Công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm vì kết án oan
Ngày 11/8, Liên ngành các cơ quan Tư pháp Trung ương phối hợp tổ chức Công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm.
Toàn cảnh buổi công bố quyết định và công khai xin lỗi.
Ông Thêm là người đã bị điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án ông Nguyễn Khắc Văn bị giết vào đêm 23/7/1970, tại thôn Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc).
Buổi Công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm (trú tại thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) có sự tham dự của đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TANDTC; Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an; lãnh đạo VKSNDTC; TAND cấp cao tại Hà Nội, VKSND cấp cao tại Hà Nội, các đơn vị chức năng của Liên ngành các cơ quan Tư pháp Trung ương; đại diện Tỉnh ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh cùng các cơ quan của huyện Yên Phong và xã Yên Phụ; sự tham dự trực tiếp của ông Trần Văn Thêm cùng đại diện gia đình và nhân dân địa phương.
Tóm tắt quá trình tiến hành tố tụng đối với ông Trần Văn Thêm, đại diện các cơ quan tố tụng nêu rõ, theo Bản án hình sự sơ thẩm số 40 ngày 19/9/1973 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Vĩnh Phú, diễn biến vụ án như sau: Nguyễn Khắc Văn và Trần Văn Thêm thường đi buôn chung với nhau. Ngày 23/7/1970, Thêm đến rủ Văn đi chợ Vẽ thuộc huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú buôn trám. Trước khi đi, Thêm dặn Văn mang theo nhiều tiền.
Vào khoảng 14 giờ ngày 23/7/1970, Văn và Thêm ở nhà ra đi, mỗi người đi một xe đạp, khoảng 20 giờ thì đến cầu Diện, thuộc xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương. Vì trời tối, không đi được, hai người dừng xe lại ở đó và đến nhà dân ở bên đường xin nghỉ trọ nhưng không ai cho ngủ. Văn và Thêm đến ngủ ở một cái lều bỏ không cạnh cầu.
Đến khoảng nửa đêm, trong lúc Văn ngủ say, Thêm lấy cọc xe thồ đánh liên tỉếp vào thái dương bên trái Văn. Văn bị đánh đau, mê man bất tỉnh. Thêm lục soát lấy gói tiền của Văn cho vào túi, rồi lấy chiếc móc lốp xe đạp tự rạch một vết thương ở đầu và kêu cứu. Khi có người chạy đến thì Thêm nói là kẻ cướp đã dùng cọc xe đạp đánh Văn. Nguyễn Khắc Văn được đưa đi cấp cứu, nhưng vết thương quá nặng nên đã chết chiều ngày 24/7/1970 tại bệnh viện huyện Tam Dương.
TAND tỉnh Vĩnh Phú kết luận Trần Văn Thêm đã phạm tội “Giết người, cướp của”, áp dụng điểm 3 Điều 3 Thông tư 442/TTg ngày 19/1/1955 và khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh trừng phạt các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân ngày 21/10/1970, xử phạt Trần Văn Thêm án tử hình về tội giết người, cướp của; trả lại cho gia đình nạn nhân chiếc xe đạp và 60 đồng.
Ngày 24/9/1973, Trần Văn Thêm có đơn kháng cáo cho rằng một số nội dung của cáo trạng là không đúng và xin tha tội chết; chị Đỗ Thị Song là vợ nạn nhân Nguyễn Khắc Văn cũng có đơn xin tha tội chết cho Thêm.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 153 ngày 26/6/1974, Tòa phúc thẩm TANDTC giữ nguyên các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, xử phạt Trần Văn Thêm tử hình về tội “Giết người, cướp của”.
Án có hiệu lực pháp luật, Trần Văn Thêm bị giam giữ chờ thi hành án. Tuy nhiên, qua tài liệu trinh sát và nắm tình hình tại trại giam, cơ quan chức năng phát hiện một đối tượng đang tập trung cải tạo đã thừa nhận gây ra vụ án đánh chết ông Nguyễn Khắc Văn và gây thương tích đối với ông Trần Văn Thêm.
Ông Đoàn Tất Kỉnh, Phó Chánh Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an công bố quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Trần Văn Thêm.
Tại Quyết định số 01/UB ngày 23/5/1975, Ủy ban Thẩm phán TANDTC đã xem xét và quyết định hủy cả bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đối với Trần Văn Thêm, giao cho Tòa án Vĩnh Phú xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Như vậy về mặt pháp lý thì từ năm 1975 đã không còn hai bản án tử hình đối với ông Trần Văn Thêm nữa. Ngày 27/12/1975 (âm lịch), ông Thêm được đưa từ Trại tạm giam Phủ Đức về Bộ Công an và được cấp một Giấy miễn lao động nặng với lý do có vết thương ở đầu và được đưa ra bến xe khách về quê.
Ngày 06/12/2004, Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội nhận được đơn của ông Thêm đề nghị Tòa án giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông theo quy định của Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11.
Ngày 7/3/2005, Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội có Công văn số 1537/CV/PT ngày 07/3/2005 trả lời đơn của ông Thêm với nội dung: Không có căn cứ để giải quyết yêu cầu bồi thường của ông vì không có tài liệu nào chứng minh ông bị kết án oan.
Ông Đoàn Tất Kỉnh trao Quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Thêm.
Ông Trần Văn Thêm tiếp tục gửi đơn gửi đến các cơ quan, trong đó có TANDTC, VKSNDTC và Bộ Công an, đề nghị được minh oan và yêu cầu bồi thường do bị kết án oan về tội “giết người”, “cướp của”.
Quá trình xem xét, đến nay ba cơ quan tố tụng Trung ương là Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC thống nhất kết luận: Ông Trần Văn Thêm bị kết án “giết người”, “cướp của” và tuyên phạt mức án tử hình là oan.
