Chuyên gia y tế bác tin đồn 'bắt trẻ em để lấy tạng'
"Không có việc trẻ em bị bắt cóc để lấy tạng" là khẳng định của không ít chuyên gia y tế trước tin đồn hiện đang có hiện tượng trẻ em bị bắt cóc mổ lấy nội tạng đưa lên ô tô vận chuyển đi nơi khác để thực hiện ghép tạng.
Ảnh minh họa.
Tin đồn được lan ra từ công văn của Công an huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai thông báo đến người dân thông tin về 16 vụ bắt cóc lấy nội tạng người xảy ra ở giáp ranh Việt Nam - Trung Quốc, tỉnh Hà Giang.
GS Trịnh Hồng Sơn- Phó Giám đốc BV Việt Đức - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho rằng, với điều kiện ở Việt Nam, rất khó thực hiện việc này vì ghép tạng không phải dễ dàng.
“Từ khi làm bác sĩ lúc còn trẻ tôi đã nghe đến, nhiều năm nay càng rộ hơn nhưng điều đó vẫn là chuyện viễn tưởng. Trên thế giới người ta đã trang bị được những xe có thể mổ cắt gan nhưng ở Việt Nam không có và do vậy, tôi khẳng định không thể có việc bắt cóc mổ lấy tạng để ghép cho người khác trong điều kiện “dã chiến” như vậy” - chuyên gia về ghép tạng chia sẻ với báo giới.
Để ghép tạng như thế, theo GS Trịnh Hồng Sơn, cần chuẩn bị người cho, người nhận. Ở đây người cho bị bắt cóc, lấy tạng như thế cần có ê kíp y tế riêng. Phương tiện nghiệp vụ để lấy phải có quy chuẩn, có quy trình lấy tạng như thế nào mới phù hợp, bảo quản tạng như thế nào cũng phải có quy trình. Có thể bị bắt cóc về mặt xã hội nhưng bắt cóc để lấy tạng như thế nào tôi chỉ nghe đồn.
Vậy, quy trình để thực hiện một ca lấy tạng và ghép tạng như thế nào? GS Trịnh Hồng Sơn cho rằng: Tuỳ theo các loại tạng, tuỳ theo trình độ mới ghép được tạng. Thực ra về kỹ thuật không khó. Hiện nay cả nước có 16 trung tâm ghép như BV Việt Đức, BV Quân y 103, BV Chợ Rẫy nhưng từng loại ghép có yếu tố khó khăn và thuận lợi khác nhau.
Ghép tạng đòi hỏi rất khó, quy chuẩn không như một ca mổ thông thường. Ngay cả buồng bệnh đòi hỏi cao vì miễn dịch sau ghép dễ thải loại. Một ca mổ phải theo quy trình chặt chẽ về mặt vô trùng, tính kỷ luật đồng bộ của đội ngũ, êkíp. Phương tiện dụng cụ, kỹ thuật phải chuẩn, phù hợp.
Việc lấy tạng không phải như mổ thông thường mà đòi hỏi phải tuân thủ theo quy trình, đảm bảo tiêu chuẩn giữ tạng nhiều nhất là 18 tiếng đối với thận trong thiết bị chuyên dụng càng sớm càng tốt. Ngoài ra, theo GS Sơn, tiêu chuẩn ghép cũng quan trọng.
Tiêu chuẩn ghép quan tâm đến giới, bệnh phối hợp, tình trạng của tạng có bị tổn thương, có bị bệnh phối hợp, tương tích về miễn dịch, nhóm máu…? Tuy nhiên, với mục đích vô đạo đức thì người ta có thể làm sai quy trình. Và, kết quả ca ghép như vậy rất khó để đánh giá.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết- nguyên Giám đốc BV Việt Đức, người đã thực hiện hàng trăm ca ghép tạng tại Việt Nam cũng khẳng định: Không thể có chuyện mổ lấy nội tạng như công văn kia miêu tả.
Theo ông, để chuẩn bị lấy tạng ra khỏi ổ bụng, các bác sĩ phải đặt các đường ống truyền để bơm dung dịch đặc biệt vào để rửa tạng, và khi tạng đã được lấy ra khỏi cơ thể thì vẫn phải được rửa bằng môi trường được làm lạnh. Tạng ấy phải được bảo quản ở trong nhiệt độ từ 3-4 độ C, và được ngâm trong dung dịch bảo quản đặc biệt.
Để bảo quản được tạng và lấy tạng ghép cho người khác thì yêu cầu đầu tiên là ca mổ lấy tạng phải được thực hiện trong điều kiện môi trường vô trùng tuyệt đối, với những máy mọc đặc biệt, dung dịch đặc biệt, tạng được bảo quản trong thời gian 5 - 10 - 15 tiếng…