Không thể 'vừa đá bóng, vừa thổi còi'
Câu chuyện bỏ cơ chế “bộ chủ quản” gần đây lại nóng lên nhưng vẫn chưa biết đến khi nào sẽ có hồi kết. Đó là việc thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý vốn và tài sản ước tính lên tới 130 tỷ USD tại các doanh nghiệp nhà nước, tách các doanh nghiệp khỏi các bộ chủ quản. Vấn đề đặt ra trong bối cảnh yêu cầu tăng cường tính minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả ở mọi lĩnh vực vận hành các thiết chế phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp nhà nước để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, tiếp tục thúc bách việc hoàn thiện thể chế với các cơ chế bảo đảm tính chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả trong quản trị kinh tế - xã hội tương thích với luật chơi toàn cầu. Việc gia tăng chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) của bộ máy công quyền chỉ có thể được hiện thực hóa trong điều kiện phòng chống được hiện tượng bất cập quản trị chồng chéo. Trong lĩnh vực quản lý kinh tế, cơ chế bộ chủ quản là một điển hình cụ thể với những hạn chế kéo dài đến nay vẫn chưa thể khắc phục.
Cơ chế chủ quản (vẫn thường được gọi là cơ chế “bộ chủ quản”) xuất hiện từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp trước đây, tồn tại kéo dài trong quá trình phát triển nền kinh tế nước ta. Sự vận hành của cơ chế này xung đột với cơ chế thị trường.
Từ nhiều năm qua, tại nghị trường Quốc hội đã có những kiến nghị nên xóa bỏ mô hình bộ chủ quản đối với các tập đoàn kinh tế, DNNN để tháo gỡ những nút thắt về thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tránh chồng chéo chức năng quản lý và điều hành trong DN, gỡ bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Những đặc trưng cơ bản của cơ chế chủ quản ban đầu được xác lập, đó là các DN trong nền kinh tế đều là DNNN do Nhà nước làm chủ sở hữu; mỗi DN (trước đây gọi là xí nghiệp) đều được quản lý bởi một cơ quan quản lý nhà nước gọi là cơ quan chủ quản; mỗi DN (xí nghiệp) có một giám đốc do Trưởng ty (sau này là giám đốc Sở) bổ nhiệm hoặc đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc Bộ trưởng bổ nhiệm; Và mọi hoạt động của DN đều phải được lập kế hoạch và được cơ quan chủ quản phê duyệt (như tuyển dụng nhân sự, kế hoạch sản xuất, mua vật tư, nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, giá bán, ….).
Các DN hoạt động theo kế hoạch được duyệt. Cuối năm, nếu có lãi thì nộp về ngân sách nhà nước sau khi đã được trích các quỹ theo chỉ tiêu được duyệt, nếu bị lỗ thì ngân sách nhà nước gánh chịu, cấp bù.
Khi đất nước đổi mới, xây dựng nền kinh tế thì trường thì cơ chế chủ quản có sự biến thiên về hình thức, nhưng bản chất về sự chi phối của các cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động kinh doanh của DN vẫn rất nặng nề.
Từ năm 2010, Chính phủ ban hành nghị định chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên và tổ chức quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Trong mấy năm tiếp theo, đã có hơn 1.500 DNNN được chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự chuyển đổi này vẫn chỉ là hình thức, về bản chất, DN vẫn không thoát khỏi cơ chế quản lý bộ chủ quản. Câu chuyện “bình mới rượu cũ” đã xảy ra. Các công ty TNHH một thành viên vẫn không có sự thay đổi nào đáng kể về quản trị DN tác động tích cực thực sự đến sự phát triển theo quy luật thị trường. Nhà nước vẫn là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH một thành viên và những nội dung cơ bản của cơ chế chủ quản trong công tác quản trị các DNNN vẫn còn nguyên vẹn.
Mặc dù vai trò quản lý nhà nước đối với các DN là rất cần thiết, nhưng nếu xảy ra tình trạng các bộ, ngành “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong hoạt động quản lý, ắt dẫn dễ đến nguy cơ nảy sinh tiêu cực và bất bình đẳng cho các DN khác. Thực trạng các bộ, ngành có cả hệ thống doanh nghiệp trực thuộc gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hoạch định, thực thi chính sách do chính các bộ ngành cũng không thể không chăm lo, thậm chí ưu ái cho các doanh nghiệp trực thuộc. Rõ ràng, để có sự minh bạch cần tách rời chức năng quản lý nhà nước với hoạt động điều hành DN.
Việc tách cơ chế bộ chủ quản khỏi DN chính làm giảm thiểu sự can dự của các cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước vào các hoạt động kinh tế vi mô, chức năng quản lý tài sản và quản lý công được tách bạch. Đây là yêu cầu tất yếu nhằm đảm bảo công bằng trong hoạt động của các doanh nghiệp. Để từ đó các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực sự có điều kiện làm đúng vai trò quản lý nhà nước, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, tập trung tổ chức thực thi chính sách, tránh việc sa vào quản lý công việc cụ thể của DN- làm hạn chế tính tự chủ độc lập sáng tạo của DN, chồng chéo giữa người quản lý chính sách pháp luật nhà nước và người điều hành hoạt động kinh doanh.
Công cuộc đổi mới, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta đang tiếp tục đặt ra đỏi hỏi về đổi mới thể chế quản lý kinh tế, trong đó có quản lý DNNN. Trọng tâm của vấn đề này là xác định rõ vai trò chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước. Cần sớm tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản trị kinh doanh của DNNN, hoàn thiện thể chế về tổ chức và kinh doanh vốn nhà nước.
Và việc cải cách, xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản là một trong những biện pháp cấp thiết. Tránh tình trạng giao cho công chức trong bộ máy công quyền làm “chủ sở hữu” hoặc đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại DN, tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, hình thành những nhóm lợi ích chi phối thị trường.
Thiết nghĩ, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê những Công ty TNHH nhà nước một thành viên sau chuyển đổi. Chuyển đổi hình thức sở hữu DNNN nhằm thu hút vốn đầu tư trong nhân dân, nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của các DN. Mục tiêu trước mắt là Nhà nước chỉ giữ và góp vốn chi phối các DN hoạt động trong những lĩnh vực có liên quan đến an ninh quốc phòng và lợi ích công cộng.
Như thế, rất cần một cơ quan chuyên môn quản lý tập trung nguồn vốn nhà nước, bảo đảm minh bạch và chịu trách nhiệm trước sự giám sát của nhân dân. Tổ chức cơ quan chuyên trách này như thế nào là câu hỏi lớn đang có nhiều ý kiến khác nhau, cần làm sáng tỏ.
Thế nhưng, không thể vì việc chưa thống nhất được cách thức tổ chức một cơ quan chuyên trách quản lý vốn và tài sản DN nên lại tiếp tục kéo dài sự tồn tại cơ chế bộ chủ quản. Đây là bài toán cần sớm giải đáp trong quá trình tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.