'Bông hồng thép' của bắn súng Việt Nam
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã làm nên lịch sử cho bắn súng Việt Nam ở sân chơi Olympic với 1 HCV, 1 HCB. Đằng sau chiến công của Hoàng Xuân Vinh có bóng dáng của HLV Nguyễn Thị Nhung, người phụ nữ mạnh mẽ, quyết liệt được gọi với cái tên “bông hồng thép”.
HLV Nguyễn Thị Nhung.
Cả châu Á có một HLV bắn súng nữ
Tóc ngắn, áo phông, vòng đeo tay và đồng hồ thời trang, HLV Nguyễn Thị Nhung mỗi khi xuất hiện khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Ở cái tuổi ngoài 50 trông chị vẫn trẻ chẳng kém gì các học trò mười tám đôi mươi của mình.
Đam mê bắn súng từ năm 14 tuổi, Nguyễn Thị Nhung đã trải qua 37 năm với nghề. Từ một VĐV, chị Nhung nay đã trở thành Trưởng Bộ môn bắn súng (Tổng cục Thể dục thể thao), kiêm HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, ở châu Á có mình HLV Nguyễn Thị Nhung là nữ trên cương vị một “thuyền trưởng”. Thật hiếm có người phụ nữ nào lại gắn với 1 môn thể thao ngày nào cũng phải lên đạn, bóp cò, những tiếng nổ nhức tai đến màn “tra tấn” thần kinh ở loạt bắn quyết định.
Cựu xạ thủ 51 tuổi đảm trách ghế nóng HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam trong 11 năm liên tục một cách xuất sắc, với những thành quả nổi bật và dấu ấn riêng, khiến ngay cả các đồng nghiệp nam cũng phải nể phục.
Dưới “triều đại” của chị Nhung, môn này từ chỗ chỉ hy vọng tranh chấp, liên tục có huy chương tại nhiều giải đấu cấp châu lục và thế giới. Đáng kể nhất với tấm HCV cùng kỷ lục thế giới của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Cup thế giới 2013, lần đầu có HCB Asiad, hạng 4 Olympic 2012, vô số huy chương ở SEA Games và giải Đông Nam Á.
Đến Rio 2016, chị Nhung tiếp tục sát cành cùng bộ đôi cựu binh Xuân Vinh - Quốc Cường. Trong đó, niềm hy vọng Xuân Vinh là người gắn bó nhất với nghiệp huấn luyện của chị, ở cả những kỳ tích cùng thất bại nuối tiếc. Và rồi Thế vận hội 2016 chính là đỉnh cao nhất của HLV Nguyễn Thị Nhung, với 1 HCV (lập kỷ lục), 1 HCB của học trò Hoàng Xuân Vinh. Nói như chị Nhung, thành tích này giống như một giấc mơ, mà có mơ cũng khó thấy…
Có lẽ không chỉ Hoàng Xuân Vinh mà cả đội tuyển bắn súng cũng phải dành những lời cảm ơn với HLV Nguyễn Thị Nhung. Với 4 tỷ đồng dành cho cả bộ môn bắn súng mỗi năm, nhưng chị Nhung đã khéo “liệu cơm gắp mắm”, nhờ các mối quan hệ tại Hàn Quốc giúp VĐV Việt Nam có những chuyến tập huấn “ngon, bổ rẻ”, từ đó bắn súng Việt Nam mới có được một Xuân Vinh đầy kinh nghiệm, bản lĩnh và bước lên đỉnh vinh quang như bây giờ.
Khẩu hiệu “đặc biệt” với học trò Hoàng Xuân Vinh
Trong vòng bốn năm, tức hơn 1.400 ngày, trước mỗi buổi tập bắn súng, Đại tá quân đội, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đều hét lớn: “Tôi là người đoạt huy chương Olympic”. Ít ai biết khẩu hiệu này do chính HLV Nguyễn Thị Nhung đặt ra cho học trò, kể từ khi Hoàng Xuân Vinh trắng tay rời Olympic 2012.
Hoàng Xuân Vinh chia sẻ, nếu không có HLV Nguyễn Thị Nhung, rất có thể anh đã giải nghệ từ lâu, không thể có cơ hội đến Rio để bước lên đỉnh cao nhất. Tại ASIAD 2010, Xuân Vinh đã trải qua một thất bại đầy bi kịch khi để vuột HCV vì để súng cướp cò đúng viên đạn cuối. Tại Olympic London, HLV Nguyễn Thị Nhung cùng Xuân Vinh ở rất gần một tấm huy chương. Đến giờ, họ vẫn còn nhớ như in, trong sự nuối tiếc về lần để vuột HCĐ nội dung 50m súng ngắn tự chọn, với khoảng cách thua người xếp trên vỏn vẹn 0,1 điểm.
