Nhà hát tự chủ biểu diễn: Kinh phí chưa phải là tất cả
Thông tin về các chương trình nghệ thuật truyền thống chuẩn bị được biểu diễn trong không gian Nhà hát Lớn Hà Nội tới đây khiến các đơn vị và giới nghệ sĩ vui mừng, nhưng những băn khoăn cũng đang được đặt ra không ít. Bởi Bộ VHTT&DL cho hay sẽ chỉ tạo điều kiện về mặt địa điểm biểu diễn, còn lại các nhà hát phải tự chủ về mọi mặt, trong đó có tự chủ về kinh phí biểu diễn.
Cảnh trong vở "Công lý không gục ngã".
Quyết tâm…
Như đã đưa tin 12 nhà hát bao gồm Nhà hát Ca Múa Nhạc VN, Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Múa rối VN… sẽ luân phiên đưa các tác phẩm xuất sắc thuộc đơn vị mình biểu diễn tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Khởi đầu là Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam; Nhà hát Kịch VN và Nhà hát Chèo VN sẽ có các chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Nhà hát Lớn bắt đầu từ ngày 30, 31/8 và 1/9. Bộ VHTT&DL yêu cầu tất cả các nhà hát đều phải tìm nguồn tài trợ, hoặc bán vé.
Được biết trước mắt sẽ có khoảng 50% là vé mời, và 50% bán vé. Trước chủ trương này, lãnh đạo các nhà hát đều nhận định đây không phải là việc dễ, nhất là với sân khấu truyền thống, nhạc giao hưởng, vũ kịch…
Điều này cũng dễ hiểu bởi trong 12 nhà hát thì duy nhất có Dàn nhạc Giao hưởng VN là đơn vị tổ chức được nhiều suất diễn nhất tại Nhà hát Lớn từ trước tới nay do các chương trình được liên doanh, liên kết, phối hợp dàn dựng và tổ chức biểu diễn rất thành công nên họ không lo ngại lắm với việc bán vé.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng VN cho biết, để triển khai bán vé xem tuồng tại Nhà hát Lớn Hà Nội là một việc khó khăn. Bởi lẽ ngay tại rạp hát Hồng Hà nhà hát cũng đã chật vật để duy trì lịch diễn định kỳ vào 2 ngày thứ 2 và thứ 5 trong tuần với giá 150.000 đồng/vé.
Lạc quan hơn, NSƯT Thanh Ngoan- Giám đốc Nhà hát Chèo VN cho hay, với chèo truyền thống lâu nay khán giả vẫn quen với việc được mời đi xem thì rất đông nhưng bán vé thì không ai chịu mua. Các chương trình sân khấu truyền thống như chèo, tuồng, cải lương rất khó để cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật giải trí khác như điện ảnh, ca nhạc…
Vì thế để mời được khán giả tới nhà hát xem sân khấu truyền thống đã là một thành công rồi. Chung quan điểm này ông Nguyễn Thế Vinh- Giám đốc Nhà hát Kịch VN cũng chia sẻ, chủ trương của Bộ VHTT&DL đưa nghệ thuật chính thống vào Nhà hát Lớn, một điểm diễn lý tưởng là cơ hội cho các nhà hát và nghệ sĩ. Do đó mỗi nhà hát cần phải chủ động để có đề án, kế hoạch dàn dựng, đầu tư tác phẩm thật sự xứng đáng để tạo thương hiệu riêng cho mình khi xuất hiện trên sân khấu cùng với các nhà hát khác.
Thời gian biểu diễn tại Nhà hát Lớn đã cận kề, và tất cả họ đều quyết tâm làm, để xóa đi định kiến của xã hội rằng lâu nay các đơn vị nghệ thuật công lập chỉ biết bám “bầu sữa” ngân sách Nhà nước.
Bà Ngô Thanh Thủy- Giám đốc Nhà hát Múa rối VN cho biết, đơn vị này đang bắt đầu tuyên truyền, quảng bá chương trình của nhà hát để tìm nguồn hỗ trợ cũng như bán vé, dù biết rằng mọi khó khăn đang còn ở phía trước. Tương tự như vậy, Nhà hát Tuồng VN cũng đang cố gắng quảng bá cho các vở diễn tới đây.
…Và kỳ vọng
Những hi vọng kéo khán giả đến thưởng thức nghệ thuật trong không gian Nhà hát Lớn là hoàn toàn có cơ sở, bởi theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, tiêu chí lựa chọn chương trình biểu diễn tại đây phải là các tác phẩm đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, các tác phẩm kinh điển là những mẫu mực về dàn dựng và diễn xuất tạo nên thương hiệu của từng nhà hát, từng loại hình nghệ thuật.
Hiện trong kế hoạch biểu diễn tại Nhà hát Lớn có rất nhiều vở diễn, chương trình đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả tại các cuộc thi, liên hoan sân khấu nghệ thuật…Bao gồm các vở: “Công lý không gục ngã” - Nhà hát Tuổi Trẻ (HCV vở diễn, 7 HCV cá nhân, 7 HCB cá nhân tại Cuộc thi Sân khấu kịch nói CNTQ 2015); “Vũ điệu hoa quỳnh”- Nhà hát Múa rối VN (HCV duy nhất cho chương trình tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần IV năm 2015); “Vua thánh triều Lê”- Nhà hát Cải lương VN (HCV Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương CNTQ 2015).
Bên cạnh đó, còn có những vở diễn kinh điển của sân khấu truyền thống như “Suý Vân”- Nhà hát Chèo VN, “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”, hoà nhạc và các trích đoạn tuồng cổ mẫu mực của Nhà hát Tuồng VN… Được biết Cục Nghệ thuật biểu diễn hiện đang nghiên cứu và tổ chức triển khai truyền thông cho các tác phẩm, quảng bá về lịch biểu diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn cho các đơn vị nghệ thuật.
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong một không gian văn hóa đẹp cũng có thể xem như một nỗ lực bảo tồn di sản. Đó là những quyết sách kịp thời từ cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.
Dẫu vậy để nghệ thuật truyền thống thực sự hút khách, để không uổng phí những nỗ lực của các nghệ sĩ và các nhà hát, ngoài việc tự chủ về kinh phí, xã hội hóa các vở diễn theo xu hướng để khán giả được tự lựa chọn món ăn tinh thần, việc cần sớm triển khai song hành là một chiến lược quảng bá dài hơi, bài bản về những tác phẩm nghệ thuật cũng như giá trị của những tác phẩm ấy tới công chúng. Đó cũng chính là cái đích mà nghệ thuật vươn tới.