Ngày 5/8/2016, lãnh đạo TANDTC và các đơn vị chức năng của TANDTC; đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh; Huyện ủy, UBND huyện Yên Phong; TAND tỉnh Bắc Ninh, TAND huyện Yên Phong đã đến thăm hỏi và động viên ông Trần Văn Thêm cùng gia đình tại thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Ông Trần Văn Thêm nghe công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can.
Ngày 8/8/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ký Quyết định đình chỉ điều tra bị can số 11/C44-P3 đối với ông Trần Văn Thêm với lý do kết quả điều tra, xác minh thấy: Có đủ căn cứ kết luận bị can Trần Văn Thêm không thực hiện hành vi phạm tội giết ông Nguyễn Khắc Văn ngày 23/7/1970 tại phố Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc).
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003; Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 34 và điểm a khoản 2 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định Đình chỉ điều tra đối với bị can Trần Văn Thêm, sinh năm 1934, sinh quán: xã Hoà Bình, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc; nơi đăng ký HKTT, chỗ ở hiện nay: Thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã bị khởi tố bị can theo Quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can số 95 ngày 28/7/1970 của Phòng chấp pháp, Ty Công an tỉnh Vĩnh Phú về tội cố ý giết người.
Thay mặt Bộ Công an, ông Đoàn Tất Kỉnh, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố Quyết định số 11/C44-P3 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Đình chỉ điều tra đối với bị can Trần Văn Thêm với lý do kết quả điều tra, xác minh thấy: Có đủ căn cứ kết luận bị can Trần Văn Thêm không thực hiện hành vi phạm tội giết ông Nguyễn Khắc Văn ngày 23/7/1970 tại phố Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) và trao quyết định Đình chỉ điều tra đối với bị can Trần Văn Thêm. Đồng thời Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an đã tặng hoa chúc mừng ông Trần Văn Thêm được minh oan.
Đồng thời, thay mặt Liên ngành Tư pháp Trung ương, ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm là người bị kết án oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Các cơ quan chức năng sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng để giải quyết bồi thường những khoản thiệt hại cho ông Trần Văn Thêm theo quy định của Luật Bồi thường trách nhiệm của Nhà nước.
Ngay sau buổi công bố Quyết định Đình chỉ điều tra đối với ông Trần Văn Thêm và công khai xin lỗi, các cơ quan sẽ công khai xin lỗi ông Thêm trên các phương tiện thông tin đại chúng và mong muốn chính quyền dịa phương, làng xóm, gia đình tạo điều kiện cho ông Thêm có một cuộc sống tốt hơn.
Phát biểu tại buổi lễ công bố, ông Trần Văn Thêm cảm ơn lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan tiến hành tố tụng đã xác minh làm rõ và tổ chức minh oan cho ông. Ông Thêm mong muốn con cháu của ông Nguyễn Khắc Văn cảm thông chia sẻ và từ nay trở về sau hai gia đình sẽ gắn kết, tình nghĩa, bỏ qua mọi hiềm khích hiểu nhầm trước đây.
Ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm.
Ngay sau buổi công bố quyết định và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm, Liên ngành tư pháp Trung ương đã tiến hành họp báo công bố kết quả của buổi làm việc. Thay mặt Liên ngành, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa đã tóm tắt lại vụ án và khẳng định Tại Quyết định số 01/UB ngày 23/5/1975, Ủy ban Thẩm phán TANDTC đã xem xét và quyết định hủy cả bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đối với Trần Văn Thêm, giao cho TAND Vĩnh Phú xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Do đó, vậy về mặt pháp lý thì từ ngày 23/5/1975 hai bản án tử hình đối với ông Trần Văn Thêm đã bị hủy.
Mặc dù vụ án đã xảy ra từ rất lâu, tuy nhiên dưới sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch nước về việc rà soát các vụ án oan sai, có oan phải giải oan, sai phải sửa sai; đồng thời cùng với chỉ đạo kiên quyết của lãnh đạo các cơ quan tố tụng Trung ương nên vụ án đã được làm rõ và xác định ông Trần Văn Thêm thực sự bị oan sai. Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa mong muốn các cơ quan báo chí thông tin kịp thời và định hướng thông tin khách quan để nhân dân hiểu rõ hơn về vụ việc trên.
Ông Lê Tư Quỳnh, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội trả lời tại buổi họp báo.
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa cho biết đây là sai sót của các cơ quan tiến hành tố tụng do chậm ban hành quyết định. Trong trường hợp này, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ đăng báo 3 số liên tiếp công khai xin lỗi, vấn đề bồi thường thì sẽ căn cứ vào đơn yêu cầu bồi thường của ông Trần Văn Thêm để xác định mức bồi thường thiệt hại do bị oan sai.
Ông Đoàn Tất Kỉnh, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đồng quan điểm với Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa và khẳng định: thực tế ông Trần Văn Thêm chỉ bị giam 5 năm 6 tháng 7 ngày để phục vụ quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Theo ông Lê Tư Quỳnh, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội, đối với vụ án này, người gây ra vụ án đã chết nên cần phải giải quyết để chấm dứt vụ án, đồng thời bồi thường cho người oan sai.
Một số hình ảnh trước và sau buổi xin lỗi công khai:
Ông Trần Văn Thêm và gia đình trước khi đến buổi xin lỗi công khai.
Ông Trần Văn Thêm thắp hương trước bàn thờ tổ tiên.
Ông Trần Văn Thêm được người thân đưa đến buổi xin lỗi công khai.
Tặng hoa chúc mừng ông Trần Văn Thêm.
Ông Trần Văn Thêm phát biểu sau khi được minh oan.