“Em làm được. Em sẽ giành huy chương Olympic” - lời động viên ngắn gọn nhưng đầy khí lực của HLV Nguyễn Thị Nhung với Xuân Vinh, khi anh mất niềm tin vào chính bản thân.
Để vượt qua, Hoàng Xuân Vinh đã luyện tập một phương pháp bí mật, dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Thị Nhung. Cách luyện tập đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được là trong vòng một năm, mỗi ngày anh đứng yên bất động, không di chuyển, không nói, suốt hai tiếng đồng hồ liên tục.
Hoàng Xuân Vinh cũng đặc biệt mạnh mẽ. Hai cá tính mạnh gặp nhau, chuyện xung đột là khó tránh khỏi. Nhiều thời điểm trong công việc, cả hai va chạm như cơm bữa. Nhưng chính những cuộc tranh luận, những bất đồng quan điểm, khiến cả hai hiểu nhau hơn. Chị Nhung vừa cười vừa nói rằng: “Chúng tôi có thể nói chuyện với nhau về súng đạn cả ngày không chán”.
Bộ đôi cô trò nhưng tình nghĩa như chị em này đã vượt qua biết bao nhiêu sóng gió, thử thách. Tại Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh đã xuất sắc vượt qua VĐV nước chủ nhà Felipe Almeida Wu để giành tấm HCV nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Với thành tích 202.5 điểm, xạ thủ người Hà Nội thậm chí còn lập kỷ lục Olympic. Được mệnh danh là “người đàn bà thép” nhưng HLV Nguyễn Thị Nhung cũng không thể giấu được niềm hạnh phúc vô bờ sau khi cậu học trò giành tấm huy chương lịch sử. HLV Nguyễn Thị Nhung òa khóc nức nở - một hình ảnh hiếm khi thấy với người phụ nữ thép này.
“Hoàng Xuân Vinh là học trò tuyệt vời của tôi. Tôi luôn tin Hoàng Xuân Vinh sẽ làm được điều đó và hôm nay cậu ấy đã làm được. Thực sự là trái tim tôi đang nghẹt thở, tràn đầy cảm xúc. Chúng tôi đã chờ đợi giây phút này đã lâu lắm rồi”, HLV Nguyễn Thị Nhung nghẹn ngào.
Trong giây phút quyết định, Hoàng Xuân Vinh cũng khẳng định chính những lời dặn dò của HLV Nguyễn Thị Nhung đã giúp anh vượt qua được khó khăn và đoạt tấm HCV lịch sử cho thể thao nước nhà.
Trăn trở với nghiệp bắn súng
Ngay sau khi cùng học trò Hoàng Xuân Vinh lập kỳ tích ở Olympic 2016, HLV Nguyễn Thị Nhung đã chia sẻ nỗi niềm của mình với môn bắn súng: “Tôi chỉ mong muốn một điều rằng là sau khi bắn súng đã thành công ở đấu trường thế giới, đặc biệt là đã giành được HCV và lập kỷ lục Olympic, chúng tôi cũng chỉ có thể mong muốn tiếp tục nhận được sự đầu tư và quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước đối với môn bắn súng này cả về cơ sở vật chất”.
Thực tế thì bắn súng là một trong những mũi nhọn của thể thao Việt Nam, nhưng lại chưa được đầu tư tương xứng. Trường bắn Nhổn – Hà Nội (Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia) lạc hậu nhất nhì khu vực Đông Nam Á. Đến giờ các VĐV Việt Nam vẫn phải tập bắn bằng bia giấy (trong khi thi bia điện tử). Ngoài một số VĐV trọng điểm được cấp súng, đạn ở mức “vừa đủ”, thì hầu hết đều tập chay, đạn nhiều khi phải đi “vay” trước mỗi giải đấu.
Một mình người phụ nữ như HLV Nguyễn Thị Nhung đã vực dậy cả đội tuyển bắn súng, nhưng đến lúc chúng ta không chỉ có những lời khen dành cho “người đàn bà thép” này, mà hãy cùng chị giúp sức cho bắn súng nước nhà, trước mắt là đảm bảo về cơ sở tập luyện, thiết bị súng ống đạn dược, những kế hoạch tập huấn nước ngoài và xa hơn nữa là sự phát triển một cách đồng bộ, toàn diện cho môn bắn súng.