Nỗi đau thời hậu chiến

Đơn Thương 10/08/2016 11:20

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau của cuộc chiến vẫn còn đó. Hà Giang – một tỉnh ngút ngàn đá, nằm nơi phên dậu miền biên viễn của Tổ quốc không nằm ngoài trường hợp ngoại lệ. Những giờ khắc đến, tìm gặp rồi chia tay, những nỗi đau của thời hậu chiến cứ ám ảnh chúng tôi suốt hành trình trở về.

Nỗi đau thời hậu chiến

Trong khi chờ công lý, nạn nhân chất độc da cam rất cần quan tâm và chia sẻ.

Nước mắt… chảy ngược

Tùng Bá là một nơi không xa với thành phố Hà Giang là mấy, thế nhưng con đường dẫn vào đây lại là sự thử sức với người yếu bóng vía. Trong hàng nghìn những thương bệnh binh của tỉnh, cũng là một trong những người nhiễm chất độc da cam, chúng tôi đã tìm vào nhà ông Khánh Đức Khu.

Hôm nay, thay cho việc đi kiếm tiền mưu sinh, ông Khương ở nhà giúp vợ trông con. Là một bệnh binh, với sự chăm chỉ đến cần mẫn, thế nhưng vì nhà có 2 đứa con (trước ông có 4 con nhưng hai con của ông đã chết) do hậu họa của chất độc mầu da cam nên nhà ông vẫn nghèo, nghèo nhất trong xã.

Nghèo, làm việc luôn quá sức cùng sự lo toan đã làm cho người ông vạc đi, ông trở thành kẻ kiệm lời. Chỉ có 2 đứa con ông, chúng trở thành người “vô tư nhất” nhưng cũng là nỗi đau ngày ngày vò xé trái tim ông.

Hơn 30 năm về trước, cũng như các thanh niên dân tộc trai tráng khác của tỉnh, trước sự xâm lược của đế quốc Mỹ, ông tòng quân, cầm súng vào chiến trường miền Nam. Vợ chưa kịp lấy, bố mẹ già để lại quê nhờ người chăm sóc, ông biền biệt ra đi. Các địa danh lạ lẫm miền Nam ông dần quen, thuộc làu và chia tay nó khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc.

Hòa bình rồi, trở về quê, ông bắt đầu tính chuyện gia đình, lấy vợ để có đôi có lứa, để có người chăm sóc cha mẹ già, bù đắp lại những ngày ông biền biệt đi xa. Vợ ông, một cô gái dân tộc, nết na, thùy mị, ngày tổ chức đám cưới, đón nhau về với ngôi nhà lợp lá cọ, một tương lai phơi phới đã định hình cùng ông và người vợ trẻ.

Thế mà thật không ngờ, hậu họa, tàn dư của cuộc chiến đã không làm cho ông có được cái hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng cũng rất đỗi lớn lao ấy. Đứa con đầu ra đời, niềm vui chưa trọn, càng nuôi vợ chồng ông càng thấy nó có những biểu hiện kỳ lạ. Người thì bảo nó bị ma làm, người thì bảo chữ phúc của gia đình ông có vấn đề. Mặc, ông vẫn nuôi nó và hy vọng khi đứa con thứ hai ra đời.

Đứa thứ hai lại thai nghén, vợ chồng ông khấp khởi hy vọng đón nhận nó. Thế nhưng càng lớn, nó lại càng giống đứa đầu. Lại hy vọng, lại thai nghén, lại đợi chờ, hai đứa tiếp theo lại lần lượt chào đời. Hạnh phúc không đến, bất hạnh tìm vào, 4 đứa con mà vợ chồng ông có được đều giống nhau. Hai trong 4 đứa đã dần bỏ vợ chồng ông “về với đá núi”, chỉ còn lại 2 đứa, đều trên 20 tuổi cả rồi nhưng vẫn ngô nghê như trẻ lên hai.

