Đầu tư khoa học công nghệ cho nông nghiệp: Chưa xứng tầm
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực NN&PTNT, công nghệ sinh học công nghệ cao của Việt Nam nhìn chung vẫn ở mức thấp ngay cả khi so với các nước ASEAN. Những kết quả nghiên cứu, chọn tạo được chưa nhiều, chưa thể hiện được tính vượt trội.
Công nghệ sau thu hoạch, chế biến và an toàn vệ sinh thực phẩm... còn ít đề tài, dự án.
Theo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), trong giai đoạn 2006-2014, Chương trình Công nghệ sinh học nông nghiệp-thủy sản đã triển khai 214 nhiệm vụ khoa học công nghệ với tổng kinh phí hơn 550 tỷ đồng.
Có 25 dự án sản xuất thử nghiệm về giống cây trồng mới được công nhận sản xuất thử, có sự tham gia của doanh nghiệp và địa phương. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp luôn ấn tượng, có đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế đất nước, tuy nhiên vẫn bộc lộ không ít yếu kém, bất cập, đặc biệt trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.
Cũng theo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, sản phẩm ứng dụng thực tiễn của chương trình chủ yếu mới tập trung vào các giống lúa mới, các chế phẩm vi sinh vật, các cây giống nuôi cấy mô và một vài sản phẩm khác.
Đối với các lĩnh vực như chăn nuôi, thú y, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây trồng biến đổi gen... chưa có nhiều kết quả ứng dụng thực tiễn. Sản phẩm của lĩnh vực thủy sản cũng còn nhiều hạn chế, mới tạo ra chủ yếu là các sản phẩm trung gian mà chưa nghiên cứu, sản xuất tạo ra các sản phẩm cuối cùng.
Thực tế hiện nay, số đề tài ứng dụng công nghệ gen còn ít, hiệu quả chưa cao. Lĩnh vực mà các đề tài, dự án triển khai còn dàn trải trên nhiều đối tượng; chưa tập trung nguồn lực vào giải quyết một số vấn đề cấp bách trên một số đối tượng cây trồng, giống thủy sản chủ lực. Các đối tượng cây trồng quan trọng như ngô, đậu tương; lĩnh vực chăn nuôi thú y, lâm nghiệp, thức ăn, phòng trị bệnh, quản lý, xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, công nghệ sau thu hoạch, chế biến và an toàn vệ sinh thực phẩm... còn ít đề tài, dự án.
Những hạn chế này đã lý giải vì sao Việt Nam trở thành “cường quốc” nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trong những năm qua, vậy mà các loại giống cây trồng, vật nuôi vẫn phải lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Thậm chí, có người ví von rằng ngành nông nghiệp Việt chẳng khác nào “người khổng lồ” có gót chân A-sin - đó chính là việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ còn nhiều yếu kém.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực NN&PTNT, đã có những nhà khoa học tiếp cận được công nghệ sinh học công nghệ cao, có những lĩnh vực đạt tầm thế giới, nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp ngay cả khi so với các nước ASEAN. Những kết quả nghiên cứu, chọn tạo được chưa nhiều, chưa thể hiện được tính vượt trội. Chúng ta vẫn chưa hình thành được ngành công nghệ sinh học, mới chỉ là những nhen nhóm ban đầu.
PGS. TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho hay: Trong thế kỷ 21, người ta nói nhiều đến khái niệm “Bio Economic”, tức là nền kinh tế dựa trên công nghệ sinh học. Chúng ta muốn phát triển thì cũng không thể ngoại trừ. Việt Nam là nước nông nghiệp, đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ sinh học để chọn giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản làm sao nhanh hơn, hiệu quả hơn, chính xác hơn.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bước sang giai đoạn mới, nền nông nghiệp nước ta đang đứng trước thách thức hết sức to lớn. Để có thể cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, phải tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất ở các mặt hàng có lợi thế.