mối đe dọa mới.

“Qua hành động này, Trung Quốc đang nói với thế giới rằng họ có khả năng chiến thắng các cuộc xung đột trong khu vực” – Ni Lexiong, một chuyên gia hàng hải thuộc Đại học Khoa học Luật và Chính trị Thượng Hải, nói với Reuters.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết khu vực Biển Đông, và tuyên bố chủ quyền lịch sử của họ mới đây đã bị tòa án trọng tài quốc tế tại The Hague (Hà Lan) bác bỏ, trong một vụ kiện mà Philippines đệ trình.

Tuy nhiên, tình hình trong khu vực tiếp tục trở nên căng thẳng hơn sau phán quyết, khi hồi cuối tuần qua một hạm đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống đoàn tàu cá hùng hậu tiến sát tới các hòn đảo mà Nhật Bản quản lý trên biển Hoa Đông. Sự việc khiến Nhật Bản đưa ra lời cảnh báo trong hôm 9/8 rằng mối quan hệ giữa hai nước đang “suy giảm đáng kể”.

Tokyo cũng tỏ ý lo ngại về khả năng Trung Quốc sẽ kiểm soát Biển Đông, tuyến đường vận chuyển dầu khí nhập khẩu quan trọng của họ, đe dọa tới an ninh quốc gia và giúp Bắc Kinh tiến gần hơn một bước tới việc mở rộng tầm ảnh hưởng ở Tây Thái Bình Dương.

Kevin Maher, một nhà tư vấn an ninh và từng là người đứng đầu Văn phòng phụ trách ngoại giao với Nhật Bản thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay hàng động của Trung Quốc vừa qua có thể cho thấy họ đang cố gắng cảnh báo Nhật Bản không can thiệp vào vấn đề Biển Đông sau khi Tokyo ủng hộ mạnh mẽ phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế hồi tháng trước.

“Trung Quốc muốn xem xem họ có thể thúc đẩy tình thế này được bao xa cho đến khi bị đẩy ngược lại” – Hãng tin Reuters dẫn lời ông Maher nói – “Mục đích cuối cùng của họ là làm bá chủ Biển Đông và biển Hoa Đông”.

Cùng lúc, Nhà Xanh của Hàn Quốc cũng lên án Trung Quốc vì đã chỉ trích quyết định của chính quyền Seoul trong việc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại do Mỹ sản xuất; đồng thời thúc giục Bắc Kinh thay vì phản đối nên chung tay hợp tác để đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên.

Trong khi Trung Quốc gần đây đã tích cực lên án các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, nhưng họ cũng phản đối luôn cả quyết định của Hàn Quốc trong việc lắp đặt hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hợp tác với quân đội Mỹ.

Bắc Kinh coi hệ thống THAAD – có khả năng vô hiệu hóa các tên lửa của Trung Quốc – là một phần trong chiến lược “vây hãm” của Washington trong bối cảnh hai cường quốc đang bất đồng xung quanh việc Trung Quốc quân sự hóa các hòn đảo và bãi cạn trên khu vực Biển Đông.

Các bức ảnh chụp từ vệ tinh mới đây nhất cho thấy Trung Quốc dường như đã xây dựng được một xưởng chứa máy bay để phục vụ các phi cơ chiến đấu của họ trên các hòn đảo nhân tạo mà họ đang xây dựng trên các bãi đá ở Biển Đông; theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Vị trí lắp đặt hệ thống THAAD đã được công bố chỉ một ngày sau khi tòa án trọng tài quốc tế The Hague đưa ra phán quyết về tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo đó, Hàn Quốc và Mỹ từng tuyên bố rằng THAAD sẽ chỉ được sử dụng nhằm đối phó với các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Các đồng minh của Mỹ gồm Nhật Bản và Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Washington tại châu Á, và cả ba nước vẫn đang phối hợp với Trung Quốc trong nhiều năm qua trong nỗ lực đối phó với tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Hợp tác kinh tế giữa các nước này cung khá cao: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đóng góp tới ¼ nền kinh tế thế giới và căng thẳng giữa họ đều ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và đầu tư toàn cầu.

Khánh Duy