Nan giải xây dựng thương hiệu gạo
Bộ Tài chính vừa có văn bản phản hồi đề xuất của Bộ Công thương về việc: Không nhất trí tiếp tục cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ xúc tiến thương hiệu gạo quốc gia, với lý do đã có nguồn ngân sách của Nhà nước chi trả cho các cơ quan thuộc Bộ Công thương và Sở Công thương các tỉnh.
Vẫn nan giải bài toán xây dựng thương hiệu cho hạt gạo.
Cụ thể, trong Dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2030 đang được Bộ Công thương vừa đưa ra lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, Bộ này đề xuất cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tổn thất khi mua thóc, gạo của nông dân tham gia vào mô hình liên kết sản xuất gạo hàng hóa xuất khẩu với giá trị cao hơn giá thị trường. Xây dựng cơ chế hỗ trợ chi phí sản xuất phục vụ xuất khẩu bền vững các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao, gạo đặc sản địa phương...
Tuy nhiên, Bộ Tài chính ngay lập tức đã có phản ứng với đề xuất nói trên của Bộ Công thương. Văn bản phản hồi của Bộ Tài Chính nêu rõ: Trong dự thảo Quyết định trên, Bộ Công Thương đưa quan điểm Ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên cho các hoạt động hỗ trợ các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến phát triển các thương hiệu gạo quốc gia tới thị trường quốc tế.
Quan điểm của Bộ Tài chính cần bỏ nội dung này. Lý do được Bộ này đưa ra như sau: “Hiện các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về hoạt động xúc tiến thương mại như Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Sở Công thương đang được hưởng ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động”.
Ngoài cơ quan Nhà nước, hoạt động của nhiều Hội, đoàn thể trong vai trò xúc tiến thương mại theo quy định của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ đều phải tự đảm bảo kinh phí để duy trì hoạt động. Không có ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động này.
Bên cạnh đó, theo đề nghị của Bộ Tài chính đối với chiến lược phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam thì hàng năm, ngân sách Nhà nước đã bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia (trong đó có kinh phí cho chương trình xúc tiến thương hiệu gạo), do đó không thể chi thêm tiền ngân sách hỗ trợ hoạt động của các cơ quan, tổ chức.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương bỏ nội dung hỗ trợ kinh phí cho DN bị tổn thất khi mua gạo nhưng chịu ảnh hưởng biến động giá. “Bỏ nội dung này vì đây là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, không phù hợp với cơ chế thị trường và các cam kết hội nhập và cạnh tranh mà Việt Nam tham gia ký kết.
Đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu các giải pháp gián tiếp thông qua các cơ chế thông thoáng và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho mọi DN” – văn bản phản hồi của Bộ Tài chính nêu rõ.
Quyết định số 706/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nêu rõ: Đến năm 2030, xây dựng được các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 đưa hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu và thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia... Đến năm 2030, các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, câu chuyện về nâng giá trị cho thương hiệu hạt gạo Việt Nam đã được đưa ra bàn luận nhiều, song, thực tế, theo giới chuyên gia ngành nông nghiệp, các chính sách để hỗ trợ cho mục tiêu này vẫn đang còn nhiều điểm bất cập. Và sự bất đồng quan điểm của Bộ Công thương và Bộ Tài chính đang tiếp tục cho thấy, câu chuyện xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam vẫn còn là một bài toán nan giải.