Tạm dừng cử tuyển nhưng phải có hướng mở

Phạm Hưởng 12/08/2016 19:09

Đồng ý với việc tỉnh Kon Tum tạm dừng cử tuyển trong năm 2016 để bố trí công việc cho học sinh, sinh viên cử tuyển, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh đề nghị xem xét hướng mở đặc biệt đối với những địa phương có nhu cầu trong tuyển dụng để cử học sinh, sinh viên là DTTS đi học cử tuyển.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc với MTTQ tỉnh Kon Tum.

Chiều ngày 12/8, tại Kon Tum, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum về việc thực hiện chính sách cử tuyển, tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số đối với dân tộc dưới 1000 người trên địa bàn.

Theo ông Trần Bình Trọng, Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum, dân tộc BRâu và Rơ Măm là hai nhóm dân tộc nằm ở dọc đường biên giới với tổng dân số lần lượt là 496 người và 446 người, đồng bào chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và đời sống còn khó khăn.

Sau khi Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 292/QĐ-UBDT, Quyết định số 293/QĐ-UBDT và Quyết định số 255/QĐ-UBDT về việc đầu tư phát triển dân tộc BRâu và Rơ Măm, cơ sở hạ tầng thay đổi rõ rệt, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, tạo điều kiện cho người dân đi lại phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản sau khi thu hoạch.

Đặc biệt, đối với công tác đào tạo cử tuyển, công tác đào tạo đã tạo điều kiện cho con em người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và tạo nguồn cán bộ cho các tổ chức, cơ quan trên địa bàn tỉnh.

Công tác cử tuyển đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương; số học sinh tốt nghiệp ra trường được tiếp nhận và bố trí công tác cơ bản đầy đủ.

Nhìn chung số học sinh, sinh viên được đào tạo theo địa chỉ về công tác tại địa phương đã có sự cố gắng, nỗ lực, phấn đấu phát huy được năng lục chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân.

Tổng số học sinh, sinh viên cử tuyển trên địa bàn tỉnh trong 5 năm 2010-2015 là 236 trường hợp (đại học là 99 trường hợp, cao đẳng là 9 trường hợp, trung cấp 128 trường hợp), trong đó bố trí việc làm tính đến năm 2015 là 119 trường hợp và 117 trường hợp chưa bố trí được việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum, chính sách cử tuyển là nguồn bổ sung cán bộ hợp lý, tính đến hết năm 2016, tỉnh có 648 trường hợp học cử tuyển nhưng còn 118 học sinh, sinh viên chưa bố trí được công việc, cho đến năm 2019 sẽ có 312 học sinh, sinh viên chưa thể bố trí được công việc khi các em tốt nghiệp ra trường.

Chính vì vậy, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ đề xuất: Tạm dừng cử tuyển đến năm 2020 để xử lý tình trạng tồn đọng về việc giải quyết việc làm cho các em sau khi ra trường vì tình hình phân bổ biên chế tại địa phương không được tăng.

Cùng với đó, trình độ của các em cử tuyển vẫn khó để tiếp cận được công việc được giao và việc thi tuyển công chức đối với các em cử tuyển hiện nay là quá sức, vì vậy nên tổ chức thi đặc cách riêng cho các em và không nên tổ chức thi cùng với cuộc thi chung của cả tỉnh.

Đồng ý với quan điểm này, ông Lại Xuân Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, nên duy trì chế độ cộng điểm đối với học sinh, sinh viên tham gia hệ cử tuyển khi được xếp thi công chức chung toàn tỉnh và đặc biệt không duy trì chính sách đặc cách việc làm đối với học sinh, sinh viên cử tuyển khi tốt nghiệp, điều đó sẽ dẫn đến phản ứng tiêu cực trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, ông Lại Xuân Lâm cũng đề nghị nên đưa ra điều kiện tuyển dụng với học sinh, sinh viên cử tuyển khi tốt nghiệp đạt bằng khá trở lên và hoàn thiện thời gian học theo đúng quy định của từng trường, không được kéo dài trong nhiều năm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh ghi nhận sự quan tâm của cấp ủy trong việc cử tuyển đối với con em đồng bào DTTS đã theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước đồng thời hoan nghênh chính sách của tỉnh trong việc phát huy những lợi thế trong phát triển ngành nghề, văn hóa ở mỗi huyện trong tỉnh.

