Tử tù Trần Văn Thêm: Bị án oan xuyên thế kỷ
Từ năm 2014, Báo Đại Đoàn Kết đã có những bài viết phản ánh về nỗi oan của cụ ông Trần Văn Thêm (trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), người đã bị kết án tử hình cách đó hơn 40 năm. Sau khi báo nêu, từ năm 2015, TAND Tối cao đã tiến hành sao lục các bản án sơ thẩm, phúc thẩm, cùng các tài liệu liên quan.
Đầu tháng 8/2016, đích thân Phó Chánh án TAND tối cao Bùi Ngọc Hòa đã về quê, gặp ông Thêm để thăm hỏi và tìm hiểu thêm một số tài liệu, chứng cứ liên quan. Chiều 9/8/2016, TANDTC đã họp liên ngành, sau đó công bố kết luận ông Trần Văn Thêm bị kết án oan.
Ông Trần Văn Thêm.
Thoát nạn cướp thì gặp... án tử hình
Như trước đó, chúng tôi đã nêu, câu chuyện án oan của cụ Trần Văn Thêm ngày ấy tưởng thật đơn giản mà thật lạ lùng. Năm 1970, kinh tế khó khăn, cả làng đều đói, cụ Thêm khi ấy gần 40 tuổi đã rủ người em họ là Nguyễn Khắc Văn đi buôn.
Hai anh em đi buôn sắn, trám từ các huyện vùng cao của tỉnh Vĩnh Phú (cũ) đem về quê bán đồng thời cứu đói cho gia đình.
Mỗi người một chiếc xe đạp thồ, vượt núi, băng rừng, gùi sắn, trám về quê. Anh em quý nhau như răng với môi, khổ sở đã từng, có chút lờ lãi chia đôi. Vậy nhưng, bỗng dưng tai họa đã ập xuống đầu.
Tối ngày 23/6/1970 hai anh em mua hàng về tới xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú thì trời tối. Hai người thồ hàng tới gốc đa đầu cầu Diện thì thấy cái quán cắt tóc bên đường trống, nên quyết định vào ngủ qua đêm. Vào khoảng 1 h sáng, khi đang lơ mơ ngủ, ông Thêm thấy đầu choáng váng, khi một kẻ nào đó đập vật nặng vào đầu ông.
Linh tính bị cướp, ông kêu lên, nhưng tên cướp đã kịp đập một nhát búa vào đầu ông Văn nằm phía trong.Thấy tiếng kêu, bà con cùng dân quân chạy ra đưa hai ông vào trạm xá xã sau đó chuyển lên bệnh viện huyện Tam Dương, rồi lên bệnh viện tỉnh Vĩnh Phú cấp cứu. Ông Thêm may mắn thoát nạn, nhưng ông Văn đã qua đời tại bệnh viện tỉnh Vĩnh Phú.
Và rồi oái oăm thay cho ông Thêm, CQĐT Công an tỉnh Vĩnh Phú khi ấy lấy lời khai, và họ đã không tin ông. Ông kể, trong lúc ông đang rất đau đớn vì vết thương ở đầu thì công an đã còng tay ông đưa về nhà tạm giam với một câu đơn giản: “Chính mày là thủ phạm giết em mày nhằm cướp của. Vết thương trên đầu mày là bị em mày đánh lại”, và ép ông nhận tội. Ông Thêm từ chối, kêu oan.
Tuy nhiên, trước những trận đòn thừa sống, thiếu chết của cán bộ điều tra, ông đành phó thác cho số phận, nhắm mắt ký vào bất cứ văn bản nào của cán bộ điều tra.
Tháng 8/1972, phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phú đã tuyên án tử hình đối với ông Thêm. Tại phiên tòa phúc thẩm mở tháng 8/1973 TAND Tối cao cũng y án sơ thẩm. Ông Thêm vô cùng đau đớn trong nỗi oan, trong nỗi khinh rẻ của họ hàng, làng xóm. Gia đình thì đau đớn, nhục nhã, ê chề. Vợ ông là bà Tô Thị Lớn khi ấy 39 tuổi từng đã có ý định quyên sinh.
May sao, vào năm 1975, trong khi nằm trong lao tù chờ đợi thì Công an tỉnh Vĩnh Phú bắt được Phan Thanh Nhàn ở Cầu Diện, kẻ phạm tội cướp tài sản. Phan Thanh Nhàn khai đã tấn công anh em ông Thêm, ông Văn để cướp tài sản vào đêm 23/6/1970.
Ngay sau đó, ông Thêm được đưa về Bộ Công an. Ngày 30 Tết Âm lịch năm 1975, ông Thêm được cấp 1 tờ giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động và cho về địa phương sinh sống bình thường.
Đến hành trình giải oan
Ngay sau khi được tha về từ trại giam, nhất là khi Nhà nước có chính sách bồi thường cho người bị oan, ông Trần Văn Thêm đã nhiều lần làm đơn kêu oan gửi đến các cơ quan chức năng. Thế nhưng, ông hầu như chỉ nhận được trả lời rất hời hợt và có phần vô cảm.
Mặc dù trong đơn ông đã nói rõ, khi được thả về, ông không được cấp bất cứ loại giấy tờ gì, ngoài tờ giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động trở về địa phương do Bộ Công an cấp ngày 30 Tết âm lịch năm 1975.
Tờ giấy chứng thương này ông Thêm đã nộp cho chính quyền địa phương nhưng cũng đã bị mất.
