Mỗi người dân là một tấm gương lao động sản xuất giỏi
Ngày 11/8, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc với xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum để khảo sát về chính sách cử tuyển và tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số ít người.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh
phát biểu tại buổi làm việc tại xã Mô Rai.
Làm việc với Đảng ủy, UBND xã, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh ghi nhận những thành quả mà chính quyền, nhân dân xã Mô Rai đã đạt được trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn. Chính quyền đã cố gắng vượt qua những thách thức cùng với nhân dân trên toàn xã thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách pháp luật cuả Đảng, Nhà nước, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Báo cáo với đoàn công tác, ông H’Rach Láo - Chủ tịch UBND xã cho biết, Mô Rai là xã vùng xa biên giới của huyện Sa Thầy, toàn xã có 12 thôn làng với 4.555 nhân khẩu, đường xá đi lại còn rất nhiều khó khăn ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương.
Dù đã được các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nguồn vốn, giống cây trồng vật nuôi song do trình độ nhận thức một số người dân tộc còn chưa cao nên công tác xóa đói giảm nghèo còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Hiện toàn xã còn 93 hộ với 312 nhân khẩu là hộ nghèo, cận nghèo.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh
trao quà cho các già làng tiêu biểu uy tín xã Mô Rai.
Kiến nghị với đoàn công tác, ông H’Rach Láo mong muốn Đảng và Nhà nước thời gian tới cần có chương trình, dự án hỗ trợ nhằm nâng cao kiến thức, tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất cải thiện đời sống tinh thần, vật chất cho người dân tộc thiểu số. Bởi nhiều con em muốn được học hành nhưng điều kiện quá khó khăn phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ lao động, sản xuất.
Về công tác cử tuyển, tuyển dụng con em người dân tộc ít người thời gian qua còn nhiều bất cập, nhiều sinh viên học cử tuyển ra trường khi tuyển vào làm việc lại không đảm nhiệm được công việc. Trong khi có những sinh viên người dân tộc thiểu số không học theo dạng cử tuyển có học lực khá, giỏi lại không nhận vào làm việc đã vô tình tạo ra sự mất bình đẳng trong tuyển dụng.
Theo ông Giả Tấn Đạt - Trưởng phòng Nội vụ huyện Sa Thầy, toàn huyện có gần 200 sinh viên ra trường, trong đó có 18 người học theo dạng cử tuyển hiện nay đã bố trí công việc cho 15 người. Trong đó, người dân tộc ít người Rơ Mâm tại làng Le, xã Mô Rai có 2 người đi học theo dạng cử tuyển (một người đã có việc làm ổn định).
Đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh
thăm gia đình già làng A Blong tại làng Le.
Ông Đạt lấy ví dụ có em học cử tuyển 8 năm nay vẫn chưa ra trường, trong khi yêu cầu công việc bắt buộc phải tuyển dụng để giải quyết công việc.
Ghi nhận những kiến nghị của người dân, cán bộ xã Mô Rai về công tác tuyển dụng con em người dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cho rằng chính sách của Đảng, Nhà nước là rất đúng đắn nhưng để phát huy hiệu quả, ngoài các chính sách ưu tiên hỗ trợ của Nhà nước thì mỗi gia đình, người dân cần phải phát huy tất cả nội lực để vươn lên thoát nghèo.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh trao
biểu tượng của Mặt trận cho xã Mô Rai.
“Kinh tế phát triển, gia đình có điều kiện thì chúng ta mới có điều kiện để cho con cái học hành đầy đủ, nâng cao trình độ nhận thức chứ không nhất thiết cứ tốt nghiệp xong là phải vào Nhà nước làm việc. Điều quan trọng là chúng ta tự tạo cơ hội việc làm cho bản thân, tiếp cận được trình độ sản xuất ở phương thức cao hơn”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh.
Cùng ngày, đoàn đã đến làng Le thăm gia đình ông A Blong, người tiêu biểu có uy tín trong đồng bào dân tộc ít người Rơ Mâm.
Theo ông A Blong, người Rơ Mâm đang sinh sống tại Le hiện có 120 hộ với 470 nhân khẩu là một trong số 5 dân tộc ít người nhất hiện nay nhưng bà con trong làng luôn quan tâm hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc mình.