Đánh giá về chính sách cử tuyển, tuyển dụng đối với đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc BRâu và Rơ Măm nói riêng, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết đây là chính sách ưu tiên đối với đồng bào DTTS.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh thống nhất chính sách cử tuyển là cần thiết. Tuy nhiên cần phải sửa quy định và chất lượng đào tạo đối với đội ngũ cử tuyển, bên cạnh đó phải áp đúng thời gian đào tạo của từng trường đối với học sinh, sinh viên cử tuyển.

“Về ý kiến tỉnh tạm dừng cử tuyển trong năm 2016 để bố trí công việc cho học sinh, sinh viên cử tuyển là một việc làm cần thiết, nhưng bên cạnh đó cần phải xét hướng mở đặc biệt đối với những địa phương có nhu cầu thiết yếu trong tuyển dụng để cử học sinh, sinh viên là DTTS đi học cử tuyển”, bà Bùi Thị Thanh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh chụp hình lưu niệm với người dân làng Đắk Mế.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đã đến làm việc tại xã Bờ Y, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum để khảo sát, tìm hiểu về chính sách cử tuyển, tuyển dụng và tình hình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, bảo tồn các giá trị văn hóa của 5 dân tộc dưới 1.000 người Việt Nam hiện nay.

Tại làng Đắk Mế, nơi sinh sống của 136 hộ (452 nhân khẩu) người dân tộc Brâu, là một trong 5 dân tộc có dân số ít nhất Việt Nam hiện nay. Dù đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm nhưng điều kiện kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao (18 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo).

Chính sách ưu đãi tuyển dụng con em những người dân tộc thiểu số dưới 1000 người đã được các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum triển khai, xong đến nay vẫn còn nảy sinh những bất cập do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tạm dừng cử tuyển nhưng phải có hướng mở

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh thăm già làng Y Pan người Brâu làng Đắk Mế.

Tạm dừng cử tuyển nhưng phải có hướng mở - 1

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh trao quà cho người dân Đắk Mế.

Theo già làng Y Pan người tiêu biểu có uy tín người Brâu, làng Đắk Mế, bà luôn là người biết trước, đi trước, làm trước vận động bà con nhân dân trong làng nâng cao nhận thức, hòa nhập với các dân tộc khác để cùng nhau phát triển kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hóa...

Từ chỗ không biết nói tiếng Phổ thông nhưng đến nay mọi người dân đã biết nói, biết viết.

Bà Y Pan cho rằng, mọi giá trị văn hóa của người Brâu vẫn được bảo tồn và phát huy như dệt thổ cẩm, giữ gìn 10 bộ chiêng tha để phục vụ trong mỗi dịp lễ hội. Tuy nhiên, hiện nay nghề dệt thổ cẩm vẫn chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm nên việc duy trì, bảo lưu nghề trong tương lai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thực hiện Nghị định134/2006/NĐ - CP về chính sách cử tuyển, tuyển dụng đối với người Brâu, theo bà Mai Thoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi, chính sách cử tuyển, tuyển dụng thời gian qua đã được huyện, xã làm đúng qui trình. Đối với người Brâu, trước năm 2000 họ sinh sống tại vùng giáp biên nhưng chính quyền đã vận động bà con về định cư tại làng Đắk Mế.

Nếu trước đây, con em người Brâu chỉ học hết cấp II thì đến năm 2011 đã có 4 em tốt nghiệp tại trường Phổ thông dân tộc Nội trú. Hiện đã có 1 em được tuyển dụng vào làm Nhà nước nhưng theo chủ trương tinh giản biên chế hiện nay thì việc cử tuyển, tuyển dụng nảy sinh nhiều bất cập.

Để làm rõ những vẫn đề tồn tại bất cập trong chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho rằng, với những chính sách còn phù hợp chúng ta tiếp tục thực hiện, những bất cập bộc lộ hạn chế, Mặt trận sẽ tập hợp kiến nghị với Đảng và Nhà nước để góp phần điều chỉnh.

Phạm Hưởng