Sát cánh cùng ngư dân bám biển
Thời gian qua ngư dân miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đã gặp không ít khó khăn. Trước tình hình này, Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Ngãi luôn luôn đồng hành, sát cánh và có những hành động cụ thể để giúp đỡ bà con. PV báo Đại Đoàn Kết đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Sáu- Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Ngãi.
Chuẩn bị khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa.
PV: Thưa ông, thời gian qua ngư dân chúng ta gặp không ít khó khăn. MTTQ tỉnh Quảng Ngãi đã làm gì để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân?
Ông Lê Văn Sáu: Việc đánh bắt hải sản, nhất là đánh bắt xa bờ của bà con ngư dân miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng thời gian gần đây gặp không ít khó khăn. Nhiều tàu thuyền, ngư dân bị tai nạn, thậm chí có trường hợp chết người hoặc mất tích trên biển vì sóng to, gió lốc đánh chìm tàu, hất rơi xuống biển, trượt chân ngã xuống biển… Năm 2015 trở lại đây đã có 5 trường hợp tàu thuyền bốc cháy khi đang neo đậu chuẩn bị ra khơi.
Đáng nói nhất, trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vẫn tiếp tục bị tàu của nước ngoài ngăn cản như dùng vòi rồng phun nước, tịch thu tài sản, dùng tàu sắt đâm va khi đang hành nghề ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây thiệt hại hàng tỷ đồng và làm nhiều ngư dân bị thương. Thậm chí có trường hợp còn bị bắn chết khi đang khai thác hải sản ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Trước tình hình trên, UBMTTQ tỉnh Quảng Ngãi luôn luôn đồng hành, sát cánh cùng ngư dân để hỗ trợ, giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn. UBMTTQ tỉnh Quảng Ngãi đã thường xuyên vận động và quản lý nguồn quỹ dành riêng cho việc hỗ trợ ngư dân khi gặp nạn trên biển. Đến nay nguồn quỹ này còn hơn 3,21 tỷ đồng. UBMTTQ tỉnh luôn theo sát ngư dân, kịp thời đến thăm hỏi, hỗ trợ kinh phí những trường hợp không may gặp nạn, bị chết, mất tích, như: Hỗ trợ 4,5 triệu đồng cho gia đình ngư dân Trương Đình Bảy ở xã Bình Châu đi trên tàu QNg 95861 đã bị tàu lạ tấn công, và bắn chết ngày 26-11-2015; Hỗ trợ mỗi gia đình 4,5 triệu đồng cho các gia đình ngư dân Huỳnh Thanh Hoàng, Nguyễn Sĩ Phú, Bùi Thanh Phương, Lê Văn Thu ở huyện Đức Phổ;…Cùng đó đã trao tặng 100 số tiết kiệm cho các hộ ngư dân nghèo từ nguồn tài trợ của Vietinbank, mỗi sổ 5 triệu đồng… và rất nhiều trường hợp khác.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của ngư dân đối với phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc?
- Phải nói ngay rằng, vai trò của ngư dân là hết sức quan trọng. Chỉ tính ở Quảng Ngãi hiện nay có trên 5.400 tàu thuyền với tổng công suất gần 900.000CV, trong đó có gần 2.700 tàu có công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ. Hoạt động khai thác hải sản xa bờ không chỉ góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống ngư dân mà chính họ là những cột mốc sống góp phần tích cực trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chỉ tính riêng huyện đảo Lý Sơn, hiện có 415 phương tiện tàu cá, trong đó xã An Hải có trên 132 phương tiện tàu cá có công suất lớn từ 90CV trở lên đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam. Ngư dân Lý Sơn có nhiều điểm mạnh, trước hết là có truyền thống của quê hương Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào ngư dân cũng quyết tâm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Trước những khó khăn, ngư dân của chúng ta vẫn kiên cường bám biển, càng cho thấy vai trò quan trọng của bà con. Chúng ta phải ghi nhận và luôn có những sự đồng hành để vai trò này càng được phát huy.