Mặc dù nhận được đơn của ông Thêm, được ông trình bày cụ thể như vậy, nhưng ngày 7/3/2005 TAND tối cao đã ra công văn số 1537/CV/PT trả lời khiếu nại yêu cầu bồi thường của ông Thêm như sau: “Theo trình bầy của ông thì không có căn cứ để xác định ông đã bị xét xử oan.
Trường hợp nếu ông bị xét xử oan thì phải được Chánh án Toà án nhân dân Tối cao hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kháng nghị để Ủy ban thẩm phán xét xử theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm để hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phú và bản án của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân Tối cao tại Hà Nội, tuyên bố ông không phạm tội giết người, cướp tài sản và đình chỉ vụ án.
Vì vậy đơn khiếu nại của ông đề nghị được bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra theo Nghị quyết 388 ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội là không có căn cứ”.
Công văn này do Phó chánh toà Nguyễn Minh Mắn ký. Đây là công văn thiếu trách nhiệm vì ông Thêm đã trình bày rõ không được cấp giấy tờ gì thì làm sao có những bản án nêu trên để chứng minh oan sai cho mình?
Không cam lòng, ông Thêm vẫn tiếp tục kêu oan. Tại công văn số 72/TA-TCCB của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ ngày 2/10/2006 do Chánh án Nguyễn Tiến Quang ký nêu: “Theo nội dung đơn của ông thể hiện vụ án đã xảy ra từ năm 1970, trong thời kỳ chiến tranh, toàn bộ hồ sơ các vụ án chuyển đi sơ tán nhiều nơi, do vậy hầu hết các vụ án thời kỳ này đã bị thất lạc.
Đến nay Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ không còn quản lý hồ sơ các vụ án đó. Mặt khác, theo quy định của pháp luật, người khiếu kiện hoặc có yêu cầu phải cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết những tài liệu cần thiết cho yêu cầu của mình. Để có cơ sở xem xét nội dung đề nghị của ông, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ yêu cầu ông cung cấp cho TAND tỉnh những tài liệu chứng minh cho đề nghị của mình”.
Tiếp đó, công văn số 90/TA-HS ngày 26/3/2007 của TAND tối cao trả lời ông Thêm như sau: “Để có cơ sở xem xét, giải quyết khiếu nại của ông theo đúng quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị ông mang theo các tài liệu chứng cứ chứng minh khi được trả tự do ông đã khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền và đã được các cơ quan này trả lời, cũng như các tài liệu khác có liên quan để Tòa án nhân dân Tối cao xem xét giải quyết”.
Nếu ông Thêm có đủ giấy tờ thì làm sao phải kêu cứu gian nan hàng chục năm như vậy?
Để có được những tài liệu chứng minh oan khiên cho mình, ông Thêm đã nhờ tới Công ty Luật Hòa Lợi thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội và báo Đại Đoàn kết trợ giúp truy tìm hồ sơ cũng như đưa lên công luận vụ việc oan sai thế kỷ này.
Tiếng nói của người trong cuộc Đi tìm chứng cứ hồ sơ minh oan cho ông Trần Văn Thêm, chúng tôi tiếp cận được những người, tài liệu liên quan tới vụ án oan sai của ông rất cụ thể, rất rõ ràng. Xin trích sau đây lời xác nhận của ông Cù Văn Tiện, nguyên Phó phòng Cảnh sát hình sự Sở Công an tỉnh Vĩnh Phú: “Năm 1974 tôi được bổ nhiệm Phó phòng Cảnh sát hình sự và bắt đầu thụ lý vụ án giết người mà thủ phạm là ông Trần Văn Thêm theo yêu cầu điều tra lại của Tòa án nhân dân Tối cao. Qua quá trình điều tra, căn cứ vào hiện trường xảy ra vụ án, các dấu vết để lại trên đầu của đối tượng Trần Văn Thêm, đồng thời xin quyết định khai quật lấy hộp sọ của nạn nhân Nguyễn Khắc Văn đưa về Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định. Căn cứ vào hiện trường suy ra các dấu vết để lại trên hộp sọ của Nguyễn Khắc Văn và trên đầu Trần Văn Thêm thấy không đủ chứng cứ kết luận Trần Văn Thêm giết người vì có nhiều điểm mâu thuẫn. Cùng lúc đó, tại trại giam Phố Lu tỉnh Lào Cai, Ban giám thị trại giam cung cấp thông tin cho Công an tỉnh Vĩnh Phú hiện đang giam giữ cải tạo Phạm Thanh Nhàn 17 tuổi, quê quán thôn Phấn Thạch, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú là người đã gây ra vụ án giết người ở cầu Diện, Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Phú. Tôi cùng 2 cán bộ Phòng hình sự lên trại phố Lu lấy lời khai và xin lệnh trích xuất của Bộ Công an đưa đối tượng Nhàn về Công an tỉnh Vĩnh Phú để mở rộng vụ án. Qua lời khai của đối tượng Nhàn, đối chiếu với hiện trường xảy ra vụ án, tổ chức thực nghiệm tại hiện trường với hung khí búa bổ củi mà Nhàn dùng đánh chết Nguyễn Khắc Văn và làm bị thương Trần Văn Thêm. Xét thấy Nhàn là thủ phạm chính trong vụ án, còn Trần Văn Thêm bị bắt xử tử hình là oan sai. Do vậy, ngày 27/12/1975 (âm lịch) Tòa án Tối cao ra quyết định trả tự do cho Trần Văn Thêm. Mặc dù vụ việc oan sai của ông Thêm đã quá rõ ràng như thế, nhưng không hiểu sao gần 45 năm nay ông Thêm vẫn chưa được minh oan!”. Lê Tự(ghi) |