Giảm gánh nặng cho dân
Minh bạch các dự án giao thông BOT, minh bạch mức thu phí; tiến tới kéo giảm mức thu phí, giảm cước vận tải nội địa là đòi hỏi bức thiết của không chỉ các doanh nghiệp vận tải mà còn cả xã hội.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 mới được Thủ tướng ký ban hành đã chạm đến những vấn đề nóng, đòi hỏi bức thiết của xã hội bằng những chỉ lệnh rõ ràng: Giao Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải nội địa cho người dân và doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8 năm 2016; kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý việc gian lận, lạm thu phí BOT…
Trạm thu phí cầu Hạc Trì (Ảnh minh họa).
Đó là thông điệp rõ ràng, không chỉ có ý nghĩa gia tăng sự minh bạch trong thụ hưởng cũng như thực thi các nghĩa vụ trong việc sử dụng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội mà còn là thông điệp, quyết tâm chính trị thể hiện đường lối khoan sức dân, giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, góp phần ổn định và sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 vừa qua, Chính phủ nhiệm kỳ mới đã thống nhất quyết nghị một số nhiệm vụ cần triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật kỷ cương, phát huy dân chủ mạnh mẽ gắn với thượng tôn pháp luật.
Bên cạnh đó, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến nội dung mà Chính phủ đề ra là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước và tài sản công. Đặc biệt là chấn chỉnh, xử lý vi phạm việc lạm thu, gian lận phí BOT. Để làm việc này, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải đề xuất giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải nội địa cho người dân và doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2016
Những nội dung nêu trên nói lên chủ trương khoan sức dân của Chính phủ nhiệm kỳ mới. Qua đó giảm nhẹ gánh nặng đóng góp của dân, để những gì dân đóng góp sẽ có hiệu quả sử dụng cao hơn.
Đơn giản nhất như chống lạm thu, gian lận phí BOT mà thoạt nhìn chỉ thấy tác động đến các doanh nghiệp nhưng trong sâu xa thì phí này một khi bị lạm thu hay gian lận sẽ khiến đội giá hàng hóa, dịch vụ và cuối cùng là “trăm dâu đổ đầu tằm” từng người dân một phải gánh. Được khoan sức, người dân sẽ từng bước ổn định được mức sống, có thể có tích lũy nhiều hơn và trước mắt được hưởng các phúc lợi xã hội tốt hơn. Doanh nghiệp sẽ giảm gánh nặng chi phí, góp phần tăng sức cạnh tranh.
Dân mạnh lên đồng nghĩa với tốc độ phát triển bền vững hơn, đủ mạnh để ứng phó với những hậu quả biến động kinh tế thế giới luôn có khả năng xảy ra và ảnh hưởng đến nước ta.
Về khoan sức dân, từ bao lâu nay ở nơi này nơi khác đã vận dụng không chuẩn phương châm “Nhà nước, nhân dân cùng làm” để đưa ra những dự án chưa thật sự cần thiết, nặng tính phô trương hình thức và cục bộ địa phương làm hao tổn công sức cũng như lòng tin của dân.
Từ suy nghĩ này, cần cơ chế chung cho phép huy động và không cho phép huy động, ngăn ngừa việc lạm dụng sức dân mà lâu nay dường như bị thả lỏng. Người dân kỳ vọng ở Chính phủ nhiệm kỳ mới trong việc khắc phục tồn tại này.
Khoan sức dân trong tình hình hiện nay đồng nghĩa với tăng hiệu quả quản lý của bộ máy, làm trong sạch hệ thống hành chính vốn là nơi tiếp xúc trực tiếp với dân. Do tình trạng lạm thu tràn lan cho nên nhiều nơi công chức nhà nước “mượn gió bẻ măng” gây nhiều bức xúc trong xã hội. Khoan sức dân sẽ là cơ hội làm sạch bộ máy, đào thải các cán bộ thoái hóa.
Thực tiễn cho thấy, nhiều doanh nghiệp còn bị làm khó, không chỉ về chính sách thuế mà còn về sự nhiêu khê của các thủ tục trong đầu tư cũng như trong kinh doanh. Những cuộc khảo sát, điều tra xã hội học, những cuộc thăm dò của các cơ quan chức năng đều cho nhiều kết quả chung là doanh nghiệp còn phải bôi trơn; chi phí ngoài luồng; còn ám ảnh nỗi lo thanh tra, kiểm tra tràn lan, cán bộ nhũng nhiễu. Điều đó không chỉ gây tâm lý búc xúc, thiếu niềm tin mà còn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh cùa doanh nghiệp.
Như vậy, khoan sức dân còn là đổi mới nhanh và có hiệu quả những quy định đã thành cản trở cho doanh nghiệp để không còn phải nghe điệp khúc “cởi trói”. Doanh nghiệp được làm ăn trong môi trường thông thoáng, dựa trên nguyên tắc quy định pháp luật thay vì xin cho, lợi nhuận của họ sẽ tăng lên và làm nghĩa vụ với nhà nước tất nhiên tăng theo.
Từ những gì phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đề ra, hy vọng việc thực thi chính sách tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp sẽ sớm chuyển biến tích cực vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.