Ông có thể cho biết về tình hình thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Đến thời điểm này đã thực hiện được những gì?
- Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong tổng số 78 tàu cá được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67, đến nay đã có 30 chiếc tàu được giải ngân với tổng số tiền 159,215/213,69 tỷ đồng cam kết cho vay. Trong số 30 chiếc tàu được các ngân hàng giải ngân, hiện có 18 chiếc đã hoàn thành đưa vào khai thác, trong đó có 7 tàu vỏ thép và 11 tàu khai thác vỏ gỗ, 12 chiếc còn lại đang thi công.
Qua theo dõi, tình hình sản xuất của các tàu đã đóng xong cho thấy, hầu hết các tàu vỏ gỗ tham gia khai thác có hiệu quả. Riêng đối với các tàu vỏ thép, thì tàu phục vụ cho hậu cần nghề cá như tàu của Công ty cổ phần thủy sản Lý Sơn đã tham gia chuyến biển thực nghiệm đầu tiên tại vùng khơi, chưa có hiệu quả, hiện tàu đang điều chỉnh, bổ sung một số chi tiết, trang thiết bị cho phù hợp với thực tế sản xuất. Còn các tàu khai thác vỏ thép, như tàu của ông Ngô Thanh Phong và Võ Văn Tình đã khai thác chuyến đầu tiên, tàu có hư hỏng nhưng đã tự khắc phục được, bước đầu có hiệu quả; tàu của chủ tàu Võ Văn Hân, đã tham gia khai thác 3 chuyến biển, do các chuyến biển tàu đều bị hư hỏng phải vào bờ sửa chữa, sản lượng thấp, giá rẻ nên lỗ chi phí. Chuyến thứ 3 đang khai thác đến ngày thứ 16 thì bị hư hỏng, phải tiếp tục vào bờ, sản lượng khai thác khoảng 5 tấn, giá rẻ nên chỉ đủ chi phí, lao động trên tàu thu nhập thấp.
Về vấn đề này Quảng Ngãi cũng đã có kiến nghị với Bộ NN&PTNT, đó là cần chặt chẽ hơn trong quá trình giám sát kỹ thuật đóng mới tàu cá vỏ thép tại các cơ sở đóng tàu, nhằm hạn chế tối đa các hư hỏng khi vận hành. Có cơ chế hỗ trợ chủ tàu chi phí thiết kế theo mẫu riêng lẻ (khi đã được cơ quan đăng kiểm phê duyệt), để hạn chế thiệt hại cho chủ tàu khi đã trả tiền cho đơn vị tư vấn nhưng bị các ngân hàng thương mại từ chối cho vay. Xem xét, bổ sung ít nhất là 100 chỉ tiêu đóng mới tàu cá cho tỉnh Quảng Ngãi từ chỉ tiêu chưa thực hiện của các tỉnh để giải quyết nhu cầu phát triển tàu cá của ngư dân trong tỉnh. Quan tâm xem xét bố trí vốn thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản và các dự án đầu tư hạ tầng cảng cá, khu neo đậu trú bão tàu cá để triển khai thực hiện kịp thời.
Nhưng tôi khẳng định, Nghị định 67 của Chính phủ là một chính sách hết sức đúng đắn, hợp lòng ngư dân.
Thưa ông trong thời gian tới chúng ta sẽ làm những gì để tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân?
- Mặt trận đã và đang tiếp tục đồng hành cùng ngư dân, nắm bắt thông tin, tâm tư nguyện vọng của bà con để kịp thời thực hiện hỗ trợ về mặt tinh thần và hỗ trợ bà con trong những lúc khó khăn hay gặp nạn trên biển. Chỉ có làm tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân và luôn sát cánh cùng bà con thì tinh thần vươn khơi bám biển mới luôn được giữ vững.
Trân trọng cảm ơn ông!