Xóa bệ đỡ xuê xoa sai phạm

Nguyễn Thị Dung 11/08/2016 11:10

Các thông điệp của Thủ tướng Chính phủ khẳng định tiếp tục quyết tâm tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, xây dựng một Chính phủ liêm chính phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Thiết nghĩ, muốn kiến tạo một nền hành chính công trong sạch, vững mạnh cần gắn liền với xây dựng đội ngũ cán bộ công chức liêm chính. Để làm được điều này, trước hết rất cần nhận diện và chỉnh sửa kịp thời các lỗ hổng trong các quy định của pháp luật liên quan đến xử lý các công bộc sai phạm.

Xóa bệ đỡ xuê xoa sai phạm

Vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 18, tuy nhiên một số cựu lãnh đạo Vinaconex lại được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một trong những lỗ hổng quản lý của nhà nước ta hiện nay là vẫn còn những văn bản pháp luật, những qui định chưa đáp ứng với tình hình thực tế, gây ra những bất cập, tiêu cực cho xã hội. Hai trong số những văn bản quy định ấy chính là Nghị định số 34/2011/NĐ-CP và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP hướng dẫn việc xử lý kỷ luật cán bộ công viên chức của bộ máy hành chính nhà nước.

Trong thời gian qua, hàng loạt các vụ sai phạm đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức đã được phát hiện, được thông tin minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến dư luận bức xúc, và kỳ vọng lớn vào quyết tâm chống tiêu cực “không có vùng cấm”. Thực tế cho thấy những sai phạm có thể phát sinh ở mọi lĩnh vực, mọi cấp độ.

Từ những cán bộ lãnh đạo vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, xây dựng, đầu tư, môi trường, những cán bộ hải quan, thanh tra giao thông nhận tiền bôi trơn, hối lộ…, cho đến việc lộ ra đây đó những cán bộ sử dụng bằng giả, học giả, những nhân viên, cán bộ y tế tắc trách khiến bệnh nhân tử vong, tàn phế…. Những vi phạm của “công bộc” xảy ra một cách nhức nhối, đặt ra tính cấp thiết trong việc bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính nằm tăng cường năng lực phục vụ nhân dân.

Điều khiến dư luận bức xúc nhất chính là việc xử lý cán bộ sai phạm ở không ít trường hợp là quá nhẹ. Trừ những vụ sai phạm lớn phải xử lý hình sự, hầu hết những cá nhân sai phạm chỉ nhận hình thức kỷ luật hành chính như khiển trách, cảnh cáo, thuyên chuyển công tác. Số cá nhân sai phạm bị cách chức hay cho thôi việc là rất hãn hữu.

Trong khi những hậu quả của sai phạm để lại là rất nhức nhối. Tuy nhiên khi giải thích và trả lời công luận về cách xử lý những vụ việc này, hầu hết những lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có cá nhân sai phạm đều nói rằng việc xử lý cán bộ đúng qui định, qui trình.

Bởi, hiện nay việc kỷ luật cán bộ công chức, viên chức căn cứ vào Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Nghị định số 34/2011/NĐ-CP (hướng dẫn xử lý kỷ luật công chức) và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP (hướng dẫn xử lý kỷ luật viên chức).

Trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, phần quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức quá sơ sài, chỉ đưa ra các hình thức kỷ luật mà không kèm theo nội dung vi phạm cụ thể. Vì thế khi xét kỷ luật cán bộ công chức, viên chức phải dựa vào Nghị định 34/2011/NĐ-CP và Nghị định 27/2012/NĐ-CP.

Trong khi quy định chi tiết hướng dẫn trong hai nghị định này thì hầu hết các lỗi vi phạm của cán bộ công chức, viên chức đều chỉ có thể chỉ bị xử lý khiển trách hoặc cảnh cáo, kể cả những vi phạm khá nặng như: sử dụng giấy tờ không hợp pháp để dự thi nâng ngạch; cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; bị phạt tù cho hưởng án treo; vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng… (kỷ luật cảnh cáo); xác nhận giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; sử dụng tài sản công trái pháp luật; vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng… (kỷ luật khiển trách).

Có thể nói, những hạn chế từ các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ công chức, viên chức hiện hành đã dẫn đến việc xử lý “công bộc” sai phạm trong suốt thời gian qua là quá nhẹ. Chưa kể một số quy định không rõ ràng khiến một số lãnh đạo đơn vị, cơ quan có cá nhân sai phạm dựa vào đó bao che, du di cho cấp dưới của mình.

Các biện pháp chế tài kiểu “cảnh cáo”, “khiển trách” hay “thuyên chuyển công tác” không đủ sức răn đe, phòng ngừa sai phạm. Trong khi những lợi ích về vật chất, tiền bạc hay quyền lực có được do các sai phạm lại lớn, gây nên các tệ nạn tiêu cực trong hệ thống hành chính công không giảm mà ngày càng phức tạp.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới bộ máy công quyền của nước ta vẫn trì trệ với sự tồn tại kéo dài thói quan liêu, vô trách nhiệm, tệ tham ô, tham nhũng, tham nhũng vặt mà Đảng, Nhà nước đang phải tiếp tục quyết liệt bài trừ. Nguy hiểm nhất là người dân sẽ dần quen với với những tệ nạn tiêu cực đó và coi đó là chuyện bình thường.

Đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các đại biểu dân cử, các lãnh đạo có tâm huyết kêu gọi làm trong sạch, chấn chỉnh lại đội ngũ công chức, viên chức, đưa ra khỏi bộ máy những đối tượng sai phạm, vi phạm đạo đức. Nhưng nếu các hạn chế tại các Nghị định 34/2011/NĐ-CP và Nghị định 27/2012/NĐ-CP chưa được chỉnh sửa theo hướng tăng cường các biện pháp chế tài đủ sức răn đe hơn thì sẽ rất khó để thực hiện điều này.

Vì thế việc xem xét chỉnh sửa hai Nghị định nói trên chính là xóa bỏ bệ đỡ cho vấn nạn xuê xoa “giơ cao đánh khẽ” thiếu chính đáng trong nhiều trường hợp sai phạm nặng của cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, việc cơ quan lập pháp sớm xem xét sửa, bổ sung Luật Cán bộ, công chức 2008 và Luật Viên chức 2010 trong thời gian sắp tới với phần xử lý kỷ luật cán bộ công chức, viên chức chi tiết, cụ thể hơn, sẽ tạo nền tảng pháp lý đưa chủ trương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính thực sự đi vào cuộc sống.

Nguyễn Thị Dung