MTTQ tỉnh Phú Thọ: Hiệu quả từ các tổ hòa giải
Trong 5 năm từ 2010-2015 các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tiến hành hòa giải thành 3.906 vụ, việc trên tổng số 4.720 vụ việc thụ lý, đạt tỷ lệ 82,76%. Nhờ hoạt động hiệu quả, các tổ hòa giải đã góp phần ổn định xã hội, gìn giữ sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Theo Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Phú Thọ Trần Phù Tiêu, ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều văn bản triển khai thi hành Luật. Các huyện, thành, thị đã kịp thời xây dựng kế hoạch và triển khai thi hành Luật đến các thành viên tổ hòa giải; Trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; cán bộ tư pháp, hộ tịch; chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn…
Việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở được các địa phương triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có sự phối hợp tích cực của ngành tư pháp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các ban, ngành liên quan, thông qua việc mở hội nghị tuyên truyền lồng ghép, phát tờ rơi, tờ gấp, đăng tải trên pano, áp phích, trên hệ thống truyền thanh cơ sở.
Để giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, sau khi thống nhất với các đoàn thể chính trị-xã hội và các cơ quan liên quan, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ đã thành lập 2 đoàn giám sát và tiến hành giám sát tại 8 đơn vị cấp xã, 4 đơn vị cấp huyện là Phù Ninh, Lâm Thao, TX Phú Thọ và TP Việt Trì.
Kết quả giám sát tại 4 đơn vị cấp huyện cho thấy đã có 734 tổ hòa giải được thành lập trên tổng số 730 khu dân cư với 5.096 hòa giải viên. Trong 5 năm từ 2010-2015 các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiến hành hòa giải thành công 3.906 vụ, việc trên tổng số 4.720 vụ, việc thụ lý, đạt tỷ lệ 82,76%.
Trong đó, các lĩnh vực thường phát sinh mâu thuẫn ở khu dân cư như đất đai, hôn nhân gia đình và tranh chấp dân sự khác đã được các tổ hòa giải thụ lý giải quyết ngay tại cơ sở và đạt kết quả hòa giải thành cao.
Như tại thành phố Việt Trì mâu thuẫn phát sinh trong lĩnh vực đất đai hòa giải thành đạt tỷ lệ 38%, thị xã Phú Thọ mâu thuẫn phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình hòa giải thành đạt tỷ lệ 40%, huyện Lâm Thao và huyện Phù Ninh mâu thuẫn phát sinh từ quan hệ dân sự hòa giải thành đạt tỷ lệ trên 50%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Phù Tiêu cũng thẳng thắn cho rằng, hoạt động của một số tổ hòa giải ở một số địa phương chưa thật sự hiệu quả, còn mang tính hình thức. Một số vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải của tổ hòa giải ở cơ sở, đủ điều kiện hòa giải song không kiên trì hòa giải do đó chưa được giải quyết dứt điểm, phải chuyển lên trên để giải quyết.
Các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn ở khu dân cư ngày càng có tính chất phức tạp, khó giải quyết đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, hôn nhân và gia đình do đó đã có 814 vụ, việc hòa giải không thành ở khu dân cư, phải chuyển lên cấp trên, chiếm 17,24 %.
Để triển khai có hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới,ông Trần Phù Tiêu cho biết, Đoàn giám sát đã đề nghị cấp ủy các cấp cần ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Đoàn giám sát cũng đề nghị HĐND tỉnh sớm ban hành Nghị quyết quy định mức cấp kinh phí cho hoạt động của công tác hòa giải ở cơ sở làm căn cứ để UBND các cấp cấp kinh phí hoạt động cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành Tư pháp và các ngành có liên quan tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng và kinh nghiệm hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên. Đặc biệt quan tâm nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng, kinh nghiệm hòa giải nhằm xây dựng đội ngũ hòa giải viên đảm bảo về chất lượng, xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật để có nguồn văn bản cho các hòa giải viên tham gia nghiên cứu, tìm hiểu…