Quảng Ninh chưa mở rộng mô hình đào tạo VNEN
Đó là ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng nhà trường, giáo viên một số địa phương đang triển khai thí điểm mô hình giáo dục này vào chiều qua, 12/8.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định VNEN là mô hình đào tạo tiên tiến, rất phù hợp với yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục, nhất là việc lấy học sinh làm trung tâm nhằm phát huy hết khả năng của học sinh, hạn chế được tính thụ động trong tiếp nhận kiến thức. Kết quả sau 3 năm học vừa qua của tỉnh đã cho thấy bước đầu là tốt.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu đảng bộ tỉnh, trước khi cho mở rộng mô hình trường học mới cần có sự đánh giá đúng, sát thực trạng, lắng nghe ý kiến phản hồi từ giáo viên, học sinh, phụ huynh, các chuyên gia trong ngành.
“Hiện tại do điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng, số học sinh trên lớp hiện nay quá đông, tài liệu giảng dạy chưa phù hợp, tâm lý của phụ huynh, học sinh và giáo viên chưa sẵn sàng, mô hình mới làm thí điểm chưa có tổng kết, đánh giá cụ thể, nhất là tâm lý truyền thống của người Việt nên tạm thời chỉ tiếp tục triển khai ở những lớp, những trường đã thực hiện mô hình thí điểm trong năm học 2015-2016 và chưa mở rộng ra các trường khác trong năm học 2016- 2017”.
Ông Đọc chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh phải đánh giá đầy đủ về mô hình trường học mới báo cáo cụ thể UBND tỉnh.
Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt VNEN) là mô hình nhà trường mới hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu của đổi mới phương pháp dạy học. Theo đó, học sinh được học theo tốc độ phù hợp với trình độ nhận thức của cá nhân, phát huy tinh thần dân chủ, ý thức tập thể, học tập theo nhóm (thông qua hội đồng tự quản).
Tại Quảng Ninh, năm học 2012- 2013 mô hình giáo dục VNEN được đưa vào thí điểm, đến năm học 2016- 2017 có 66 trường tiểu học, 7 trường THCS trên địa bàn tỉnh áp dụng mô hình giáo dục này.
Theo ý kiến của các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy theo mô hình này tại Trường Tiểu học Đông Ngũ huyện Tiên Yên, Trần Quốc Toản, TP Hạ Long thì ưu điểm của VNEN là học sinh chủ yếu tự học và thông qua thảo luận theo nhóm khác hoàn toàn với cách học truyền thống giáo viên giảng giải kiến thức có sẵn, nêu câu hỏi vấn đáp cho các em trả lời từ đó rút ra bài học cần thiết.
Tuy nhiên, các cô giáo và quản lý nhà trường cũng cho biết mô hình cũng bộc lộ nhiều bất cập do sách giáo khoa dành cho đào tạo theo mô hình này không phù hợp, không khoa học, lớp học không đảm bảo về cơ sở vật chất, sỹ số… Hiện tại mô hình mới chỉ thực hiện thí điểm ở cấp tiểu học và THCS nhưng chưa có ở cấp học THPT.
Học sinh học theo mô hình đào tạo VNEN nhưng thi vẫn theo chương trình giáo dục đại trà vì vậy không phù hợp với những nội dung mà học sinh được học theo VNEN. Thêm nữa giáo viên được đào tạo theo chương trình dạy phổ thông khi tham gia giảng dạy theo mô hình đào tạo VNEN rất bỡ ngỡ, thiếu kỹ năng, phương pháp….