Ông Khương không thể hiểu nổi, cho đến một ngày kia, khi cán bộ xã báo ông và các con đi khám. Xuống bệnh viện tỉnh, sau khi khám xét, ông mới vỡ òa, mới biết, các con ông bị như vậy chính là do cái chất khói có mầu đỏ mà máy bay Mỹ đã thả xuống những cánh rừng các ông đóng quân. Chất ấy, thế giới gọi là điôxin, còn người Việt “dân dã” gọi là: Chất độc mầu da cam!

Nếu bạn đã từng lên Hà Giang, đối diện với nghèo khó của tỉnh này, bạn mới thấu hiểu cái nỗi vất vả của những người cựu chiến binh, thương bệnh binh có những đứa con tật nguyền do di họa chất độc mầu da cam để lại. Trên đây ruộng ít, việc làm thêm ít, mọi điều kiện để kiếm sống theo kiểu đơn thuần đều kém cả nên những người như hoàn cảnh của ông Khương khổ lắm.

Cùng với hoàn cảnh ông Khương, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Trọng Đải (thị trấn Vị Xuyên) cũng không kém phần cơ cực. Không chỉ là hai thế hệ mà hiện nay gia đình ông Đải có tới 3 thế hệ đang phải chịu tàn dư của hậu họa này. Ông Đải tham gia kháng chiến chống Mỹ, bị phơi nhiễm chất độc mầu da cam, liên tục đau yếu, chỉ giúp gia đình được những việc vặt.

Cơ cực hơn nữa, đứa con đầu của ông Đải, Nguyễn Thị Đào, năm nay đã trên 40 rồi nhưng do phơi nhiễm từ bố nên chân tay đều dị tật, đầu óc lúc nào cũng như đứa trẻ lên 2. Mọi công việc sinh hoạt hàng ngày, bé nhỏ nhất của Đào đều dồn lên tấm thân gầy nhẳng của mẹ có tên Nguyễn Thị Ngừng cùng nỗi đau triền miên của cha.

Cứ ngỡ bệnh họa đến với mình như vậy là quá đủ, không ngờ, đứa con trai thứ của ông Đải lấy vợ. Trong nhà, nó là đứa mạnh khỏe nhất, không vướng víu bệnh tật thì đùng cái, tai họa lại tìm đến khi đứa cháu nội của ông sinh ra cũng có những dấu hiệu không bình thường. 10 tuổi rồi mà Nguyễn Trọng Bảo, cháu nội ông Đải cũng không tự đứng ngồi được. Tất cả những hoạt động này của em đều lại tìm đến bờ vai của ông bà nội.

Rất cần sự quan tâm

Hiện Hà Giang có 11 huyện thị thì đã có tới 74 xã, thị trấn có đối tượng bị ảnh hưởng chất độc mầu da cam, tập trung tại các gia đình cựu chiến binh, thương binh và bệnh binh. 74 xã, thị trấn này có khoảng 2000 đối tượng có di họa, 1000 người đủ điều kiện để hưởng trợ cấp do có thân nhân bị dị tật, dị dạng. Thế nhưng chỉ có 200 con cái của các cựu chiến binh được hưởng trợ cấp. Riêng thế hệ F3, nghĩa là cháu do con của các cựu chiến binh sinh ra bị dị tật, dị dạng còn nhiều cháu chưa có điều kiện để hoàn thành thủ tục và chế độ.

Theo ông Vương Mí Vàng, nguyên Phó Bí thư tỉnh, hiện đang là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc màu da cam – điôxin thì: Đây là nỗi đau lớn khó khắc phục vì phần lớn những người sinh ra thuộc hoàn cảnh này đều dị tật, dị dạng, không tham gia sản xuất được, bên cạnh đó lại cần người nuôi dưỡng, làm ảnh hưởng kế tiếp đến sức lao động của thân nhân.

Cũng theo ông Vàng, tất cả các gia đình thuộc hoàn cảnh trên đều đang đem trong mình những gánh nặng. Thế nhưng với tỉnh Hà Giang thì gánh nặng này rất lớn lao do đặc thù của điều kiện sống và cơ hội kiếm sống. Hà Giang là đất nghèo, với người lành lặn kiếm sống đã vất vả nên các đối tượng trên càng vất vả hơn.

Đơn Thương